Ở nơi con người sống chung với người chết

(Dân trí) - Người ta vẫn nói âm dương cách biệt, thế giới của người sống và người chết vốn không thể song hành. Tuy nhiên ở một số nơi vì nhiều lý do vẫn có những người sinh sống cùng với người chết bất chấp sự phản đối của xã hội.

Ở nơi con người sống chung với người chết


Ở một số nơi các cộng đồng chọn việc sống chung với người chết thường do tín ngưỡng hoặc vấn đề kinh tế. Người Aghori sadhus ở Ấn Độ coi cái chết là một phần tôn giáo và dựa vào xác người để tiến hành các nghi lễ. Ở Ai Cập và Philippines cũng có nhiều cộng đồng lớn sống ở các nghĩa trang do họ quá nghèo. Với họ, việc người sống ở bên cạnh người chết không có gì bất thường, vì hài cốt và các ngôi mộ là một phần cuộc sống của họ.

Ở nơi con người sống chung với người chết

Người Aghori sadhus ở Ấn Độ coi cái chết là một phần tôn giáo và dựa vào xác người để tiến hành các nghi lễ.

Aghori sadhus là một nhóm thầy tu Hindu tôn thờ Shiva, vị thần hủy diệt và tái sinh, và việc chìm đắm giữa người chết cũng như những thứ bẩn thỉu là một phần đức tin của họ. Người ta coi họ là những người bị ruồng bỏ vì đức tin và các nghi lễ của Aghori sadhus đi ngược lại Hindu giáo chính thống.

Hầu hết các Aghori sống ở Varanasi, nằm bên bờ sông Ganges ở phía Bắc Ấn Độ. Đây là thành phố yêu thích của Shiva. Các nghi lễ an táng ở đây được cho là sẽ mang tới sự cứu rỗi cho thế giới bên kia. Tại thành phố này có rất nhiều kè đá để người dân hỏa táng xác người thân. Người Aghori trát tro cốt từ kè đá lên thân mình hoặc vớt các thi thể từ dưới sông lên để tiến hành nghi lễ. Họ dùng xác người làm bia thờ, dùng xương người làm đồ dùng và trang sức. Trong khi thầy tu của các nhánh Hindu giáo đều ăn chay và không uống rượu bia thì các thầy tu Aghoris uống rất nhiều rượu và ăn thịt người chết. Họ tin rằng làm như vậy sẽ khiến họ có quyền năng đặc biệt.

Các nghi lễ an táng thường diễn ra trên sông Ganges, Ấn Độ.

Các nghi lễ an táng thường diễn ra trên sông Ganges, Ấn Độ.

Cairo, với dân số 20 triệu người, là một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Ở phía Đông Nam thành phố có một khu vực mang tên al-Arafa (Thành phố người chết), ở đó hơn 500 nghìn cư dân sống trong một khu lăng mộ cổ đại. Thành phố người chết được thành lập năm 642 để làm nghĩa trang cho người Ả-rập khi họ chinh phục Ai Cập. Nhiều dòng họ đã sống ở đây trong hàng trăm năm sau khi phải chuyển chỗ ở do thiếu nơi sinh sống và bởi các thảm họa thiên nhiên. Họ cũng bị xã hội trung lưu và thượng lưu Ai Cập ruồng bỏ.

Một ngôi mộ đã trở thành nhà cho người dân sinh sống ở thành phố chết, Ai Cập.

Một ngôi mộ đã trở thành nhà cho người dân sinh sống ở thành phố chết, Ai Cập.

Thành phố này gồm một loạt lăng mộ trải dài hơn 6km. Cộng đồng người ở đây bị hạn chế điện và nước sinh hoạt. Các ngôi mộ trong khu vực này giống các ngôi nhà, nhiều trong số đó có cả một khu vườn. Các gia đình đã dựng nhà, xây nhà bếp và công trình phụ trong các ngôi mộ đó. Thường hài cốt được đặt trong các căn phòng ngầm tách biệt được bao phủ bởi các phiến đá lớn.

Toàn cảnh thành phố người chết ở Ai Cập.

Toàn cảnh thành phố người chết ở Ai Cập.

Cemeterio del Norte (Nghĩa trang Bắc Manila) xuất hiện từ thế kỉ 19 và là nghĩa trang lớn nhất Philippines, trải rộng trên diện tích 52 hecta. Hàng trăm gia đình đã sinh sống ở đây suốt hàng chục năm do không thể mua được nhà ở trong thành phố. Do các ngôi mộ được tái sử dụng, hơn 6000 cư dân ở đây phải sống và làm việc với các bộ hài cốt nằm phơi ngoài trời. Họ biến các lăng mộ thành nhà ở, quán cà phê và cửa hàng, thậm chí là nơi chơi đùa của bọn trẻ. Rất nhiều người dân trở thành người chăm sóc cho các ngôi mộ và cung cấp dịch vụ cho người thăm mộ vào các ngày lễ.

Một gia đình sống trong những ngôi mộ ở nghĩa trang Bắc Manila, Philippines.

Một gia đình sống trong những ngôi mộ ở nghĩa trang Bắc Manila, Philippines.

Khác với Thành phố của người chết ở Cairo, cộng đồng sinh sống ở đây không có nước sạch, điện và các dịch vụ vệ sinh. Dù phải đối mặt với áp lực từ chính phủ và các vấn đề tội phạm, người dân vẫn muốn sống ở đây hơn là chuyển ra bên ngoài.

Video ghi lại cuộc sống của người dân trong nghĩa trang Bắc Manila, Philippine.


Phan Hạnh
Theo Atlas