Chương trình "Tết Việt" đưa người dân trở lại với Tết xưa Bắc Bộ

(Dân trí) - Chương trình “Tết Việt” được xem là một trong những điểm nhấn của chuỗi chương trình mừng Tết Bính Thân do Sở Văn hóa & Thể thao tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Trong chương trình này, Giáo sư Trần Lâm Biền sẽ dạy cách bài trì bàn thờ gia tiên và nghệ nhân Ánh Tuyết dạy cách bày mâm cỗ ngày Tết.

Sáng nay (27/1), Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “Tết Việt” lần đầu tiên diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội và nhiều hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán Bính Thân.

Chương trình “Tết Việt” được xem là một trong những điểm nhấn của chuỗi chương trình mừng Tết Bính Thân do Sở Văn hóa & Thể thao tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 29/1 đến 3/2/2016 tại Bảo tàng Hà Nội.

Bảo tàng Hà Nội đang chuẩn bị để diễn ra các sự kiện mừng xuân Bính Thân. Ảnh: BTHN.
Bảo tàng Hà Nội đang chuẩn bị để diễn ra các sự kiện mừng xuân Bính Thân. Ảnh: BTHN.


Tết Việt sẽ có sự tham gia của hơn 200 gian hàng, được chia thành nhiều khu vực: khu làng nghề truyền thống Hà Nội, khu dành cho các doanh nghiệp nghề truyền thống; khu ẩm thực; khu quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nội; khu cây cảnh Tết, khu trò chơi dân gian…

Tại khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội cũng diễn ra 3 sân khấu: Sân khấu chính; sân khấu truyền thống dân gian; sân khấu đường phố. Tại 3 sân khấu này sẽ diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật như ca trù, chèo, trống hội, hát chầu văn, viết câu đối, tặng chữ, biểu diễn nhạc dân tộc, các chương trình xiếc, chương trình ca nhạc hiện đại với sự xuất hiện của một số ca sĩ Sao Mai 2015, Giọng hát hay Hà Nội.

Bên cạnh đó, còn có những hoạt động bên lề như buổi trò chuyện hướng dẫn chuẩn bị mâm cỗ Tết cổ truyền của nghệ nhân Ánh Tuyết và cách bày ban thờ gia tiên trong ngày Tết của Giáo sư Trần Lâm Biền.

Chương trình Tết Việt sẽ có cuộc thi gói bánh chưng theo đúng tục xưa. Vietinbank là đơn vị đồng hành cùng chương trình này. Ảnh: TL.
Chương trình "Tết Việt" sẽ có cuộc thi gói bánh chưng theo đúng tục xưa. Vietinbank là đơn vị đồng hành cùng chương trình này. Ảnh: TL.

Trong buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Đức - đại diện Bảo tàng Hà Nội cho biết, nét riêng biệt của chương trình “Tết Việt” là BTC cố gắng tái hiện không gian Tết xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong chương trình này, BTC sẽ tổ chức thi gói bánh chưng với 4 đội tham gia, diễn ra trong 4 ngày với sự tham gia của các chuyên gia bảo tồn di sản và cả người dân với mục đích gợi tái hiện lại tục gói bánh chưng theo đúng phong cách truyền thống. Ngoài ra, trong khu trò chơi dân gian, BTC sẽ dựng cây nêu, cây bông ngày Tết, đi cầu kiều, bịt mắt đập niêu và tổ chức nhiều trò chơi truyền thống xưa nhằm gợi nhớ không gian Tết Việt của đồng bằng Bắc Bộ.

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội cho biết, mọi năm các chương trình đón Tết do Sở Văn hóa & Thể thao tổ chức thường diễn ra ở Hà Nội nhưng vì năm nay hệ thống sân vườn và cơ sở vật chất ở Bảo tàng Hà Nội đã xong nên Sở quyết định dời đến đây. Đây là năm đầu tiên, chương trình Tết Việt được tổ chức tại đây và Sở sẽ hướng tới việc tổ chức “Tết Việt” thường niên vào mỗi dịp đón xuân mới.
Trong khuôn khổ các sự kiện mừng Tết Bính Thân, vào 28/1 đến 3/2, tại Trung tâm Văn hóa Kim Đồng còn diễn ra hoạt động chiếu phim mừng Đảng – mừng Xuân Bính Thân. Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tổ chức chiếu phim phục vụ các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đặc biệt là bà con ở nông thôn, các vùng sâu, vùng xa tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố, dự kiến tổ chức 15 buổi chiếu.

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm Mừng Đảng – mừng xuân Bính Thân diễn ra từ ngày 1/2 – 15/2 tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bên cạnh các hoạt đồng ngoài trời cũng có rất nhiều chương trình ca nhạc đặc biệt. Ảnh: TL.
Bên cạnh các hoạt đồng ngoài trời cũng có rất nhiều chương trình ca nhạc đặc biệt. Ảnh: TL.


Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong đêm giao thừa diễn ra vào 21h ngày 7/2/2016 (29 tháng Chạp Âm lịch) tại 4 sân khấu ngoài trời gồm: Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ do Nhà hát Chèo biểu diễn; Trung tâm quận Hà Đông do Trung tâm Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội biểu diễn; thị xã Sơn Tây do Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn và trước cửa Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình do Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long trình diễn.

Bên cạnh đó, vào 20h ngày 11/2 – 13/2 (mùng 4, 5, 6 Tết Bính Thân) sẽ là chương trình biểu diễn nghệ thuật mừng Đại hội Đảng và mừng Xuân Bính Thân tại trung tâm 30 quận, huyện, thị xã và khu vực đông dân cư.

Chương trình nghệ thuật “Hành trình kết nối yêu thương” diễn ra vào 22h ngày 7/2 (29 tháng Chạp) tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Đây là chương trình xã hội hóa góp phần tạo không khí tươi vui cho người dân trong thời khắc đón giao thừa.

Hà Tùng Long