1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Khai trương “Tuyến du lịch vàng” tham quan thành phố Hà Nội

(Dân trí) - Sáng nay (10/10), tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai trương “Tuyến du lịch vàng” tham quan TP. Hà Nội và ra mắt sản phẩm du lịch với chủ đề “Truyền thống hiếu học”.

Hòa chung trong bầu không khí phấn khởi của nhân dân Thủ đô chào mừng kỷ niệm 63 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10 - 10/10), 3 đơn vị đã phối hợp tổ chức lễ khai trương “Tuyến du lịch vàng” tham quan thành phố Hà Nội và ra mắt sản phẩm du lịch với chủ đề “Truyền thống hiếu học”.

Theo đó, Hà Nội là địa danh đậm đặc về các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, lễ hội… có điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc. Sản phẩm này nhằm kết nối hai điểm du lịch Di tích Văn miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam trong tổng thể “Tuyến du lịch vàng” tham quan thành phố Hà Nội, kết nối các đơn vị lưu trú du lịch với các điểm du lịch, nhà hàng, khu mua sắm, cung cấp dịch vụ hướng dẫn, thuyết minh du lịch tại điểm…

Đại diện 3 đơn vị tổ chức Tuyến du lịch vàng tham quan TP. Hà Nội bắt tay trong lễ khai trương. Ảnh: Trâm Nguyễn.
Đại diện 3 đơn vị tổ chức "Tuyến du lịch vàng" tham quan TP. Hà Nội bắt tay trong lễ khai trương. Ảnh: Trâm Nguyễn.

Tuyến du lịch vàng Hà Nội được kết nối từ các khách sạn lớn với các khu vực như: đình Đồng Lạc, chợ Đồng Xuân, Ô Quan Chưởng, đền Bạch Mã, phố đêm Tạ Hiện, đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, chùa Quán sứ, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Quảng trường Ba Đình, chùa Một cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…

Với sự phong phú về điểm tham quan của Thủ đô, các doanh nghiệp lữ hành có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc. Sự hấp dẫn thu hút tới gần 3 triệu khách của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi năm đã gợi mở cho các đơn vị quản lý các điểm tham quan xung quanh những cơ hội kết nối với nhau thành chuỗi dịch vụ với những chủ đề khác nhau. Với ý nghĩa là trường Đại học của Việt Nam, người Việt có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, những nét đẹp đó còn được thể hiện trên những tác phẩm nghệ thuật trong hội họa, điêu khắc ... mang cả dấu ấn thời gian.

Sản phẩm du lịch với chủ đề “Truyền thống hiếu học” đã được xây dựng để du khách đến thăm Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và cảm nhận những giá trị truyền thống hiếu học được thể hiện ở nhiều tác phẩm mỹ thuật như: Quan Văn vinh quy, Quan Võ vinh quy, Ông Nghè vinh quy, Đi học chữ Bác Hồ, Giờ học tập, Cầm đuốc đi học, Ẵm em đọc sách, Em nào cũng được đi học, Tới trường, Học bổ túc…

Ngoài việc khám phá, hiểu biết về những nét văn hóa truyền thống của người Việt, du khách còn được trải nghiệm những giá trị mỹ thuật bằng việt gặp gỡ các nghệ nhân, họa sỹ hay trải nghiệm một công đoạn làm các đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống. Một trong nơi đó là đơn vị quản lý đình Đồng Lạc tại 38 Hàng Đào, Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoc học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh: “Sự kiện này là hiện thực hoá chủ trương của Bộ VHTT&DL và UBND TP. Hà Nội về kết nối các điểm tham quan du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội… Từ những bước đi ban đầu như: phân luồng khách tham quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thiết lập hệ thống biển chỉ dẫn để du khách có thể tiếp cận hơn với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và bổ sung nhằm kết nối nội dung truyền thống giáo dục - tôn trọng nhân tài tại Văn Miếu với những bức tranh về chủ đề này hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong quá trình thuyết minh. Qua đó, giúp du khách tiếp cận được những giá trị đa dạng của văn hoá Việt Nam đang được lưu giữ tại hai điểm tham quan vốn rất gần nhau này. Kết nối thành một câu chuyện sinh động về truyền thống hiếu học của người Việt Nam, tạo nên những cảm xúc tốt đẹp của du khách.

Du khách nghe thuyết minh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong lễ khai trương sáng 10/10. Ảnh: Trâm Nguyễn.
Du khách nghe thuyết minh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong lễ khai trương sáng 10/10. Ảnh: Trâm Nguyễn.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động dịch vụ thuyết minh tự động bằng 8 ngôn ngữ, sử dụng công nghệ hiện đại với nội dung phong phú, đa dạng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách đến từ nhiều nền văn hoá - quốc gia khác nhau. Những nỗ lực đó đều hướng tới mục tiêu kết nối các bảo tàng, di tích, điểm tham quan… trên địa bàn thành phố để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, góp phần cho sự phát triển bền vững của du lịch Thủ đô cũng như du lịch cả nước”.

Theo BTC, với vai trò là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, du lịch TP.Hà Nội đang khẳng định vai trò của một ngành kinh tế trong bức tranh tổng thể phát triển Thủ đô. Lượng khách du lịch đến thành phố Hà Nội 9 tháng đầu năm 2017 tăng 23,5% đối với khách quốc tế và tăng 7% đối với khách nội địa so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập du lịch ước đạt 52.954 tỷ đồng.

Hà Tùng Long