Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn dưới góc nhìn của người bạn đồng môn

Huy Hoàng

(Dân trí) - Năm 1950, khi mới 9 tuổi cậu bé Nguyễn Bắc Sơn đã theo anh trai thoát li, gia nhập "Đoàn thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước".

Hồi ký "Bảy nổi ba chìm" của cây tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn - người mới được nhận giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật được viết khi ông đã ngoài 80 tuổi. 

Tác giả vốn tên khai sinh là Nguyễn Công Bác, sau mới có bí danh là Nguyễn Bắc Sơn. Đây cũng là tên thường gọi và là bút danh nhà báo, nhà văn đến giờ.

Theo đó, cuốn sách như một thước phim chậm về cuộc đời của một chú bé từ khi 9 tuổi (khai thêm một tuổi), theo anh trai thoát ly từ đầu năm 1950. 

Phần kết có một câu đầy cảm khái như cách Nguyễn Bắc Sơn đúc rút lại về cuộc đời mình: "Người ta có hàng tỉ trong ngân hàng quốc gia. Chú - (tác giả) chỉ có 25 cuốn sách trong thư viện quốc gia. Sang thế giới bên kia mới có tiền tỉ".

Năm 1950, khi mới 9 tuổi cậu bé Nguyễn Bắc Sơn đã theo anh trai thoát li. Hai anh em đi chân đất từ Tân Phong, Hạ Hòa, Phú Thọ, hai ngày sau mới tới an toàn khu (ATK) ở Tuyên Quang để gia nhập "Đoàn thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước" (do tên Bác Hồ đặt).

Nguyễn Bắc Sơn được giải thưởng nhờ cuốn "Lửa đắng" dài hơn 600 trang. Cuốn sách dám mổ xẻ cơ chế điều hành, hệ điều hành, các nhân vật của hệ điều hành với mục đích đóng góp vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong việc quản trị đất nước.

Thế nên lần đầu tiên trong văn học Việt Nam có các nhân vật có chức danh chứ không ám chỉ: Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Tổng Bí thư và "cụ" (cố vấn Ban Chấp hành Trung ương).

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn dưới góc nhìn của người bạn đồng môn - 1

Cuốn tiểu thuyết "Lửa đắng" của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

Chả thế 8 nhà xuất bản từ chối cấp phép. Rất may nhà xuất bản Lao động thấu hiểu động cơ sáng tác của tác giả nên khẳng định trong phiếu thẩm định ngày 27/6/2008 với nội dung dưới đây.

"Bản thảo này được viết ra từ trái tim một người cộng sản, một người trong cuộc, rất có ích cho đất nước, cho Đảng ta, không chỉ cho hôm nay. Tôi trực tiếp biên tập và xin chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm". Bên dưới có ký tên chức danh Phó giám đốc, Tổng biên tập - nhà văn Trần Dũng.

Thận trọng, Hội Nhà văn chỉ trao giải 3 cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 giai đoạn 2006-2010. Tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn "Luật đời & Cha con" sau này được chuyển thể thành phim truyền hình "Luật đời" thời lượng 26 tập. Tác phẩm cũng được người xem bình chọn là phim truyền hình hay nhất năm 2007. 

Bên cạnh đó, "Lửa đắng", "Gã tép riu", "Vỡ vụn", "Cuộc vuông tròn" và tiểu thuyết "Lính tăng" cũng được giải thưởng văn học sông Mê Kông năm 2023.

Tôi, Vũ Thị Vĩnh Nga, vốn là bạn đồng môn của nhà văn. Từ đáy lòng xin gửi tới anh Nguyễn Bắc Sơn lời chúc mừng thành công, người mà tôi vẫn luôn coi là sư phụ.