"Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng": Những câu chuyện cảm động về Bác Hồ

Huỳnh Quyên

(Dân trí) - Sáng 19/5, buổi tọa đàm, giới thiệu sách "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng" của GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TPHCM).

Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).

Tại buổi tọa đàm, GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú đã chia sẻ những kỷ niệm xúc động về Bác Hồ. Tác giả cho biết khi còn là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường, ông đã nhận được chiếc huy hiệu khen thưởng từ Bác trong một lần làm việc tốt. Sau này, nhà văn có cơ hội được gặp gỡ và tiếp xúc gần hơn với Bác qua các cuộc mít tinh, hội nghị…

Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng: Những câu chuyện cảm động về Bác Hồ - 1

GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú (Ảnh: Huỳnh Quyên).

Khi độc giả đặt vấn đề về việc có nên thêm thắt các yếu tố hư cấu vào Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng hay không, nhà văn phản hồi: "Cuộc đời Bác đã là những trang huyền thoại mà không cần thêm bất kỳ yếu tố hư cấu nào, chỉ cần viết đủ và đúng thì đã thành những trang sách đẹp. Trách nhiệm của một nhà văn viết các nội dung liên quan đến lịch sử, nhất là về Bác phải đảm bảo yếu tố đủ và đúng".

Trước thắc mắc của độc giả về tính chính xác trong các câu chuyện lịch sử, GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú nhấn mạnh đã viết văn là phải chi tiết, nếu không chi tiết thì không được gọi là "ký". Theo nhà văn, để viết ký một cách chính xác, không chỉ dựa vào thông tin của người kể mà còn phải đối chiếu thông tin của họ với lịch sử của thời kỳ đó.

Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng: Những câu chuyện cảm động về Bác Hồ - 2

GS,TS. Trình Quang Phú giao lưu với độc giả (Ảnh: Huỳnh Quyên)

Cuốn sách Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng tái bản lần thứ 22 này có nội dung được chia thành 2 phần: Phần thứ nhất với tên gọi Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng, gồm các bài viết về thời niên thiếu của Bác Hồ, từ lúc ở Làng Sen cho đến lúc Người ra đi tìm đường cứu nước. Phần thứ hai với tên gọi Miền Nam trong trái tim Người ghi lại những câu chuyện cảm động của một số người đã may mắn, vinh dự được gặp Bác Hồ như các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Bình, Trần Văn Trà, Luật sư Trịnh Đình Thảo, nhà thơ Thanh Hải… và chính tác giả - GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú.

Các câu chuyện thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đối với Bác Hồ và cũng đã khắc họa rất chân thực, xúc động tình cảm, nỗi nhớ thương miền Nam của Bác, bởi "miền Nam luôn luôn ở trong trái tim Người".

Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng: Những câu chuyện cảm động về Bác Hồ - 3

Quyển "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng" được trưng bày tại tọa đàm (Ảnh: Huỳnh Quyên).

Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1996, đến nay qua 27 năm, cuốn sách đã được tái bản ở nhiều nhà xuất bản, trong đó 5 lần gần đây là tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Lần tái bản thứ 22 này là lần có nhiều bổ sung, chỉnh sửa nhất. Đầu tiên, tác giả sắp xếp lại thứ tự các bài viết ở từng phần cho phù hợp hơn. Thứ hai là bổ sung 5 bài viết, trong đó đặc biệt có bài Bông Huệ thơm viết về bà Lê Thị Huệ (Út Huệ) và bài "Một số tư liệu khảo cứu về Bác ở miền Nam" làm rõ một số vấn đề, mốc thời gian liên quan đến Bác Hồ ở miền Nam mà trước nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Cũng trong dịp này, Đường sách Nguyễn Văn Bình còn tổ chức triển lãm sách với các tư liệu, hình ảnh về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.