Quảng Trị: Gặp người lưu giữ nét chữ “xưa”

(Dân trí) – Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, căn nhà của “ông đồ” Thống lại trưng đầy những bức hoành phi, thư pháp, câu đối đỏ…Nhiều người biết đến tài viết chữ của ông và đã tìm đến xin chữ, câu đối mang về treo trong nhà.

Qua một số người bạn, tôi biết và gặp được ông Đinh Văn Thống (60 tuổi, ở khu phố 6, phường 2, TP Đông Hà), một con người thông thạo chữ Nho “còn sót lại” giữa cuộc sống hiện đại. Ông Thống viết chữ Nho rất đẹp nên người dân nơi ông sinh sống thường gọi ông với cái tên thân thiện là “ông đồ” Thống, dù công việc của ông không phải chờ đến “cuối năm hoa đào nở” mới bày mực tàu, giấy đỏ viết chữ.

Những ngày cận Tết, ông đồ Thống lại trở nên bận rộn
Những ngày cận Tết, "ông đồ" Thống lại trở nên bận rộn

Đam mê chữ Nho từ nhỏ

Ông Thống sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, tại làng An Dạ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ông nội của ông vốn là một nhà Nho, cha là thầy giáo nên ông được dạy dỗ rất cẩn thận. Chính nhờ đó mà ông được tiếp cận với chữ Nho, chữ Quốc ngữ từ rất sớm. Năm lên 7 tuổi, ông Thống bắt đầu nói được chữ Nho và đến năm lên 10 đã đọc được, bắt đầu mài mực, cầm bút cọ viết những nét chữ đầu tiên. Cũng vì mê chữ Nho mà ông Thống dành khá nhiều thời gian vào việc sưu tầm tài liệu, tự học và nguyên cứu.

Qua quá trình tích lũy lâu dài, ông Thống đã xây dựng cho mình vốn kiến thức vừa đủ để có thể phát huy sự nghiệp của cha ông. Tuy nhiên, ông không theo nghiệp làm thầy giáo mà lại chọn cho mình một hướng đi khác là mở cơ sở điêu khắc chữ Nho ngay tại nhà. 

Những bức hoành phi, câu đối được khắc rất tinh xảo
Những bức hoành phi, câu đối được khắc rất tinh xảo

Ông Thống bày tỏ: “Bản thân tôi thích học chữ Nho từ lúc còn nhỏ. Tôi mở cơ sở này để vừa thực hiện niềm đam mê của bản thân vừa muốn gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa đặc sắc này. Hơn nữa, chữ Nho của người Việt đã được cha ông nhiều đời sáng tạo lại từ chữ Hán, được sử dụng rộng rãi nhưng lớp trẻ hiện nay ít người biết đến”.

Hơn 10 năm ông Thống mở cơ sở điêu khắc, chủ yếu là sản xuất đồ nội thất thờ cúng, làm các bức hoành phi, long vị, điêu khắc chữ Nho, viết thư pháp. Nhiều người trong và ngoài tỉnh biết và tìm đến ông để xin chữ, để được học viết. Có những du khách từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tìm đến ông chỉ để được “mục sở thị” tài viết chữ điêu luyện của ông và được ông tặng cho một vài câu đối bằng chữ Nho mang về nước. 

Cũng nhờ am hiểu chữ Nho mà ông Thống đã giúp cho nhiều gia đình, dòng họ tìm lại được gốc tích qua việc dịch gia phả, phù điêu…Một số dòng họ đã được ông dịch gia phả như: dòng họ Nguyễn Tất ở làng Đại An Khê, huyện Hải Lăng; dòng họ Lê ở Triệu Độ, Triệu Phong; dòng họ Trần Hữu, Trần Văn ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh; họ Phạm ở Lập Thạch, phường Đông Lễ, TP Đông Hà…

Một bài thơ do người khách từ TP Hồ Chí Minh nhờ ông dịch và viết trên gỗ
Một bài thơ do người khách từ TP Hồ Chí Minh nhờ ông dịch và viết trên gỗ

Có thể nói rằng, quyết định này của ông là một bước đi đúng để giúp ông “thỏa chí” với niềm đam mê và góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, xã hội càng phát triển kéo theo sự mai một dần của nhiều nét  văn hóa truyền thống, một người như ông Thống còn biết và lưu giữ được vốn chữ ngày xưa lại càng đáng quý.

Lưu giữ nét văn hóa xưa

Những ngày cuối năm, ông Thống càng bận rộn bởi những cuộc điện thoại khắp nơi gọi về hẹn gặp xin chữ, câu đối hay những đơn đặt hàng…Căn nhà nhỏ của ông cũng tràn ngập những bức hoành phi, câu đối được ông điêu khắc nổi bật trên nên nền gỗ, hay những dòng câu đối, thư pháp bằng chữ Nho trên nền giấy đỏ…Bằng những nét bút, nét chạm khắc tinh xảo, thể hiện cái tâm của người viết, những dòng câu đối hiện lên rất lộng lẫy.

Ông Thống cho hay, nghề và sự nghiệp luôn hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, làm tốt nghề để nuôi sống và vun đắp cho nghiệp viết chữ. Viết chữ để khẳng định thêm những giá trị của nghề, vừa góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống xưa cũ của ông cha. Từ suy nghĩ đó, ông luôn trân trọng những người yêu nét chữ cổ xưa, và luôn xem đó là niềm vui để tiếp tục phát huy sự nghiệp của mình. Chỉ có những người đam mê chữ mới tìm đến ông để đặt hàng làm phù điêu, hoành phi mang về treo trong nhà.

Ông Thống không cho chữ tùy tiện, mà tùy vào từng cá nhân, từng hoàn cảnh cụ thể mà ông nhận lời viết chữ. Ông cho rằng, bản thân tôi rất muốn học chữ Nho, trước khi theo nghiệp giữ gìn nét văn hóa do cha, ông để lại cũng khát khao hướng đến cái chân – thiện – mỹ, hướng đến cái đẹp. Và, trong từng dòng chữ cũng ẩn chứa nét đẹp rồi. Nếu người không có tâm, không yêu vốn chữ đó thì có treo chữ trong nhà cũng không có ý nghĩa.

Trong số những người yêu chữ, cũng có các cụ lớn tuổi, chỉ cần xin chữ của ông đã cảm thấy mãn nguyện. Ông kể cách đây mấy năm, khi ông nhận lời về một làng đặt chữ cho một dòng họ. Lúc ấy đang trong giờ nghỉ trưa, có một cụ ông cứ ngồi chờ xin chữ mà không dám gọi lúc ông đang ngủ. Đến lúc ông biết được thì cụ kia nói cần xin ông một câu đối về treo nhưng sợ làm phiền. Ông Thống phấn khởi và thấy rất trân trọng cụ, bèn ngồi dậy và đặt cho cụ vế đối khiến cụ này cảm ơn rối rít. Hay trường hợp khác là một lão thành cách mạng, được người bạn chí cốt tặng cho mấy dòng bằng chữ Nho. Thế nhưng, dù cụ đã mang đi nhờ nhiều người nhưng không có ai dịch được, có người dịch được lại không chuẩn ý. Đến khi cụ biết đến “ông đồ” Thống và tìm đến nhờ dịch, kết quả khiến cụ rất vui vẻ.

Ông Thống luôn trân trọng những ai yêu thích nét chữ cổ xưa
Ông Thống luôn trân trọng những ai yêu thích nét chữ cổ xưa

Hiện ông Thống còn lưu giữ rất nhiều câu đối trong nhà, có những câu làm ông rất tâm đắc. Ông luôn lấy nó làm lẽ sống để vừa răn dạy con cháu, vừa tu dưỡng chính bản thân mình. Ông Thống hướng dẫn và giải nghĩa từng câu như:

Đức thụ khai hoa, gia môn đồng tâm chủng/Phúc cơ thân hậu, phụ mẫu dĩ đạo vi

(Cây Đức nở hoa, cả nhà đồng tâm chăm bón/Nên Phúc sâu dày do cha mẹ lấy đạo làm nên)

Hay: Nhọc nhằn chất lại thành non/Cha vui gánh lấy cho con trưởng thành

        Trở mùa nắng trái tháng giêng/ Sa sương tóc mẹ bạc nghiêng mái đầu

Dù đã là một nghệ nhân thông thạo chữ Nho nhưng ngày đêm ông vẫn học tập, vẫn tìm thêm tài liệu để nguyên cứu sâu hơn về chữ Nho. Ông Thống trăn trở, rồi thế hệ những người như tôi sẽ mất đi, những người trẻ tuổi không mấy ai quan tâm đến chữ Nho. Và như vậy thì nét đẹp văn hóa này sẽ bị mai một và mất đi”.

Hàng năm ông đều đón tiếp các sinh viên ngành Hán Nôm, khoa Ngữ văn thuộc các trường Đại học về thực tập hoặc sẵn sàng dạy chữ cho những ai yêu thích và muốn học. Đây có lẽ là điều làm ông vui, vì ông vẫn hy vọng chữ Nho sẽ được truyền đạt cho thế hệ trẻ.

Đăng Đức