Nhiều trẻ mất nước trầm trọng vì tiêu chảy

(Dân trí) - “Trung bình mỗi ngày, có khoảng 10 trẻ bị tiêu chảy phải vào viện khám, 1 - 2 trường hợp phải nhập viện vì mất nước nặng. Cá biệt, có đêm tới 3 trẻ phải nhập viện vì mất nước nặng”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.

Một đêm 3 trẻ nhập viện

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hai tuần trở lại đây, số trẻ bị tiêu chảy đến viện khám có xu hướng tăng lên. Mỗi ngày trung bình 10 ca đến khám, khoảng 1 - 2 ca nhập viện vì mất nước nặng.

“Dù là bệnh thông thường, gặp nhiều ở trẻ nhỏ nhưng nhiều bà mẹ vẫn chưa biết cách xử lý nên khiến trẻ bị mất nước nặng, mệt mỏi, có những trẻ mất nước nhiều khi nhập viện mất nước độ 3, rất nguy hiểm”, TS Dũng nói.
 
Nhiều trẻ khám đêm bị tiêu chảy, mất nước và phải nhập viện điều trị. Ảnh: H.Hải
Nhiều trẻ khám đêm bị tiêu chảy, mất nước và phải nhập viện điều trị. Ảnh: H.Hải

Ôm cô con gái 9 tháng tuổi trong lòng, chị Nguyễn Thị Phượng (Ngã Tư Vọng, Hà Nội) khóc nức nở vì thương con lấy ven mấy lần mới được. “Trộm vía bé bụ bẫm, tay chân đều múp míp cả nên càng khó lấy ven. Bác sĩ nói bé bị mất nước độ 3, không bù dịch được bằng uống vì bé cứ uống vào là lại trớ, buộc phải truyền. Mình hối hận vì chủ quan, không cho con đi khám sớm. Ngày đầu con bị nôn vọt liên tục, cứ nghĩ chắc con bị viêm họng thông thường nên chưa đi khám. Ngày thứ 2 con đi ngoài toàn nước, bà nội nói không vội, chỉ cần ăn cháo trắng, uống nước gạo rang uống becberin là khỏi. Nào ngờ, bệnh con không đỡ mà cứ lả đi, cả ngày chẳng ướt cái quần nào mới vội đưa con đến viện”, chị Phượng nói.

Các dấu hiệu mất nước ở trẻ

 

- Trẻ khát nước nhiều, đi tiểu ít.

 

- Vật vã kích thích hoặc lờ đờ.

 

- Nhiều trẻ mệt đến mức không khóc được, người cứ lịm đi

 

- Tình trạng đi ngoài vẫn rất nhiều, lượng nước uống vào được rất ít.

Bệnh tiêu chảy mùa đông do rota vi-rút gây ra và thường chỉ kéo dài trong 3 - 7 ngày. Khi bị bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ, hơi mệt, nôn, tiêu chảy, ở trẻ em có quấy khóc… Người bệnh đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải. Điều trị căn bệnh này cũng đơn giản, tuy nhiên, rất nhiều bậc phụ huynh có quan điểm sai lầm như trường hợp chị Phượng, khiến cơ thể bé đã mệt mỏi vì mất nước, mất dinh dưỡng, không ăn uống được lại càng trở nên kiệt quệ.

Ngoài ra, một số phụ huynh khi đã đưa con vào viện rồi vẫn khăng khăng tự làm bác sĩ khi không cho con truyền dịch vì thương con đau, khó chịu khi lấy ven. “Bù nước ở trẻ đi ngoài, tốt nhất vẫn là đường uống, cho trẻ uống oresol. Nhưng ở một số trẻ, nôn quá nhiều, đi ngoài quá nhiều, cứ uống vào lại nôn, mất nước độ 3 thì phải truyền dịch mới bù nước cho trẻ. Nhiều khi bác sĩ phải thuyết phục, “ra điều kiện” với cha mẹ, theo dõi nếu từng đó thời gian bé chưa đi tè, lượng nước uống được ít sẽ bắt buộc phải truyền dịch”, TS Dũng nói.

Ông cũng giải thích, nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã mất nước tới độ 3. Nguyên nhân do bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, các triệu chứng tiêu chảy không xuất hiện đồng thời và mất đi sớm, nên phụ huynh thường hiểu nhầm là trẻ sốt, quấy do mọc răng, hay bị cảm về đêm… Do đó, phụ huynh thường tự ý cho trẻ uống các loại kháng sinh như Becberin, Biseptol và các thuốc cầm ỉa, kiêng khem không cho ăn đủ chất dinh dưỡng... mà không lo bù phụ nước, điện giải.

Khi cho trẻ uống các loại thuốc kháng sinh có thể gây nên tình trạng rối loạn khuẩn đường ruột, khiến bệnh càng trầm trọng. Đây là những sai lầm phổ biến và vô cùng nguy hiểm của các bà mẹ khi có con bị tiêu chảy. Ngoài ra, nhiều gia đình vẫn cho trẻ ăn các lá và quả chát có nhiều chất Tanin như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả ổi xanh, quả hồng xiêm xanh... ngay lập tức sẽ có tác dụng cầm ỉa. Vì chất Tanin có tác dụng làm săn màng ruột, giảm đi ỉa ngay tức khắc nhưng cách điều trị này có thể gây hại cho cơ thể. Vì thực chất, bệnh chỉ đỡ giả tạo, còn các tác nhân gây bệnh như vi-rút, vi khuẩn, nấm, hoá chất... thải hồi rất chậm do màng ruột bị săn, làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn.

Chỉ uống oresol

TS Dũng khẳng định, trẻ bị tiêu chảy mùa đông bị mất nước, mất điện giải trầm trọng có thể dẫn tới tử vong nếu không được bù nước, bù điện giải kịp thời. Vì thế, khi bị tiêu chảy vi-rút, quan trọng nhất là bù nước, bù điện giải cho trẻ, kế đến mới là dinh dưỡng.
 
Trẻ bị tiêu chảy vi rút chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Ảnh: H.Hải
Trẻ bị tiêu chảy vi rút chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Ảnh: H.Hải

“Nhiều người khi ôm con vào viện, đã lả đi nhưng vẫn nói: “Con không chịu uống oresol, đành chịu. Vì thế, có người cho con uống nước gạo rang, có người cho con uống nước lọc, thậm chí có những trẻ đòi uống nước có gas, soda vẫn được cha mẹ đáp ứng. Điêu này rất nguy hiểm bởi trong những loại nước này, không có đường, muối và các chất điện giải. Trong khi cơ thể trẻ vẫn đang thải những chất này ra ngoài do bị tiêu chảy, dẫn đến trẻ uống nhiều nước lọc mà vẫn mất nước, vẫn lả người đi, thậm trí có dấu hiệu trụy tim mạch vì mất nước nặng”, TS Dũng nói.

Vì thế, nguyên tắc khi trẻ bị tiêu chảy vi-rút, để phòng mất nước, chỉ cho trẻ uống duy nhất nước oresol. Cha mẹ cần pha đúng tỉ lệ được hướng dẫn, chỉ để nguyên loại nước đó trong phòng, cất hết những loại nước khác (kể cả nước lọc) để trẻ không nhìn thấy, cho con uống từng tí một, lúc lại uống thìa. Không có sự lựa chọn nào khác, bé sẽ phải uống. Và những thìa nước dù ít ỏi nhưng có đầy đủ muối, đường, các chất điện giải sẽ rất tốt cho bé, hơn cả việc bé uống cả lon nước có gas hay nước lọc.

Thị trường hiện có nhiều loại oresol dành cho trẻ em với hương vị rất dễ uống, có loại thậm chí không có mùi gì khác biệt so với nước lọc. Cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn pha oresol và cho trẻ uống đúng cách, uống từng ít một, uống liên tục và rải rác trong ngày.

Phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ trong mùa lạnh quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để trẻ đủ sức chống đỡ bệnh, cơ thể chóng phục hồi, không bị suy sụp vì thiếu dinh dưỡng sau tiêu chảy. Dinh dưỡng cho trẻ đi ngoài nên cho trẻ ăn các loại thịt nạc (thịt thăn lợn, thịt bò, ức gà) nấu cháo với các loại rau cà rốt, khoai tây, bí đỏ (luôn đổi bữa cho trẻ đỡ chán), cho trẻ ăn từng bữa nhỏ.

Hồng Hải