Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh:

Lễ hội phải hướng tới văn minh, giá trị của văn hóa

Trong khi lễ hội là một phần biểu tượng văn hóa của một quốc gia thì du lịch chính là phương tiện hữu hiệu nhất để quảng bá văn hóa đó. Thế nhưng mỗi dịp tết đến xuân về thì vấn đề lễ hội và du lịch luôn là chủ đề nóng trong cộng đồng. PV Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh về những vấn đề trên.



Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh

Thưa Bộ trưởng, “Nhà nước hóa lễ hội”, “Quan hóa lễ hội”... là những cụm từ hay được truyền thông “đổ tại” cho việc Nhà nước can thiệp quá sâu vào lễ hội - vốn là của dân, do dân làm chủ thể. Bộ trưởng nghĩ sao về ý kiến này?

Đúng, lễ hội vốn là sản phẩm văn hóa, tín ngưỡng của người dân ở mỗi xóm, làng, xã... và thường được chính những người dân tiến hành trong cộng đồng của họ. Nhưng cùng với sự phát triển chung của đất nước, quy mô của các lễ hội ngày càng được mở rộng. Nhiều lễ hội ở tầm quốc gia với hàng chục ngàn, hàng triệu người tham dự... Vậy, với một lượng người như thế cùng “đổ xô” đến một di tích mà không có “bàn tay” của Nhà nước thì liệu có đảm bảo được an toàn cho người tham gia lễ hội hay không?

Theo tôi, vấn đề ở đây là quản lý như thế nào mà thôi. Trong những năm gần đây, ngành văn hóa đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và lễ hội đã dần đi vào nền nếp, tuy nhiên, vẫn còn những hiện tượng lễ hội bị biến tướng, bị thương mại hóa. Chính vì thế, năm nay, Bộ VHTTDL đã tham mưu với Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý lễ hội, trong đó có những điểm đáng chú ý: Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương không tham dự lễ hội với danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không được cấp có thẩm quyền phân công; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm; giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn...

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ra Công điện về quản lý lễ hội. Điều này cho thấy việc quản lý lễ hội đòi hỏi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Bên cạnh việc một số lễ hội đang bị biến tướng như nói ở trên, những năm gần đây, một số lễ hội dân gian đã và đang được khôi phục lại với nhiều ý kiến trái chiều như lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) gần đây. Thậm chí, lễ hội này đã bị Tổ chức Động vật Châu Á phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh chấm dứt tổ chức. Quan điểm của Bộ VHTTDL trước những ý kiến trong nước cũng như sự phản đối của tổ chức quốc tế, thưa Bộ trưởng?

Chỗ này tôi muốn nói rộng hơn về văn hóa nói chung. Trong lịch sử đã từng có những cuộc gặp gỡ, đối thoại, thậm chí có những xung đột giữa các nền văn hóa qua giao thương, di dân, chiến tranh... chính vì vậy, yêu cầu hội ngộ văn hóa trở nên bức thiết hơn khi toàn cầu hóa đang trở thành “bất khả kháng”. Hiện nay văn hóa đang đặt ra nhiều thách thức mà một nước, thậm chí một châu lục cũng khó giải quyết được. Việc Tổ chức Động vật Châu Á phản đối lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh không nằm ngoài những thách thức chung đó. Vì thế, chúng ta cần phân biệt văn hóa dân gian với hủ tục. Lễ hội phải hướng đến văn minh, giá trị của văn hóa chứ không phải là những thói quen, hủ tục lạc hậu.

Lễ hội pháo Đồng Kỵ năm 1973 (Ảnh chụp lại từ tác phẩm của John Ramsden).

Lễ hội pháo Đồng Kỵ năm 1973 (Ảnh chụp lại từ tác phẩm của John Ramsden).

Thưa Bộ trưởng, Ông từng nói “Văn hóa và du lịch luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. Văn hóa đòi hỏi du lịch một sự phát triển bền vững, còn du lịch đòi hỏi ở văn hóa một sự chuẩn mực mang đậm nét dân tộc”... Ông có thể nói rõ hơn về mối quan hệ biện chứng này?

Năm 2014, Việt Nam có thêm 3 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh: Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Châu bản triều Nguyễn được ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, đến nay, VN đã có 21 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 9 di sản văn hóa phi vật thể; 4 di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới; 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; có 62 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 79 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia và 3.258 di tích quốc gia...

Thực tế cho thấy, tất cả những di sản văn hóa này là nền móng để ngành Du lịch liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua, qua đó góp phần kinh phí để đầu tư, bảo tồn các di sản văn hóa. Như vậy, văn hóa đòi hỏi ở du lịch sự đóng góp, phát triển bền vững, còn du lịch đòi hỏi ở văn hóa tính giá trị và đặc trưng văn hóa tiêu biểu.

Năm 2015, ngành du lịch đặt chỉ tiêu đón 8,7 triệu lượt khách quốc tế. Con số này khả thi không, khi nền kinh tế toàn cầu mới chỉ có dấu hiệu phục hồi ở một vài nơi, thưa bộ trưởng?

Năm 2015, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chỉ tiêu đón 8,7 triệu lượt khách quốc tế, với các dự báo về bối cảnh quốc tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp, xung đột chính trị, vũ trang, khủng bố, dịch bệnh truyền nhiễm… đồng thời kinh tế trong nước mặc dù đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực nhưng vẫn còn thách thức để ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ những ngày cuối năm 2014, Ngành VHTTDL đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 về các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới.

Theo tinh thần nghị quyết, một số giải pháp cơ bản để tháo gỡ khó khăn, tạo sức mạnh tổng hợp để đẩy mạnh phát triển du lịch sẽ được nhiều Bộ, ngành liên quan phối hợp thực hiện. Đây là yếu tố thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, đồng thời giao trách nhiệm to lớn cho ngành Du lịch đẩy mạnh phát triển dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, sự liên kết hỗ trợ của các Bộ, ngành, Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế, tăng cường hoạt động và hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài kết hợp với các hoạt động văn hóa đối ngoại, đẩy mạnh liên kết truyền thông quốc tế quảng bá về thương hiệu du lịch Việt Nam.

Ở trong nước, ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch nội địa với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam”, tăng cường phối hợp với các địa phương, Hiệp hội Du lịch nâng cao vị thế, vai trò của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư để khai thác hiệu quả các tiềm năng về tài nguyên, cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực lao động sáng tạo của nguồn nhân lực kết tinh cùng với truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, tổ chức những sự kiện độc đáo cùng với dịch vụ mang tính chuyên nghiệp để thu hút và phục vụ khách du lịch, gắn kết với các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia, các lễ hội trên khắp cả nước… phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 8,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2015.

Theo Kim Anh
Lao Động