Gia Lai:

Trưng bày ghế xương voi trắng độc nhất, có niên đại khoảng 700 năm

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Chiếc ghế làm từ xương voi trắng có niên đại 700 năm, bộ khung dệt cổ hơn 200 năm đang được trưng bày tại Gia Lai.

Từ ngày 5/12 đến ngày 31/12, diễn ra triển lãm ngoài trời với chủ đề "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai" tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Tại đây, trưng bày các cổ vật giá trị của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa.

Gia-Lai_ghe-lamg-bang-xuong-voi_Pham-Hoang.JPG

Ghế xương voi có niên đại 700 năm của nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm (Ảnh: Phạm Hoàng).

Đáng chú ý, triển lãm giới thiệu đến công chúng chiếc ghế làm từ xương voi trắng. Đây là cổ vật có niên đại khoảng 700 năm.

Chiếc ghế được làm từ nhiều khúc xương voi trắng to lớn, kết hợp bằng dây thừng tạo vẻ bề thế, uy nghi.

Trong lịch sử, đối với Tây Nguyên và nhiều nước Đông Nam Á, voi trắng là món quà từ thiên nhiên cực kỳ quý hiếm, được quan niệm mang tới uy quyền, may mắn và thịnh vượng.

Gia-Lai_ghe-lamg-bang-xuong-voi_Pham-Hoang2.JPG

Chiếc ghế được làm từ xương voi trắng quý hiếm, do "vua săn voi" ở Đăk Lăk từng sử dụng (Ảnh: Phạm Hoàng).

Trong bộ sưu tập còn có khung dệt cổ có niên đại khoảng 200 năm; nhiều bộ trống được làm bằng thân cây kết hợp với da trâu, voi, nai; các nhạc cụ dân tộc, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống, thổ cẩm đặc trưng của các tộc người, vườn tượng gỗ, sưu tập ghè, chóe cổ...

Ông Đặng Minh Tâm (63 tuổi, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Hơn 40 năm trước, ông đã  may mắn sưu tầm được chiếc ghế xương voi ở Đắk Lắk. Cùng bộ với chiếc ghế, còn có các dụng cụ để săn bắt voi. Từ xưa, người đồng bào Tây Nguyên có phong tục săn voi đực để thuần dưỡng và phục vụ vào đời sống sản xuất nông nghiệp".

Gia-Lai_ghe-lamg-bang-xuong-voi_Pham-Hoang3.JPG

Ông Đặng Minh Tâm cho biết, phong tục thời xưa thường săn voi đực để thuần dưỡng và phục vụ vào đời sống sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Phạm Hoàng).

Triển lãm lần này góp phần thực hiện có hiệu quả đề án Bảo tồn phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của người đồng bào Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Gia-Lai_ghe-lamg-bang-xuong-voi_Pham-Hoang4.JPG

Chiếc khung dệt cổ có tuổi đời hơn 200 năm. Khung này chuyên làm ra loại vải dệt bằng sợi tơ tằm tự nhiên (Ảnh: Phạm Hoàng).

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, chia sẻ, thông qua hoạt động, tỉnh kỳ vọng du khách, người dân trong tỉnh được tận mắt chiêm ngưỡng, tìm hiểu các hiện vật gắn với đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Các em học sinh, thế hệ trẻ cũng được trang bị thêm kiến thức về di sản văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Gia-Lai_ghe-lamg-bang-xuong-voi_Pham-Hoang5.JPG

Bộ trống làm bằng da voi, ngựa, trâu đực (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Do đây được xem như một bảo tàng mở nên mong người dân và du khách cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ hiện vật, góp phần vào hoạt động bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên", Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nói thêm.