Nắm tay nhau đến cuối con đường

Lê Giang

(Dân trí) - Hôm qua tôi vào viện thăm một người hàng xóm gần. Đến nơi thấy bà nằm mệt trên giường, còn ông ngồi ở cuối chân giường, hai tay bóp nhẹ bàn chân bà. Thấy tôi vào, bà giục ông đi ăn cơm.

Lúc đó đã là hai giờ chiều rồi. Ông bón cháo cho bà ăn xong, nhất định không chịu đi ăn cơm trưa vì không muốn bà nằm một mình. Giờ có người ông mới chịu nhổm dậy.

Trước khi đi ông còn dặn dò: “Bà với cô nói chuyện đi nhé, tôi ngồi ngay ngoài cửa đây thôi, bà nhìn ra là thấy, cần gì ới cái là tôi vào ngay”. Bà nhẹ gật đầu, dáng ông chậm rãi đi khỏi phòng bệnh.

Rồi bà nói với tôi: “Khổ thân ông ấy, mỗi lần tôi ốm là mất ăn mất ngủ. Con cái có đến, ông cũng đuổi về. Ông nói: Chúng mày còn phải lo cho chồng cho con, mẹ ở đây có bố lo rồi”. Tôi nhớ mãi ánh mắt bà khi ấy, dẫu mệt mỏi vẫn ánh lên niềm hạnh phúc.

Nắm tay nhau đến cuối con đường - 1

Ảnh minh họa

Nhiều người nói rằng: Với phụ nữ chỉ có con cái với tiền là quan trọng, còn đàn ông không có cũng được. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của những người phụ nữ không may mắn trải qua bão giông. Họ bị phụ bạc, họ sống khổ sở trong hôn nhân, và đàn ông chỉ gợi cho họ cảm giác về sự bất hạnh. Sống trong một cuộc hôn nhân bất hạnh thì đúng là độc thân tốt hơn nhiều. Nhưng chẳng có gì tuyệt vời hơn khi mình yêu thương một người và được nhận về sự yêu thương tương xứng.

Tôi cũng thấy nhiều người đàn ông, khi còn trẻ thì lăng nhăng gió trăng, không coi trọng gia đình, để khi về già sống cảnh đời cô độc. Đa phần họ đều hối hận, nhưng chẳng để làm gì cả, bởi đời người ai có được hai lần thanh xuân để mà “sống nháp”.

Khi người ta còn trẻ, chẳng có gì là thực sự quá quan trọng, kể cả hôn nhân. Nhưng khi người ta già, khi những trách nhiệm với con cái đã hoàn thành, khi kiếm tiền không còn là đam mê và đôi chân đã không còn đủ khỏe để rong chơi đó đây, thì sự cô đơn chính là điều khiến người ta sợ hãi nhất.

Bố mẹ tôi năm nay đều đã ngoài bảy mươi rồi. Cuộc hôn nhân của hai người không phải lúc nào cũng ấm êm. Tính bố và mẹ tôi không hợp nhau. Bố tôi thì khó tính, mẹ tôi thì bướng bỉnh. Nếu cùng ngồi với nhau, lúc đầu sẽ là nói chuyện vui nhưng kết thúc bao giờ cũng là cãi vã vì bất đồng quan điểm.

Nhưng, con cái ở xa, nhiều khi mẹ muốn đi chơi thăm con cháu cũng khó khăn lắm mới rời được khỏi nhà. Ông lúc nào cũng muốn nhìn thấy bà vào ra, vắng một chút là khó chịu, huống gì đi chơi xa cả tuần cả tháng. Mỗi lần bà muốn đi, ông sẽ nói: “Bà đi như vậy, tôi ở nhà chết một mình không ai hay đâu”. Nói vậy thì thôi, ai nỡ lòng mà đi nữa.

Mấy hôm trước mẹ tôi mổ mắt. Tôi gọi điện về, bố bảo: “Mấy hôm nay mẹ mày mổ mắt, bố suốt ngày đi chợ, ngày nấu ba bữa cơm, cho gà ăn, còn phải nhỏ thuốc mắt cho mẹ mày ngày mười mấy lần, chẳng đi đâu được”.

Bố tôi xưa nay chỉ quen được phục vụ, nay phải phục vụ người khác chắc thấy bận rộn lắm. Nhưng tôi thấy giọng bố rất hồ hởi, không có gì là khó chịu. Và tôi thấy thật là may mắn khi bố mẹ ở tuổi ấy rồi vẫn còn có thể chăm nhau. Chúng tôi là con, nhưng chắc gì đã chiều hai cụ như hai cụ chiều nhau được.

Thế nên người xưa mới có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Thế nên mới có cảnh những ông những bà đơn lẻ tóc đã bạc đầu vẫn muốn “kết đôi” khiến con cái can ngăn còn người đời cười cợt. Người ngoài cuộc sẽ không bao giờ hiểu, hoặc là hiểu nhưng cố tỏ ra không hiểu: Người già họ chỉ cần một người bạn để trò chuyện tâm giao, chỉ thế thôi, không hơn không kém.

Tôi gặp chồng tôi năm hai mươi tuổi, tám năm sau mới cưới nhau. Đến nay cả hai đã cận kề bốn mươi rồi. Mười năm sống chung, có những thời điểm phải dùng hai từ “kiệt quệ” cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng ngay cả những thời điểm chật vật bạc tiền tôi cũng chưa từng ước có nhà thật to, có xe thật đẹp. Ngay cả những khi anh ấy làm tôi tổn thương cũng chưa mảy may suy nghĩ hai người sẽ buông tay.

Tôi lúc nào cũng chỉ có một mong ước cháy bỏng, rằng chúng tôi có thể sống yên ấm bên nhau cho đến khi về già. Khi mà con cái đã đủ lông đủ cánh tự lo được cho mình, chỉ cần hai ông bà lọ mọ sớm tối có nhau, cùng nhau bình yên đi qua ngày mưa ngày nắng. Chỉ ước gì con cái có thể nhìn chúng tôi yêu thương nhau để mà ngưỡng mộ, mà vun đắp cho cuộc hôn nhân của chính mình.

Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy những cặp đôi thể hiện tình cảm trên mạng khiến mọi người phải khao khát trầm trồ. Cả những cặp vợ chồng nói những lời hoa mĩ tâng chồng vợ lên mây xanh khiến ai đó phải thốt lên rằng “Chồng/ vợ người ta chưa bao giờ làm mình thất vọng”. Thú thật, người trẻ có yêu nhau đến mấy cũng khiến tôi ít cảm động lắm.

Tôi rất hay xúc động khi nhìn ánh mắt những đôi vợ chồng già âu yếm nhìn nhau. Như vợ chồng ông bà hàng xóm tôi đã kể ở trên. Cái ánh mắt ông nhìn vợ cẩn thận dặn dò: “Tôi ngồi ngay ngoài cửa đây thôi, bà nhìn ra là thấy, có gì ới cái tôi vào ngay”, và ánh mắt hạnh phúc của bà khi nhìn ông rời khỏi tầm mắt thật ấm áp biết bao.

Tôi chỉ rất hay xúc động khi bắt gặp hình ảnh một cụ ông dắt cụ bà qua đường giữa phố đông, cụ bà đẩy xe lăn đưa cụ ông đi dạo quanh bờ hồ, hay tay run run bón cho bạn đời thìa cháo trên giường bệnh…Vì tôi biết để có thể ở bên nhau đến khi già như thế, họ không chỉ có tình yêu, không chỉ có những ngày hạnh phúc mà đã vượt qua rất nhiều khó khăn với những bao dung, tha thứ.

Có cây cổ thụ nào lại không từng lớn lên qua những cơn phong ba nghiêng ngả. Có cuộc tình già nào lại không từng đi qua một thời son trẻ đầy bão giông. Còn gì tuyệt vời hơn khi ta có thể ở bên một người, cùng trẻ cùng già đi như thế.