Đạo diễn Vinh Sơn: Có những dấu hỏi khi nghe tin về "Đất rừng phương Nam"

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - người làm nên phim truyền hình "Đất phương Nam" năm 1997 - chia sẻ quan điểm của ông về phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Ở vị trí là người đi trước, cảm xúc của ông như thế nào khi xem phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" khi mà cả 2 đều lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi?

- Mọi người thường mang suy nghĩ phim Việt rất dài, nhưng khi xem được nửa phim, tôi thấy rõ nội dung đã được sàng lọc cẩn thận. Những chi tiết nổi bật trong phim được chọn lọc kỹ càng và tinh tế. 

Đất rừng phương Nam lột tả được khung cảnh miền sông nước và tính cách con người miền Tây phóng khoáng, đôn hậu… Phim đã làm xong nhiệm vụ trong bối cảnh và không gian đó, với ngôn ngữ điện ảnh rõ nét.

Ê-kíp thật sự đã mang đến một hình ảnh khác, cái nhìn khác khi làm lại. Ngôn ngữ điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng cho thấy rằng, cũng nhân vật và chất truyện đó, nhưng mang đến cảm xúc mới, ý nghĩa mới cho người xem. 

Đạo diễn Vinh Sơn: Có những dấu hỏi khi nghe tin về Đất rừng phương Nam - 1

Đạo diễn Vinh Sơn trong buổi giới thiệu phim "Đất rừng phương Nam" (Ảnh: Ban Tổ chức).

Khi "Đất rừng phương Nam" ra rạp, khó tránh khỏi việc khán giả có sự so sánh với bản truyền hình cách đây 26 năm. Ở tâm thế là đạo diễn của bản truyền hình đình đám, ông đón nhận sự so sánh này thế nào?

- Bản điện ảnh Đất rừng phương Nam nhấn mạnh hơn về hào khí dân tộc, mang đến cho người xem cảm giác hồi hộp và xúc động theo bố cục phát triển câu chuyện. Đó là cả một quá trình nỗ lực sáng tạo rất đáng khen của ê-kíp Đất rừng phương Nam.

Đạo diễn Vinh Sơn: Có những dấu hỏi khi nghe tin về Đất rừng phương Nam - 2

Một số khung cảnh được dàn dựng trong phim (Ảnh: Ban Tổ chức).

Ban đầu khi biết có người muốn làm phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam", suy nghĩ đầu tiên của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn là gì?

- Lúc đầu nghe tin có người muốn làm bản điện ảnh, tôi cũng như nhiều người đều có những dấu hỏi, trong đó có cả chút hoài nghi như: "Làm lại để làm gì?", "Phim truyền hình dài tập mà đưa lên chiếu rạp thì làm sao?" và "Nó có cái gì mới để làm lại?"... Chưa kể cuộc sống hiện đại không mấy thuận lợi cho bối cảnh làm phim.

Tôi nghĩ ê-kíp Đất rừng phương Nam cũng gặp những thách thức như thế trong việc tìm ra diện mạo mới so với bản truyền hình. Khi tôi xem, đúng là thấy những cái mới thật, có những điểm thú vị mới. Tôi nghĩ, đây chính là một thành công.

Theo ông, điểm dễ và khó của "người đi sau" - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - khi làm về vùng đất Nam bộ sau gần 30 năm là gì? 

- Đó là những hạn chế về bối cảnh và không gian. Thậm chí, một mái lá cũng trở nên quý như "vàng", trong khi thời của tôi những cái đó đều có sẵn, bối cảnh vùng Nam bộ vẫn hiện hữu như thế. 

Bù lại, ê-kíp Đất rừng phương Nam có lợi thế bởi sự cải tiến về trang thiết bị hiện đại. Mà thú thật, có những điều Đất phương Nam không thể làm được như những bối cảnh lớn hay những đại cảnh dàn dựng hoành tráng.

Phim truyền hình thời đó còn hạn chế về mặt kinh phí, không cho phép tôi làm những điều đó, còn bây giờ ê-kíp của Nguyễn Quang Dũng đã làm được.

Đạo diễn Vinh Sơn: Có những dấu hỏi khi nghe tin về Đất rừng phương Nam - 3

Bé An (Hạo Khang) và Út Lục Lâm (Tuấn Trần) trong bản điện ảnh (Ảnh: Ban Tổ chức).

Một số khán giả nhận xét màu phim "Đất rừng phương Nam" đã có sự can thiệp kỹ xảo khiến cho khung cảnh sông nước trở nên thiếu chân thật. Cá nhân ông thấy thế nào?

- Cũng tốt thôi! Người xem thay đổi từng ngày, đòi hỏi người sản xuất phim phải cho ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khán giả ngày nay. 

Ngoài ra, một số khán giả trung thành của "Đất phương Nam" cũng khá hụt hẫng khi xem "Đất rừng phương Nam", vị trí nữ chính của Út Trong đã bị chuyển hướng sang Tư Mắm, hoặc nhân vật Út Lục Lâm trở thành bạn đồng hành của An mà không phải là Cò. Đạo diễn nghĩ sao về điều này?

- Cái khó khi chuyển phim truyền hình dài tập sang phim điện ảnh là phải biết nhắm vào cái gì và nhân vật nào.

Đất rừng phương Nam xây dựng câu chuyện xuyên suốt giữa An và Út Lục Lâm cũng có cái hay. Một đứa bé lang thang được cưu mang bởi một tên trộm, điều này mang đến những câu chuyện mới, có sự cuốn hút riêng.

Và khi đã xây dựng thành công một cặp nhân vật An - Út Lục Lâm theo đường dây mình muốn thì đương nhiên phải có những sự "hy sinh", không thể ôm đồm và bao quát hết các nhân vật còn lại. 

Ngoài ra, khán giả xem phim có thể thấy được ý đồ của đạo diễn là còn để dành cho những phần sau. Đoạn kết mở đã hé lộ một chút câu chuyện phía sau và sẽ còn những nhân vật mới xuất hiện. 

Nội dung phim điện ảnh Đất rừng phương Nam: Sau khi chia tay thầy giáo Bảy (Hứa Vĩ Văn), An (Hạo Khang) và mẹ (Hồng Ánh) bắt đầu hành trình xuôi về phương Nam để tìm cha.

An mất mẹ khi bị kẹt giữa đoàn biểu tình, được Út Lục Lâm (Tuấn Trần) cưu mang, chăm sóc và dạy các ngón nghề để mưu sinh. Biến cố ập đến, An lạc mất Út Lục Lâm, một mình tiếp tục hành trình tìm cha.

Cuộc phiêu lưu của An đi qua Nam kỳ lục tỉnh với thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và gặp gỡ các nhân vật như: Bác Ba Phi (Trấn Thành), cha con ông Tiều (Tiến Luật), bé Xinh (Bảo Ngọc), ông Ba bắt rắn (Công Ninh), thằng Cò (Đỗ Kỳ Phong), Tư Ù (Tuyền Mập)...