1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Vì đâu gameshow hẹn hò dung tục, phản cảm xuất hiện ngày càng nhiều?

(Dân trí) - Chuyện gameshow “Date & Kiss” (Hẹn hò và hôn) phải tạm dừng phát sóng trên kênh Youtube vì nhận được quá nhiều chỉ trích từ phía người xem mới đây đã phản ánh sự hỗn loạn của các thể loại gameshow mai mối, hẹn hò.

Lợi dụng kẻ hở để phát tán gameshow phản cảm

Thời gian gần đây, các gameshow hẹn hò, mai mối… mọc lên như nấm sau mưa trên các kênh sóng của nhiều đài truyền hình lẫn trực tuyến. Tuy nhiều về số lượng nhưng chất lượng của các chương trình lại tạo nên nhiều tranh cãi ngay khi vừa phát sóng.

Điều đáng nói là trong khi các chương trình phát sóng trên truyền hình còn có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng thì trên mạng trực tuyến lại dường như rất khó để kiểm duyệt. Và lợi dụng kẽ hở này mà nhiều đơn vị sản xuất đã tung ra nhiều gameshow hết sức lố lăng, phản cảm, thô tục…

Cách đây không lâu, gameshow “Dare Pong” phát trên Youtube đã bị vô số người xem lên án “không khác gì phim cấp 3” khi người chơi thể hiện sự bạo dạn quá đà trước ống kính.

Hình ảnh gây phản ứng của gameshow Date & Kiss vừa phải tạm dừng phát sóng.
Hình ảnh gây phản ứng của gameshow "Date & Kiss" vừa phải tạm dừng phát sóng.

Có những tập, người chơi nữ dễ dãi tới mức chấp nhận cả chuyện cho đối phương lột đồ bằng răng, chỉ trừ lại đồ lót. Toàn bộ quá trình lột đồ diễn ra ngay trước ống kính và người nữ phải mặc đồ lót đến cuối chương trình.

Có tập, người chơi (một nhân vật khá nổi tiếng trong giới trẻ) còn chấp nhận để bạn chơi cởi áo, sau đó dùng bông tắm lau khắp cơ thể, kể cả chỗ nhạy cảm trên cơ thể.

Cuộc đối thoại giữa người dẫn chương trình và những người chơi gần như cũng chỉ xoay quanh chuyện nhạy cảm. Nhiều người xem không không tránh khỏi cảm giác “xốn mắt” khi chứng kiến những cảnh tượng thô bỉ đến “cạn lời” này.

Mới đây, gameshow “Date & Kiss” (phát sóng trên Yotube) lại tiếp tục dung tục hóa chuyện hẹn hò bằng những chiêu trò tương tự. Theo đó, mỗi tập sẽ có 3 người chơi, gồm 1 nam - 2 nữ hoặc ngược lại. Riêng tập 3 có 2 chàng trai thuộc cộng đồng LGBT (thế giới thứ ba).

Ở vòng đầu tiên, người chơi chính và hai ứng viên sẽ được bịt mắt, ngồi trò chuyện với nhau. Họ có quyền ôm, hôn, sờ, chạm đối phương.

Vòng thứ hai, lần lượt từng ứng viên sẽ bước vào một căn phòng tối với người chơi chính, cùng nằm trên một chiếc sofa, tự do trò chuyện, hôn hít và sờ soạng cơ thể nhau. Ứng viên còn lại sẽ theo dõi những cảnh này thông qua một màn hình từ phòng tối. Vòng cuối cùng, người chơi chính sẽ đưa ra quyết định hẹn hò cùng ai.

Tập 2, còn có cảnh chàng trai vô tư ôm ấp, vuốt ve vòng ba, dùng tay kéo váy của cô gái hay cô gái còn lại hôn đến tuột cả áo khiến người xem không khỏi đỏ mặt. Thậm chí, chương trình còn cho phép người chơi sử dụng rượu nhằm tăng sự kích thích khi ở bên nhau trong phòng tối.

Ngay ở tập đầu tiên, gameshow này đã bị lên án mạnh mẽ bởi không khác gì những bộ “phim người lớn” trá hình. Và sau khi phát sóng 3 tập, làn sóng phẫn nộ càng lúc càng dâng cao. Không ai có thể chấp nhận được những trò thô thiển đến bậy bạ của gameshow này.

Bên cạnh đó, một số các gameshow hẹn hò trên truyền hình gần đây cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối của khán giả khi quá sa đà vào việc lạm dụng yếu tố mới lạ để câu rating (lượng xem) khiến gameshow mang tính giải trí trở nên kỳ dị.

Nhà sản xuất gameshow sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật

Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cho rằng, những gameshow dạng này thực chất chỉ mượn cớ hẹn hò, giao duyên... để làm những chuyện phản cảm, dung tục... Hành vi này không những làm lệch chuẩn văn hóa mà còn có tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là giới trẻ.

“Có thoáng tới đâu thì văn hóa Việt Nam cũng không thể chấp nhận chuyện một người con trai mới gặp một người con gái đã lao vào ôm hôn, sờ soạng, làm đủ trò... Đã thế, một người con gái lại phải ngồi bên ngoài để chứng kiến toàn bộ hành vi đó. Sẽ ra sao nếu giới trẻ bắt chước cách thức hẹn hò đó?”, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn nói.

Theo đạo diễn "Và em sẽ trở lại", cần phải có các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn và quản lý các gameshow dạng này trước khi chúng được phát tán rộng rãi. Cần xử lý nghiêm khi tìm ra những đối tượng lợi dụng kẻ hở của pháp luật để làm những chuyện trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức lối sống.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và Thông tin trên mạng, Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng, cơ chế pháp luật về lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện những năm gần đây có phần thông thoáng hơn. Tuy nhiên, vì thế mà nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở này để làm những điều không được phép.

“Cá nhân tôi, khi xem thông tin báo chí phản ảnh về gameshow “Date & kiss” đang lưu hành trên mạng Youtube thì có thể khẳng định nội dung đó không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Chương trình này đi ngược lại với đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa của Việt Nam và khi nó được phát tán trên mạng xã hội sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm và suy nghĩ của lớp trẻ hiện nay”, ông Ngô Huy Toàn cho biết.

Theo ông Toàn, với sự việc này, chắc chắn nhà sản xuất chương trình sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều đáng nói, ngay sau khi có ý kiến phản hồi gay gắt từ phía người xem, nhà sản xuất chương trình đã tạm dừng phát sóng nhưng các clip về chương trình lại bị một số đối tượng phát tán lại.

Cho đến thời điểm này vẫn chưa thể xác định được đối tượng phát tán các clip của gameshow “Date & Kiss” là tổ chức, cá nhân ở Việt Nam hay nước ngoài. Vì thế, việc thanh tra hoặc mời họ lên làm việc là rất khó và thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông vẫn đang vào cuộc điều tra. Nếu đối tượng là người trong nước thì mọi hoạt động sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo đó, hành vi vi phạm đã được quy định cụ thể tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng của Chính phủ. Nếu vi phạm Nghị định 72 và sẽ phải chịu hình thức xử phạt theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo quy định tại Điều 66 của Nghị định 174, tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng khung xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng.

Thực tế, việc quản lý và ngăn chặn các gameshow trực tuyến và các thông tin đăng tải mang nội dung phản cảm, dung tục ở trên mạng xã hội toàn cầu như Youtube hiện đang là một vấn đề khá nan giải đối với cơ quan quản lý nhà nước. Để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin phản cảm trên mạng xã hội cung cấp vào Việt Nam, chúng ta cần áp dụng nhiều biện pháp: quản lý, kỹ thuật, hợp tác quốc tế, tuyên truyền giáo dục...

Hà Tùng Long