Vỡ mộng bình đẳng giới

Bạn em bảo Trung Quốc bây giờ, nữ giới được quý lắm vì tỷ lệ nam nữ chênh lệch, nam nhiều quá trong khi nữ hiếm hoi. Tất nhiên thôi vì hàng bao năm trời chỉ thích sinh con trai, sinh được một bé gái có khi thẳng tay vứt đi không thương xót. Giờ thì chịu hậu quả!

Trung Quốc mà đã đến lúc trọng nữ khinh nam thì nước mình, bao nhiêu năm nay trọng nam khinh nữ, rồi cũng có ngày như thế, có khi thế rồi cũng nên.

 

Bọn trẻ con học ở trường lớp nào cũng nam đông hơn nữ, chúng đã bắt đầu cảm thấy hậm hực vì phân công trực nhật khó khăn mà lớp vẫn vừa bẩn vừa ồn. Ít lâu nữa, vì đàn ông nhiều, nên khả năng tất yếu là phải tranh giành nhau mới có nổi vợ.

 

Một khi có được vợ một cách khó khăn (và tốn kém), chắc chẳng ông nào dám coi vợ như con ở, hơi tý là dỗi hờn hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay, cũng chẳng ông nào dám la cà quán xá, em út bồ bịch, giải trí ngoài luồng như bây giờ. Làm trai rửa bát quét nhà rồi sẽ thành phổ biến, thành tiêu chí đánh giá phẩm chất đàn ông.

 

Tuyệt đại bộ phận đàn ông sẽ trở nên nghiêm túc và đứng đắn, ngoài việc kiếm tiền nuôi gia đình theo phong cách truyền thống (một truyền thống cần khôi phục lại), còn chăm chỉ việc nhà, luôn nhớ ngày sinh nhật vợ, không quên giờ đưa con đi học, thậm chí còn biết cả đi siêu thị mua thức ăn và học cách cắm hoa...

 

Chẳng ai đánh thuế giấc mơ nên bọn em cứ tha hồ mơ như thế. Những giấc mơ lâng lâng ngọt ngào. Từ nay thôi hẳn cái chuyện tủi cực đại loại như bị mẹ chồng nguýt dài vì không biết đẻ con trai, "nhà này phải có người nối dõi chị ạ, chị thông cảm cho bố nó...", hay "không có con trai thì ngồi chiếu dưới". Từ nay thôi hẳn chuyện bất công khi đàn ông khơi khơi quan niệm rằng làm trai năm thê bảy thiếp là thường, một đã khó lấy đâu ra nhiều thế.

 

Cũng thôi luôn chuyện mátxa, karaokê lăng nhăng xí xộ, nếu còn loại hình thư giãn đó tồn tại, thì sẽ chỉ toàn nhân viên nam trẻ đẹp, vì nữ giới trẻ đẹp không đi làm những việc tội nghiệp như thế nữa, họ còn phải đi học lấy bằng cấp cao cho những ông chồng đàng hoàng đang xếp hàng chờ họ. Sẽ không còn những lời đánh giá rẻ rúng rằng đàn bà biết gì mà tham gia công tác xã hội... Nói chung, tương lai màu hồng thắm tươi, khi mà đàn ông đông quá và chật vật mới kiếm được vợ.

 

"Em xin các chị!" - một cô bé cùng phòng đã phá tan những giấc mơ đẹp của chúng em bằng một câu phũ phàng như thế. Hết giờ làm việc rồi đấy, chị nào cần đón con thì đi đi, chị nào cần đi chợ cũng đi đi, để em làm nốt việc sếp giao, không sếp lại gầm lên. Còn lâu mới đến ngày mai, các chị cứ viết chuyện khoa học viễn tưởng đi, nếu các chị thích, nhưng đừng quên đàn ông bao giờ cũng là đàn ông, chịu được một đã khó, đông thì khó đến đâu nữa?

 

Cứ thử nghĩ đến lúc đàn ông đòi bình đẳng giới để mà lo dần đi thì vừa. Họ như hiện nay không phải vì họ quý hiếm mà vì họ luôn tưởng họ quý hiếm, bất kể quanh họ có bao đàn ông khác, về sau họ cũng vẫn thế thôi, họ là số một và họ mặc kệ có bao nhiêu số một quanh họ... Em không hy vọng lắm vào tương lai đâu, các chị cứ mơ mộng bao nhiêu cũng được, nhưng cũng cần xác định về mặt thời gian để biết chế độ nữ quyền nếu xảy ra lần nữa thì là bao giờ và mình có chờ được hay không? Em tính là phải trên trăm năm nữa đấy.

 

Một trăm năm? Chẳng ai nói gì nữa, công cuộc mơ tưởng vỡ tan, chúng em lại về đón con và chúi vào bếp như mọi ngày.

 

Theo Phạm Thị

Người Lao Động