Không gian Di sản Văn hóa là nơi tôn vinh và phát huy giá trị Di sản

(Dân trí) – Sau 1 tuần mở cửa đón du khách tham quan, ngày 26/6, triển lãm không gian Di sản Văn hóa Việt Nam – Asean tại đô thị cổ Hội An nhân dịp Festival Di sản Quảng Nam lần 5/2013 đã chính thức khép lại.

Sự kiện đã thu hút hơn 20 ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Không gian Di sản văn hóa của Việt Nam – Asean hội tụ tại Hội An
Không gian Di sản văn hóa của Việt Nam – Asean hội tụ tại Hội An

Không gian Di sản Văn hóa Việt Nam – Asean là ngày hội giao thoa văn hóa của các nước trong khu vực, là nơi tôn vinh và phát huy những giá trị của Di sản văn hóa Việt Nam; cũng là  dịp để Việt Nam tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế về một đất nước có bề dày truyền thống lịch sử và đa dạng trong văn hóa của 54 dân tộc anh em và về mảnh đất – con người Quảng Nam hiền hòa, mến khách với các Di sản Văn hóa độc đáo đã được UNESCO công nhận.

Tại không gian Di sản văn hóa này, 23 ngôi nhà rường – nét đặc trưng về kiến trúc khu vực miền Trung đã được lắp đặt, bố trí theo chiều hướng Bắc – Nam. Cực Bắc là không gian di sản của tỉnh Hà Giang và kết thúc tại điểm cực Nam là không gian di sản văn hóa tỉnh Kiên Giang.
 
Không gian triển lãm văn hóa cồng chiên Tây Nguyên
Không gian triển lãm văn hóa cồng chiên Tây Nguyên

Từ đây, khách tham quan sẽ có được những thông tin cơ bản và hình dung được về dòng chảy văn hóa dọc dải đất hình chữ S; từ văn hóa cổ Đông Sơn – Sa Huỳnh – Óc Eo đến không gian triển lãm của các tỉnh, thành phố có Di sản văn hóa, thiên nhiên đã được UNESCO công nhận như đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, quần thể di tích cố đô Huế, Thành nhà Hồ, vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ…

Bên cạnh đó còn có sự tham gia trưng bày của các tỉnh, thành phố có Di sản đang trong giai đoạn đệ trình UNESCO công nhận như: quần thể di tích và danh thắng Tràng An ở Ninh Bình, các tỉnh Nam Bộ với nghệ thuật Đờn ca tài tử và di chỉ văn hóa Óc Eo, Bắc Cạn với hát then – đàn tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái…
 
Không gian triển lãm “Quảng Ngãi – lịch sử bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa”
Không gian triển lãm “Quảng Ngãi – lịch sử bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa”

Bên cạnh đó là nhiều đặc sản và sản vật của địa phương phục vụ du lịch như rượu truyền thống, gốm, thổ cẩm, tranh dân gian, nhạc cụ, trang phục dân tộc… cũng đã được trưng bày giới thiệu đến công chúng, tạo nên sự hấp dẫn của các không gian trưng bày.

Tại không gian trưng bày này, 1.000 diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ Việt Nam và các nước Asean tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật độc đáo, đa sắc màu của Việt Nam và Asean liên tục được trình diễn để phục vụ công chúng như Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ Bắc Ninh, hò xứ Quảng, đờn ca tài tử Nam Bộ…
 
Hát quan họ phục vụ khán giả trong không gian triển lãm
Hát quan họ phục vụ khán giả trong không gian triển lãm

Phát biểu nhân sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Trần Minh Cả nói: Không gian Di sản văn hóa Việt Nam – Asean là một cơ hội giao lưu quốc tế nhằm tăng cường sự hiểu biết và tình đoàn kết giữa các địa phương trong nước với các nước trong khu vực, vì một Asean hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Ông Trần Minh Cả cũng cho rằng, không gian Di sản văn hóa Việt Nam – Asean cũng là dịp để các địa phương trong và ngoài nước tham khảo, học tập kinh nghiệm lẫn nhau về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các Di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa. 

Công Bính