Gặp người giữ hồn cho làn điệu “chèo Cạn” làng Nhượng Bạn

(Dân trí) - Hơn 20 năm làn điệu “chèo Cạn” làng Nhượng Bạn nay là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đứng trước nguy cơ bị thất truyền vì các cụ cao niên trong làng hiểu biết về chèo Cạn ngày một già yếu, và nhiều cụ đã qua đời.

Không để chèo Cạn làng Nhượng Bạn nức tiếng một thời bị mai một đi, nên nghệ nhân Trương Văn Hứa (83 tuổi) đã cất công hơn 20 năm sưu tầm và phục dựng lại nền văn hóa bản sắc cho làng.
 
Chạy suốt con đường bê tông sạch sẽ dọc theo bờ biển Thiên Cầm thơ mộng, chúng tôi được đồng chí Trưởng ban văn hóa xã dẫn xuống ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Trương Văn Hứa. Năm nay đã ngót 83, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng xem ra ông vẫn còn khá minh mẫn. Ông Hứa kể về công cuộc sưu tầm và duy trì những câu hát điệu múa “chèo Cạn” đối với lớp người kế cận của làng Nhượng Bạn cũng như gìn giữ giai điệu dân gian không bị quên theo năm tháng.
 
Nghệ nhân Trương Văn Hứa người đã giữ nền bản sắc văn hóa cho làng Nhượng Bạn
Nghệ nhân Trương Văn Hứa người đã giữ nền bản sắc văn hóa cho làng Nhượng Bạn

Sinh năm 1930 ở thôn Trường Quý xã Cẩm Nhượng, một làng quê giàu truyền thống văn hóa, nên ngay từ khi nhỏ ông Trương Văn Hứa được học hát từ người cha nên ông được tắm mình trong những làn điệu hát “khoan chèo Cạn”, chính vì thế. Dù cuộc sống dân chài còn lắm khó khăn, vất vả, nhưng ông Hứa đã nhận thức được những giá trị văn hóa độc đáo của quê hương. Do vậy, niềm say mê những làn điều dân gian cứ lớn dần trong tâm hồn ông. Cũng từ đó làn điệu chèo Cạn là món ăn tinh thần không thể thiếu với ngư dân vùng biển trong sản xuất và trong chiến đấu.      

Theo ông Hứa thì "hò chèo Cạn" có từ xa xưa, được ông nội truyền lại đến đời ông là 3 thế hệ lưu truyền cách đây khoảng hơn 100 năm, khi ông lớn lên người dân đã có tục hát “chèo Cạn” trong làng. Trải qua năm tháng, chiến tranh, cả vì nhu cầu cuộc sống mưu sinh mà người dân ít khi có thời gian để nhắc đến và thực hiện những buổi giao lưu sinh hoạt hát “chèo Cạn” ở làng. Sau khi hết chiến tranh thống nhất đất nước, ông tìm đến các cụ cao niên trong làng để khôi phục lại và thành lập câu lạc bộ để ghi chép lại từng điệu hò, điệu khách đến từng động tác di chuyển của các bá trạo trong “chèo Cạn”. Sau một thời gian hoạt động, một số cụ tuổi già sức yếu không còn hoạt động được nữa từ đó làn điệu chèo cạn bị mai một dần đi.
 
Ông Hứa dạy hát cho lớp trẻ kế cận trong làng   
Ông Hứa dạy hát cho lớp trẻ kế cận trong làng   

Mãi đến năm 1992, ông lại tiếp tục khôi phục và dạy cho lớp thanh niên trong làng để phục vụ cho lễ hội cầu ngư nhưng hầu hết không ai hát được bởi vì làn điệu này rất khó hát, đặc biệt là hát theo lối chầu văn. Ông Hứa cho hay, trước đây “chèo Cạn” hát bằng tiếng Hán nên làm thế nào để người dân bây giờ hiểu được mới là vấn đề quan trong. Từ đó, ông Hứa cùng với một số cụ cao niên trong làng dịch lời của bài hát thành chữ quốc ngữ để mọi người có thể hiểu, một đội “chèo  cạn” thường có 15 người, một tẩu đội, 2 tẩu lái, 10 bá trạo (người chèo) và 2 người vừa hát vừa thể hiện động tác tát nước.

Tuy nhiên, việc tìm người vào đội thì không khó, nhưng tìm người tâm huyết với “chèo Cạn” lại không dễ, gần 20 người được mời vào trong đội chèo nhưng ít người tâm huyết với chèo. Ông Hứa cho biết thêm, chèo cạn làng Nhượng Bạn gồm chèo cạn cầu ngư phục vụ lễ cầu ngư (Ngư dân tổ chức để cầu mưa thuận, gió hòa tôm cá đầy thuyền).  Dù đó chỉ là một tín ngưỡng của người dân vùng biển nhưng thực sự là một tín ngưỡng “Văn hóa dân gian”.
 
Buổi tập duyệt chuẩn bị cho lễ hội Cầu Ngư của Làng Nhượng Bạn
Buổi tập duyệt chuẩn bị cho lễ hội Cầu Ngư của Làng Nhượng Bạn

Hơn 20 năm làm công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” là quảng thời gian dài ông dồn hết tâm huyết cho “chèo Cạn”, thế nên tiếng tăm của đội “chèo Cạn” làng Nhượng Bạn không chỉ còn giới hạn trong làng xã mà lên đến trung ương. Nhờ sự duy trì lâu năm cùng với sự nhiệt tình của những thành viên trong đội cũng như cá nhân ông Hứa, tiếng tăm về đội chèo của làng Nhượng Bạn đã bay xa.

Ông có thể tự hào rằng mình đã khai sinh ra “chèo Cạn” lần thứ hai. Ấy thế nhưng tất cả những gì ông Hứa làm đều là tự nguyện. Hiện nay, điều mong ước lớn nhất của ông là các cấp ngành quan tâm hỗ trợ để tiếp duy trì được đội “chèo Cạn” của làng để không mất đi nếp văn hóa vốn có từ xưa và một nền văn hóa cổ cho các thế hệ đi sau.   

Xuân Bắc - Văn Dũng