Ghen “suy tưởng”

“… Kiểu ghen này xuất phát từ ý thức chủ quan của các anh chồng. Khi thấy những gã trai khác bên cạnh vợ mình, các anh chồng ngay lập tức nhớ lại thói trăng hoa của bản thân, sự dễ dãi của những cô bồ rồi cho rằng vợ mình cũng thế…”.

Ghen “suy tưởng” - 1

 

Vô tình để lộ mình có blog riêng, Thắm bị chồng ghen dữ dội. Nguyên nhân là vì trong blog còn sót lại một đoạn Thắm viết về người yêu cũ.

 

Phong - chồng Thắm nhất định cho rằng, vợ mình và gã bạn trai cũ còn quan hệ mờ ám với nhau, mặc Thắm ra sức thanh minh: “Chuyện đó là quá khứ rồi, anh ấy đã du học bên Pháp”.

 

Nhưng đời nào Phong tin. Phong cho rằng, chuyện “tình cũ không rủ là điều tất nhiên” bởi bản thân anh cũng từng rơi vào hoàn cảnh đó.

 

Khác với Phong, lý do khiến Hải nghi ngờ vợ là vì anh này đã từng “trăng hoa” vô tổ chức. Yến - vợ Hải đã quá quen với việc đi “đánh ghen” nên chán nản buông xuôi: “Anh đi đâu thì đi, đừng mang bệnh về cho vợ là được”.

 

Có khi cả tháng trời, Yến ôm gối sang phòng con ngủ, mặc chồng “nằm không”. Hải cho rằng, nhất định vợ đã “dan díu” với kẻ khác nên mới “thờ ơ” với chồng như thế. Tìm mãi không được bằng chứng “lật tẩy” vợ, Hải lại xuất hiện tâm lý ghen tuông bóng gió.

 

Hễ thấy vợ đặt điện thoại ở chế độ rung, Hải “mát mẻ”: “Sợ trai gọi hay sao mà phải để chế độ rung” dù Yến đã một mực giải thích: “Em sợ con nghe tiếng chuông điện thoại nên giật mình”.

 

Hôm nào vợ trang điểm đẹp để đi ăn cưới, Hải nhếch miệng bảo: “Kiếm thằng nào mà ngủ qua đêm rồi hẵng về. Cô xinh đẹp thế cơ mà?”.

 

 Sau hồi trai trẻ “bôn ba trên tình trường”, Trung “vớ” được cô vợ ngoan hiền, tốt tính. Thế mà, mỗi lần thấy vợ tươi cười với “trai”, Trung như ngồi trên đống lửa. Cứ hình dung ra cảnh vợ cũng “dễ dãi” như các cô nhân tình của anh trước đây là anh muốn “phát điên”.

 

Hàng ngày, Trung phải gọi điện “kiểm tra” vợ hàng chục lần mới yên tâm. Có lần, Loan - vợ Trung đi du lịch cùng cơ quan. Hôm ấy, máy di động của Loan hết pin nên cô phải mang sang phòng đồng nghiệp nam bên cạnh, xin sạc nhờ. Trung gọi điện cho vợ thì có một giọng đàn ông bắt máy. Có thế mà ngay sau đó, Trung cũng bắt xe đến tận nơi vợ đang nghỉ mát, làm ầm cả đoàn…

 

Phân tích kiểu ghen “suy bụng ta ra bụng người”

 

Những cơn ghen kiểu này, có thể, xuất phát từ ý thức chủ quan của các anh chồng. Điều này có nghĩa là, khi thấy những gã trai khác bên cạnh vợ mình, các anh chồng ngay lập tức nhớ lại thói trăng hoa của bản thân và sự dễ dãi của những cô bồ. Các anh sẽ gán ghép điều “suy tưởng” này vào vợ và kết luận rằng, vợ mình cũng thiếu chung thủy như thế. Và ghen tuông là điều khó tránh.

 

Khi ghen tuông trở thành bệnh

 

Các nhà tâm lý học cho rằng, nếu ghen tuông trở nên dai dẳng và các anh chồng không thể thoát khỏi điều này thì cơn ghen có thể chuyển hóa thành một “dạng bệnh”.

 

Nghiêm trọng hơn, các anh chồng có thể xuất hiện những ám ảnh sai lệch về người bạn đời. Những biểu hiện trên thường khiến người chồng suy sụp nghiêm trọng hoặc có thể dẫn tới những hành vi cực đoan.

 

Ứng xử khi chồng ghen tuông vô cớ

 

Người vợ nên kiên trì cảm hóa chồng bằng lối sống nghiêm chỉnh và đúng mực. Người vợ nên tránh cử chỉ thân mật, suồng sã với những người khác giới để chồng không hiểu nhầm.

 

Nếu chồng có điều gì băn khoăn, người vợ nên dùng lời lẽ nhẹ nhàng để phân tích. Tránh tâm lý im lặng hoặc thói thách thức với chồng như: “Anh tưởng ai cũng như anh à?”. Điều này khiến chồng càng ghen tuông thái quá hơn.

 

Nhiều người vợ lựa chọn giải pháp “tạm xa chồng để anh ấy tỉnh ngộ”. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, phương pháp này không mang lại hiệu quả. Nó chỉ khiến chồng càng bất an và ghen tuông “điên cuồng” hơn.

 

Nếu biểu hiện ghen tuông ở chồng càng ngày càng thái quá hoặc người vợ thường xuyên bị chồng lăng mạ, chửi bới, người vợ nên tìm kiếm một giải pháp tích cực hơn. Có thể tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia tâm lý để chữa đúng bệnh ghen tuông của chồng.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé