Những em bé “búp bê trong tủ kính”

Đang ngồi giặt quần áo ngoài sân của khu tập thể, chị Hạnh (Hà Nội) giật bắn người lên rồi chạy thật nhanh về phía cậu con trai đang bế đứa con gái yêu của chị thơm nựng vào má...

 

Những em bé “búp bê trong tủ kính” - 1


             

Tay còn đầy xà phòng mà chị giành lại con và bế thốc bé vào lòng khiến cả cu cậu hàng xóm và con gái chị giật mình. Bé chẳng hiểu vì sao mẹ đang giặt quần áo lại chạy ra hoảng hốt như thế nên khóc rõ to.

 

Còn cậu bé hàng xóm thì bối rối. Chị hầm hầm: “Lần sau cậu đừng đụng vào con tôi”. Rồi những hôm sau, mặc dù thấy bé Mi thơ thẩn bên ngoài hành lang chơi một mình, cậu cũng không dám tới chơi với bé nữa.

 

Tránh đàn ông như… tránh tà

 

Cậu bé mới chuyển tới khu tập thể này không hiểu lý do nhưng bất kỳ ai từ già tới trẻ đều hiểu rằng, bé Mi nhà chị Hạnh được bảo vệ nghiêm ngặt khỏi đàn ông, dù lớn hay bé, già hay trẻ.

 

Chị và chồng chị do đọc báo, xem tivi quá nhiều về những vụ lạm dụng tình dục trẻ em, những vụ án cứ ám ảnh anh chị. Đứa con gái của chị dễ thương như một thiên thần, nước da trắng thơm mùi sữa, má hồng và môi đỏ chúm chím. Ai cũng muốn yêu muốn nựng và chơi với bé. Nhưng anh chị đã đề phòng, chỉ cho bé chơi với bạn gái bằng tuổi hoặc bé ít tuổi hơn.

 

Thậm chí những đứa em họ bé xíu, mới được 1 tuổi chạy ra ôm chị Mi một cái mà anh chị cũng không cho, thậm chí còn đe nẹt.

 

Biết tính anh chị như thế nên khu tập thể không một người đàn ông nào tới gần bé Mi. Chỉ có cậu con trai mới chuyển đến là không biết, thấy bé gái xinh xắn đáng yêu thì lại gần chơi với. Chỉ giống như chơi với em gái trong nhà, cháu gái của các chú các thím thôi, không có ý gì, bây giờ lại thành ra to chuyện.

 

Không cho chân con… chạm đất

 

Anh chị Hân ở Yên Bái thì thật là khiến người ta phục vì bảo vệ con khỏi vi trùng một cách tuyệt đối. Con trai anh năm nay mới được 1 tuổi, đang chập chững đi. Ngày nào anh chị cũng lau nền nhà, sạch bóng thậm chí ngày lau tới 3-4 lần. Bé Bo, chân chưa vững mà đã phải xỏ dép khiến mỗi lần bé đứng lên đi thật khó khăn.

 

Anh chị không cho con bỏ dép ra, dù một giây một phút trừ lúc đi ngủ. Mọi đồ ăn thức uống của cháu, đều do gia đình chế biến lấy. Rau xanh, thịt gà, lợn anh nuôi riêng cho cháu. Đảm bảo rau sạch và thực phẩm sạch.

 

Thậm chí anh còn xuống tận Hà Nội mua những sản phẩm mới tiệt trùng dành cho con.

 

Oái oăm là bất kỳ người nào cũng không được bế, được hôn con anh. Chỉ có anh chị, rửa tay sạch sẽ mới được bế và nựng con. Nhiều khi khách tím mặt vì thấy đứa bé kháu khỉnh muốn thơm vào má, lại bắt gặp cặp mắt khó chịu của anh chị.

 

Thế nhưng con anh lại thường xuyên bị cảm, sốt, cháu thường đau yếu luôn. Càng nghĩ do nhiều vi trùng mà cháu bị như thế nên anh chị càng ra sức bảo vệ cháu trong một bầu không khí sạch như li như lau.

 

Đừng coi con như búp bê trong tủ kính

 

Có thể nói những bà mẹ như chị Hạnh và chị Hân có lòng yêu con và thương con hết mực. Tình yêu ấy không có gì đáng trách nếu như các chị không bảo vệ con quá mức.

 

Cứ thử nghĩ, nếu bé Mi không tiếp xúc với con trai, các bạn học hay các chú các anh thì sau này liệu giới tính của bé có phát triển bình thường hay lại phải chịu những đau đớn?

 

Có nhiều cách để bảo vệ, tránh cho con khỏi lạm dụng nhưng cách tránh xa con trai như chị Hạnh làm với bé Mi là không đúng và phản tác dụng.

 

Lớn lên, bé Mi sẽ cảm thấy cô độc và lủi thủi, cảm giác trống vắng này sẽ dẫn tới hàng loạt các hành động khác liều lĩnh hơn, thậm chí là thèm khát đàn ông hoặc thờ ơ lạnh lùng với họ.

 

Chị Hân không hiểu vì sao mà bé Bo cứ ốm trong khi bé ăn mọi thứ đều sạch, ở nhà sạch, chân không chạm đất. Anh chị Hân không biết rằng, sự phát triển của trẻ cần nhiều yếu tố và yếu tố tự nhiên là quan trọng nhất. Vi trùng vi khuẩn thì có loại tốt loại xấu. Anh chị đã vô tình giết chết đi mầm nuôi dưỡng bé từ tự nhiên.

 

Dẫu biết rằng, nuôi con, dạy con thật khó nhưng các mẹ bé hãy chăm sóc con một cách khoa học và đừng áp dụng những suy nghĩ máy móc của mình vào việc chăm con.

 

Theo Phan Nguyễn

Eva