DNews

1.200 ngày "vượt nắng, thắng mưa", thỏa giấc mơ 20 triệu người dân miền Tây

Bảo Trân

(Dân trí) - Người dân vùng đất Chín Rồng trân quý từng nhịp cầu, từng mét vuông đường nhựa, bởi đó là sự đồng lòng của tập thể, từ chính quyền đến người dân với biết bao hy vọng cho sự phát triển.

1.200 ngày "vượt nắng, thắng mưa", thỏa giấc mơ 20 triệu người dân miền Tây

Nhiều người dân khóm Tân Thuận, phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long 3 năm nay vẫn giữ thói quen ra trước hiên nhà, nhìn về phía cầu Mỹ Thuận 2. Họ thường nói với nhau: "Công nhân làm 3 ca từ sáng đến chiều tối như vậy sẽ xong sớm thôi".

Những ngày cuối tháng 12 này, dân khóm trông đứng trông ngồi. Mỗi sáng bước ra cửa nhà, họ đã nhìn thấy hình hài 2 câu cầy lịch sử, như hiện hữu của 2 thế hệ sừng sững trước mắt.

"Bây giờ lên Sài Gòn cũng phải nghĩ không biết hôm nay nên đi cầu nào đây", ông Trạng (1968) nói sảng khoái, ít ngày trước lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

1.200 ngày vượt nắng, thắng mưa, thỏa giấc mơ 20 triệu người dân miền Tây - 1

Cầu cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái) được khánh thành vào ngày 24/12 (Ảnh: Mỹ Hân).

"Giờ lên Sài Gòn phải nghĩ hôm nay nên đi cầu nào"

Lật lại tấm hình công trình cầu Mỹ Thuận đã ngả màu thời gian, ông Bùi Văn Trạng (1968, nhân viên đội thi công kéo cáp văng công trình cầu Mỹ Thuận) bồi hồi: "Tôi và hai ông cột chèo làm ở đội thi dây kéo cáp văng năm 1998-1999, giờ trong nhóm chỉ còn thằng em đang làm đội bảo trì, sửa chữa cầu bên Công ty 715".   

Ông Trạng kể, ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận, ông dìu mẹ lẫn vào biển người chật ních trên cầu, chỉ cho bà tận mắt thấy dây cáp văng mới cáu màu xanh lam do chính ông và đồng đội thi công với biết bao tự hào.

"Khi đó trên bờ đông nghẹt, dưới sông ghe xuồng cứng ngắc, ngày ấy cô cậu ra bán một gói mì 50.000 đồng người ta cũng mua bởi trong lòng vui sướng không còn gì bằng. Mẹ tôi bây giờ 83 tuổi, mới đây mà đã 23 năm", ông Trạng kể với phóng viên.

1.200 ngày vượt nắng, thắng mưa, thỏa giấc mơ 20 triệu người dân miền Tây - 2

Bà sáu Thanh vui mừng kể về 2 công trình sắp khánh thành có thể nhìn thấy ngay trước hiên nhà (Ảnh: Bảo Trân).

Con trai vừa dứt lời, bà sáu Thanh - mẹ ông Trạng nhìn lên cuốn lịch rồi lẩm nhẩm: "Công nhận cầu làm đẹp thiệt đẹp, mà nhanh, nghe đâu dân mình xây làm không đó".

Từ thời điểm cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công 3 năm trước, mẹ con ông Trạng thường ra trước nhà ngồi, nhìn về hướng cầu rồi đăm chiêu bình luận: "Họ làm 3 ca từ sáng đến chiều tối vậy mới xong sớm đó chứ", ông Trạng gật gù.

Hầu hết, người dân trên địa bàn khóm Tân Thuận, phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long ai cũng trông đứng trông ngồi. Bởi giờ đây, mỗi sáng chỉ cần bước ra cửa nhà, họ sẽ nhìn thấy hình hài 2 công trình lịch sử, như hiện hữu của 2 thế hệ sừng sững trước mắt.

"Bây giờ lên Sài Gòn cũng phải suy nghĩ không biết hôm nay nên đi cây cầu nào đây", ông Trạng nói vui rồi sảng khoái.

Người dân vùng đất Chín Rồng trân quý từng nhịp cầu, từng mét vuông đường nhựa, bởi đó là sự đồng lòng của tập thể, từ chính quyền đến người dân với biết bao thăng trầm kéo dài đằng đẵng hàng thế kỷ.

1.200 ngày vượt nắng, thắng mưa, thỏa giấc mơ 20 triệu người dân miền Tây - 3

Chỉ cần bước ra phía trước hiên nhà, người dân Tân Hòa, Vĩnh Long sẽ nhìn thấy sức sống mới của đồng bằng quê mình (Ảnh: Bảo Trân).

Mời phóng viên vào nhà, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (1963, ngụ phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long) kể, khoảng 2 tháng nay, từ ngày hợp long cầu Mỹ Thuận 2, mỗi buổi chiều người dân trong xóm thường tụ trước sân nhà bà để nhìn về phía cầu.

Ở tuổi 60, bà Tuyết làm chủ quản một kho nông sản - nghề gia truyền suốt 3 đời của gia đình trên địa bàn TP Vĩnh Long. Mỗi tuần, kho của bà xuất hàng đi TPHCM 4 chuyến.

"Tôi nhớ năm đó tôi 10 tuổi, thường bám càng ba má chở rau củ qua phà Mỹ Thuận lên chợ đầu mối Bình Điền. Ngày hôm đó lũ về, chiếc phà nhỏ bị chết máy, chủ phà để trôi mấy tiếng liền. Rất lâu sau đó mới được một chiếc tàu khác kéo qua bờ Tiền Giang an toàn", bà Tuyết nhắc lại kỷ niệm một thời lụy phà gian nan.

1.200 ngày vượt nắng, thắng mưa, thỏa giấc mơ 20 triệu người dân miền Tây - 4

Người dân miền Tây thời "muốn qua sông phải lụy phà" (Ảnh: Tư liệu từ Nguyễn Công Thành).

Sau này có cầu Mỹ Thuận, đường sá thông thương, từ TPHCM về lục tỉnh có thêm nhiều sự lựa chọn. Bà Tuyết cũng theo nghề ba má để lại nhưng đến nay vẫn không hết ám ảnh mỗi chuyến tải hàng lận đận, nhất là dịp lễ, Tết qua cầu Mỹ Thuận. 

"Chồng tôi chở hàng bằng xe tải còn tôi thường mang lồng cơm và cá khô theo để ăn trong lúc đợi kẹt xe. Mệt mỏi nhất là mỗi khi trên cầu có tai nạn hay đi trúng giờ cao điểm, tôi thường nói chồng tắt máy xe chờ, không lần nào là dưới 1 tiếng".

"Khi cầu Mỹ Thuận 2 thông xe, tôi áng chừng mỗi tuần kho sẽ có 6-8 chuyến hàng đi từ Vĩnh Long lên TPHCM chạy thẳng qua cây cầu này, rồi bằng đường cao tốc mới lên TPHCM mà không cần đi vào quốc lộ. Rất tiện" - bà Tuyết vui mừng. 

1.200 ngày vượt nắng, thắng mưa, thỏa giấc mơ 20 triệu người dân miền Tây - 5

Cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái) nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng lưu. (Ảnh: Mỹ Hân).

Đồng bằng sẽ phát triển mạnh mẽ

Là người tha hương lâu nay, bà Trần Văn Xuân (59 tuổi, ngụ Bạc Liêu) không khỏi chạnh lòng mỗi khi ai đó hỏi về công việc. Bà là một trong những người miền Tây sống xa quê, ấp ủ giấc mơ trở về sau nhiều năm dài ở Bình Dương.

"Thóc lúa tới đâu bồ câu tới đó. Tôi đi bởi vì quê nhà không có việc làm phù hợp. Không ai muốn tha phương cầu thực nhưng ở nơi khác có sở làm tốt hơn thì đi thôi. Tôi ước ngày trở về, vợ chồng có việc làm ở quê nhà. Đủ ăn, đủ mặc là được", bà Xuân nói.

Năm 2016, bà Xuân cùng chồng và 5 người con từ Bạc Liêu lên Bình Dương làm thuê. Nhưng từ năm 2021 đến nay, công ty cắt giảm nhân sự, gia đình bà Xuân 7 người chen chân trong một phòng trọ. Khó khăn nhưng không thể trở về bởi ở tuổi lục tuần, vợ chồng bà không tìm được công việc ở quê nhà.

"Tôi mong quê hương mình có thêm việc mới để tương lai con cháu xán lạn hơn mình" - bà Xuân chia sẻ trước ngày khánh thành cao tốc.

1.200 ngày vượt nắng, thắng mưa, thỏa giấc mơ 20 triệu người dân miền Tây - 6

Bà Xuân tin tưởng tương lai con cháu sẽ xán lạn hơn nhờ những công trình như cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (Ảnh: Bảo Trân).

Trao đổi với phóng viên Dân trí về tầm quan trọng 2 công trình lớn: cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sắp được đưa vào khai thác, ông Phạm Thanh Vận - Nguyên Phó Bí thư thường trực Cần Thơ, khẳng định đây là sự quan tâm lớn của Trung ương với các tỉnh miền Tây, góp phần vực dậy mảnh đất nhiều tiềm lực, tiềm năng, đóng góp nhiều hơn cho phát triển của đất nước.

Nếu như các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Đông Nam Bộ đã phát triển mạnh về công nghiệp, du lịch… thì ĐBSCL lâu nay khẳng định thương hiệu vựa lương thực của cả nước. Nơi đây là vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản dồi dào của cả nước và xuất khẩu.

"Cao tốc không chỉ giúp đồng bằng khai thông về kinh tế, mà còn giúp khai thông trí tuệ. Có trí tuệ thì có lúa gạo, trái cây, thủy sản chất lượng, chứ không dừng lại số lượng như hiện nay" - ông Vận nhìn nhận.

Nguyên Phó Bí thư thường trực Cần Thơ nhận định 5 năm tới, các tỉnh ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ khi các tuyến cao tốc trục ngang hoàn thành. Để đón đầu cơ hội, ông Vận cho rằng các địa phương phải dồn lực đào tạo nhân lực và nhân lực chất lượng cao cho các nhà máy, xí nghiệp đang dần hình thành quanh các tuyến cao tốc.

1.200 ngày vượt nắng, thắng mưa, thỏa giấc mơ 20 triệu người dân miền Tây - 7

Mời quý độc giả xem thêm các bài trong tuyến: Công trình mang kỳ vọng giúp đất Chín Rồng "cất cánh"

Bài 1: Cầu dây văng 5.000 tỷ đồng do kĩ sư Việt xây dựng, kết nối TPHCM - Cần Thơ

Bài 2: Cao tốc 5.000 tỷ đồng giúp rút ngắn thời gian TPHCM - Cần Thơ còn 2 giờ

Bài 3: Công trình 5 lần Thủ tướng về thị sát, mang khát vọng đồng bằng vươn cao

Bài 4: 1.200 ngày "vượt nắng, thắng mưa", thỏa giấc mơ 20 triệu dân đồng bằng

                                                                                                                         (còn tiếp...)