Lập kế hoạch đón Tết sớm

Hơn nửa tháng nữa là đến Tết, nếu gia đình bạn không có kế hoạch chuẩn bị trước, cận Tết sẽ rất vất vả và giá cả thì tăng vọt.

Tạo diện mạo mới cho ngôi nhà

 

Làm mới cửa sắt, đồ gỗ cần làm sớm, kẻo cận Tết gia chủ thì bận rộn, thợ thì vội vã về quê nghỉ Tết nên sẽ khó thuê thợ, nếu có thuê được họ cũng làm ẩu để “chạy sô”.

 

Nếu có điều kiện, hãy quét vôi, sơn lại tường cho ngôi nhà có diện mạo mới. Tất cả những việc trên nên làm sớm, để cận Tết chỉ còn trang hoàng nhà cửa đón xuân, chứ không nên bày việc bề bộn ra nữa. Khoảng 1 - 2 tuần trước Tết chỉ còn lau chùi đồ đạc trong nhà, “ướp hương” cho ngôi nhà bằng cách giặt tất cả rèm cửa, chăn, drap, gối nệm, khăn trải bàn... bằng các loại nước chuyên dụng. Nhà cửa tươm tất, sạch sẽ thơm mát giúp đón một cái Tết đầy ắp niềm vui.

 

1 - 2 tuần trước Tết cũng nên đi ngắm chợ hoa để chọn một cây mai (có ý nghĩa đem sự may mắn, thịnh vượng đến cho gia đình trong năm mới), hay cây đào cảnh (là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân với nhiều may mắn, hạnh phúc).
 
Lập kế hoạch đón Tết sớm - 1


 

Xin chữ, sắm quần áo Tết

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Kỳ, nhà thư pháp nổi tiếng ở Ngũ Xã (Hà Nội), 1 - 2 tuần trước Tết là thời điểm thích hợp để đi xin chữ, tìm mua câu đối, hoặc nhờ ông đồ viết cho phù hợp với ước muốn cầu an hay tài lộc cho gia đình. Các “thầy đồ” đều có tư vấn và giúp gia chủ chọn chữ. Nhưng trước khi đi xin chữ, nên nghĩ sẵn nội dung những chữ hoặc câu đối mình mong ước, hoặc nguyện ước đạt được. Nếu ít thời gian và ngại suy nghĩ, tìm kiếm và lựa chọn chữ thì đơn giản nhất là lên chùa (đình, đền) “thỉnh” chữ về.

 

Nên đi mua sắm quần áo, giày dép, phụ kiện... cho cả nhà trước Tết khoảng 3 tuần, vì lúc này các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, các shop... có nhiều hàng hóa mới, bản thân mình cũng có nhiều thời gian để đi dạo và ngắm đồ, cân nhắc, lựa chọn cẩn thận. Mua sắm quần áo sớm còn kịp thời gian giặt, là, làm thơm quần áo.

 

Sắm quà tặng, thực phẩm khô

 

Biếu quà hai bên gia đình nội ngoại rất quan trọng. Tùy túi tiền và cách sống của từng nhà mà sắm quà Tết cho hợp sở thích của bố mẹ hai bên. Ngày Tết nhà nào cũng cần hoa, cây cảnh. Có thể mua biếu các cụ chậu lan, cây quất, mai hoặc đào thế... đều là món quà Tết ý nghĩa. Tốt nhất nên hỏi ý kiến người thân xem thích gì để lựa chọn trước.

 

Quà biếu bao nhiêu tùy ý, nhưng miễn cảm thấy thoải mái là được bởi bố mẹ nội ngoại nào cũng không xét nét xem năm nay các con biếu gì cho mình. Nhưng hai bên nội ngoại nên biếu giá trị như nhau, nếu mua mỗi bên 1 chai rượu ngoại, mà bên nào không thích rượu thì nên “quy ra thóc” bằng tiền giá trị như nhau, không nên để chênh lệch quá mà mất vui.

 

Với giỏ quà Tết, nếu may mắn cơ quan phát tiền thưởng Tết sớm thì nên đi sắm giỏ quà biếu trước để đảm bảo hàng tốt, kẻo để cận Tết mới sắm thì vừa đắt, vừa đông, giỏ quà Tết dễ bị kèm hàng kém chất lượng. Nên mua trước những thứ có thể bảo quản được lâu như: Trà, rượu, cà phê, bánh mứt kẹo...   Mua giỏ quà Tết nên đến các siêu thị để đảm bảo mua được hàng tốt. Nên sắm quà Tết tại các điểm bán hàng bình ổn giá vì được mua hàng giá rẻ 10 - 15% so với thị trường, còn được khuyến mại, giảm giá theo các chương trình đón xuân. Sắm trước vừa được lựa chọn hàng vừa ý, vừa kiểm tra kỹ tình trạng món hàng, hạn sử dụng.

 

Các bà nội trợ nên đi mua sắm thực phẩm khô như măng, miến, bóng bì, mộc nhĩ, nấm hương, cá khô... là những thứ bảo quản được lâu cho bếp ăn gia đình.
 

- Thời gian cận Tết, bạn chỉ dành cho việc mua sắm thực phẩm sống - chín. Bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, kim chi… là những món đãi khách, nếu không tự làm được hãy mua ở các siêu thị, hoặc đặt ở nơi có uy tín trước Tết khoảng 1 tuần để đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng.

- Mâm ngũ quả nên mua vào những ngày 29, 30 tháng Chạp âm lịch để quả tươi ngon suốt những ngày Tết. 

- Các loại rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, hải sản chỉ nên mua cách Tết 2-3 ngày, sơ chế sạch, bỏ vào túi nilon bảo quản ở ngăn lạnh. Không nên mua quá nhiều vì thừa mứa rất lãng phí, vì từ mùng 2 Tết các siêu thị đã mở cửa bán hàng tươi sống trở lại.

 

 

Theo Trà Giang

Gia đình & Xã hội