Trần gian nhẹ gánh má hồng...

Lớn lên, Vinh không xinh nhưng có duyên, lại chăm chỉ. Ở làng có bao nhiêu mối đánh tiếng nhưng Vinh vẫn chưa đồng ý ai vì còn muốn học lên cao để thoát ly khỏi cuộc sống lũy tre làng. Vinh suốt ngày như con thoi vừa gắng học, vừa làm lụng vất vả để phụ bố mẹ nuôi các em.


Trần gian nhẹ gánh má hồng...



Ông trời dường như không công bằng với Vinh khi một trận ốm đã cướp đi đôi chân mạnh khỏe của chị. Bố mẹ buồn lo, bản thân Vinh khóc cạn nước mắt cho số phận hẩm hiu của mình. Nhiều lúc nghĩ quẩn, Vinh tính đến cái chết. Có dạo, Vinh sống như cái bóng, chìm trong nỗi buồn như vô tận...

Năm Vinh ngoài 20 tuổi, thương con tuổi dựng vợ gả chồng mà thiệt thòi, mẹ Vinh lén đi xem bói, thầy bảo kiếp trước chị nợ tình nên kiếp này chị phải gánh nhiều oan khiên, phải sống cuộc sống cô độc đến già. Rồi thầy khuyên, nếu muốn "nhẹ gánh trần thế" thì phải làm lễ cầu cúng. Nhà nghèo, lấy đâu ra cả đống tiền mà cúng bái. Chị lại vốn là người sống bằng lý trí,không tin vào những lời bói toán dị đoan. Chị nói với mẹ: "Con sống tốt, sống nhân hậu với mọi người, con có bố mẹ, anh chị em yêu thương là quá đủ rồi mẹ ạ".

Vèo cái, tuổi 30 sầm sập kéo về. Bố mẹ bàn nhau dựng cho chị một cái quán tạp hóa nhỏ ở đầu làng để chị đỡ vất vả, hàng ngày giao tiếp với người qua lại cũng đỡ buồn. Từ ngày bán quán, chị trở nên vui vẻ và xởi lởi, không còn cả nghĩ và thấy mình là người thừa. Do đi lại vất vả nên chị ở hẳn lại quán, cái quán nhỏ trở thành ngôi nhà của chị. Cuộc sống, tinh thần thoải mái nên người làng thấy chị đằm thắm, xinh hơn. Nhiều hôm một mình đối diện với bóng đêm chị lại chạnh buồn, chị buồn khi nghĩ về mình, về tương lai. Nhìn bạn bè, anh em có con cái đề huề mà mình vẫn một mình đơn chiếc chị lại tủi thân. Nhiều người thương cảm hoàn cảnh của chị cũng khuyên chị nên có đứa con để sau này nương tựa tuổi già nhưng chị chưa dám nghĩ. Chị sợ, chị không đủ can đảm để vượt qua dư luận, vượt qua những cái nhìn không thiện cảm của mọi người, ý nghĩ có con trong chị lụi tàn. Chị cũng hiểu trẻ cậy cha, già cậy con, có đứa con sau này làm chỗ dựa lúc về già đó là điều hạnh phúc nhất...

Thảng một thời gian, người làng xì xào về chị, người đoán là chị có thai với ông xóm bên, người đoán tác giả cái thai là anh lái lợn... Đám chị em trong làng thì dè chừng, nghi hoặc không biết đứa bé có giống chồng mình.

Chị cũng nghe nhiều lời gièm pha nhưng chị mặc kệ tất cả, chị mặc kệ dư luận, trong lúc này chị chỉ cầu mong cho đứa con của chị mạnh khỏe. Chị cũng như bao người phụ nữ với những khát khao rất đỗi bình dị là được làm mẹ, được nghe tiếng gọi mẹ thân thương. Ngày chị sinh, nghe tiếng khóc của con chị mừng rơi nước mắt. Cuối cùng chị đã có con, chị cũng được làm mẹ...

Nhìn con gái lớn từng ngày, ngoan ngoãn và có hiếu với mẹ, lòng chị dịu lại, chị thấy mình thật hạnh phúc, thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn và trách nhiệm lớn lao đặt lên vai chị. Người làng Bút lại thấy hình ảnh con bé Na đẩy chiếc xe ba bánh tự chế và ngồi trên là chị Vinh với nụ cười rạng ngời. Người làng mừng cho chị. Nắng đã chiếu rọi, xua đi những ẩm thấp và hạnh phúc tràn ngập nơi gian quán nhỏ của mẹ con chị.

Theo Trường Lê
Phụ Nữ Việt Nam