“Nhịn yêu” vì vướng con

Do con thích gối đầu lên tay bố ngủ nên mỗi lần chồng Huyền lừa đặt con xuống gối là bé khóc thét. Vì thế, có khi cả tháng trời, vợ chồng tuy chung giường nhưng vẫn đành “nhịn”.

 
“Nhịn yêu” vì vướng con - 1


Hồi con được 6 tháng tuổi, Huyền sắm một chiếc cũi để con tập ngủ riêng nhưng vẫn chung phòng với bố mẹ. Tuy nhiên, chồng Huyền không đồng ý. Anh sợ, nhỡ con bị sốt, con bị kiến cắn hoặc trúng gió thì sao… Thế nên, kế hoạch tách con khỏi bố mẹ không thành.

 

Đến 9 tháng tuổi, chuyện cho con ngủ riêng được đề cập lại nhưng chồng cô vẫn từ chối. Giờ, bé đã 12 tháng tuổi và nhất định chỉ ngủ khi được gối đầu lên cánh tay của bố. Anh xã cứ định đặt con lên gối là con khóc, quay người ôm lấy bố. Vì ông bà nội ngủ ngay phòng bên nên vợ chồng Huyền ngại. Có lúc “bức xúc”, chồng cô lại ân hận: “Biết thế, cho con ngủ cũi ngay từ đầu có phải hơn không?”.

 

 Không “bám” bố, con trai Minh rất “bện hơi” mẹ. Minh cho con ngủ chung giường từ khi bé chào đời đến nay (được 9 tháng tuổi). Có lúc, chồng ra “tín hiệu”, Minh nhích người ra một chút thì con, ngay lập tức, dịch người lại gần mẹ hơn. Cứ như thế, Minh có nhích ra tận mép giường thì con vẫn quyết theo.

 

“Nhiều lúc vợ chồng chỉ biết nhìn nhau cười vì không thấy “hơi’ mẹ, bé sẽ tỉnh giấc và khóc ngay” - Minh chia sẻ. Nhưng cũng có hôm bé rất ngoan, nằm ngủ ngon trong góc giường để bố mẹ “chiến đấu”. Một lát, nghe tiếng con “ê a” rồi nhìn bố mẹ cười, biết là con chưa hiểu chuyện nhưng từ hôm đó, vợ chồng Minh “cạch” luôn. Minh cũng sắm một chiếc cũi “xịn” nhưng cứ đặt con trong đó là con khóc, dỗ kiểu gì cũng không được. Hôm nào may mắn, gửi được con cho bà ngoại thì vợ chồng tìm cách “đền bù”.

 

Khác với Minh, chồng Thoa còn được “đặc cách” riêng phòng vì một chiếc giường không chứa nổi vợ chồng, bé lớn (2 tuổi rưỡi) và bé nhỏ (5 tháng tuổi). Thoa nằm giữa, bé lớn nằm ngoài trong khi bé nhỏ được nằm ở trong.

 

Thoa kể: “Có hôm bỏ con, chạy sang với chồng nhưng lo nơm nớp. Hết sợ cháu lớn đè vào em, bị ngã xuống giường lại sợ cháu nhỏ bị đói, bị ngạt thở… Nên chỉ được vài phút là hết hứng”. Đấy là chưa kể, do ngủ chập chờn vì mải “chiều chồng - chăm con”, sáng nào thức giấc, đầu óc Thoa cũng mệt mỏi, lơ mơ. Nhiều lúc, đang ngon giấc mà bị chồng “khều khều” là cáu kỉnh, quát tháo chồng ngay. Vì thế, hàng tuần nay, chồng Thoa dỗi, chẳng thèm hỏi han đến vợ.

 

Giỏi “chiều” chồng, giỏi chăm con

 

Cho con ngủ chung giường hay không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa và tâm lý của cha mẹ. Nhiều người mẹ quyết định cho con nằm cũi từ khi lọt lòng, bố mẹ nằm giường riêng (chung phòng) thì “chuyện đó” có điều kiện thuận lợi hơn.

 

Ngược lại, do yêu con, lo lắng cho con (sợ con bị ốm, sốt đột ngột; sợ con cô đơn…) nên không ít cha mẹ chọn cách ngủ chung giường với con. Thậm chí, nếu không ngủ chung thì nhớ thương con và cảm thấy không yên tâm. Bố mẹ thường nghĩ, khi nào con lớn hơn, sẽ từ từ tập cho con ngủ riêng. Tuy nhiên, không ít trường hợp, bé chính là yếu tố gây “chia rẽ” cha mẹ. Nếu vợ chồng không tìm cách điều chỉnh và khắc phục thì cũng nguy. Có thể bị “đói” vài ngày nhưng “đói” triền miên thì không nên.

 

Tùy hoàn cảnh, vợ chồng có thể áp dụng kiểu “yêu tranh thủ”. Tránh tình trạng khi có con thì chỉ lo cho con mà “bỏ quên” chồng. Thu xếp được thời gian nào “tập kích” thì cứ “hành động”, chứ không nhất thiết phải “ăn đêm”. Nếu “dụ” được con ngủ ngon nhưng giường quá chật thì vợ chồng “kéo” xuống sàn nhà hoặc chỗ nào thuận tiện, như qua phòng khác khi con đã ngủ say.

 

Khi con lớn hơn, cha mẹ cần lên kế hoạch cho con ngủ riêng. Vì đã quen ngủ chung nên việc tách ra là vô cùng khó khăn với cả bố mẹ và các bé. Tuy nhiên, nếu kiên trì thì chuyện cho con ngủ riêng phòng cũng không quá khó khăn.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé