Chỉ lấy gái quê

(Dân trí) - Khi gà đồi, lợn mán đã không còn xa lạ với đời sống thị thành thì lấy vợ gái quê dường như cũng trở thành một cái “mốt” được nhiều quý ông lựa chọn. Với họ, vợ nào chẳng thế, chỉ cần xinh xắn ưa nhìn, chịu thương chịu khó, hơi “cà-rốt” tí cũng không sao, càng dễ “trị”.

Lấy gái quê vì… hết thời

 

Các đấng trượng phu một thời bút nghiên, quyết tâm học hết bằng này bằng nọ rồi cũng đến lúc hoàn thành. Ra trường lại phải “cày” liên tục trong nhiều năm để kiếm chỗ “chui ra chui vào” ở chốn thị thành và sắm sửa thứ này thứ khác. Đến khi “chắc cú” tấm vé “công dân” thành phố họ mới nhìn lại, chợt giật mình vì “đời đã xanh rêu”. Bạn bè cùng thời cả nam lẫn nữ đều lần lượt “bỏ cuộc chơi”, mối tình đầu giờ đã hai con, còn xót lại mấy đứa thì đứa “hâm hâm”, đứa cũng như mình…

 

Nhà cửa đã có, thu nhập cũng ổn định, đã đến lúc “đại trượng phu” phải tìm một “ma ma đại tổng quản” để săn sóc cho mình và cho khối tài sản tuy không lớn nhưng cũng do mồ hôi nước mắt cố gắng suốt thời trai trẻ mới có.

 

Long, làm việc trong một ngân hàng có tiếng tại HN tâm sự: “Gái thị thành không phải là không có, nhưng ngặt nỗi cô nào cũng ôm mộng lớn, gặp mặt vài hôm là đánh tiếng bóng gió rằng còn quá sớm để nghĩ đến chuyện chồng con. Mình thì không “nhịn” được nữa rồi. Mà hình như mình cũng đã qua cái thời lãng mạn, giờ chỉ cần một cô vợ theo đúng nghĩa thôi, cũng chẳng cần yêu đương tìm hiểu làm gì lâu cho mệt, cứ về quê nhờ bà con mai mối, đám nào ưng thì cưới luôn”.

 

Đúng là không “nhịn” được nữa nên từ khi quyết định lấy vợ đến khi có vợ Long chỉ mất chưa đầy hai tháng. Không mất nhiều thời gian yêu đương tìm hiểu không có nghĩa là Long “nhắm mắt làm liều”. Long cẩn thận nhờ bà con giới thiệu cho “đám” nào tốt nhất, mà bà con mình ở quê thật lắm, có thế nào họ bảo thế chứ không biết “làm hàng” như ở chốn thị thành nên quý ông này cũng yên tâm phần nào.

 

Cũng như Long, Thắng sau khi tốt nghiệp ĐH lại bôn ba mấy năm du học nước ngoài, sau đó ở lại kiếm ít vốn liếng trước khi về nước nên đến giờ cũng vẫn “lính phòng không”.

 

Không nóng vội như Long, Thắng về quê nhờ bà con mai mối cho một đám rất “tươm”, vừa ngoan vừa hiền lại chịu thương chịu khó, chẳng bao giờ đàn đúm bạn bè. Thắng rất hài lòng nhưng phải đợi 2 năm nữa vì cô dâu mới học lớp 10. Một tháng đôi lần về thăm gia đình “nhạc phụ” và chẳng bao giờ quên những món quà đậm mùi thành phố khiến cả làng ai cũng phải ghen tị: “Có con rể thành phố sướng thật đấy”.

 

Chú rể mừng, cô dâu cũng vui không kém. Từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ biết thủ đô thế nào, giờ tự nhiên vận may lại đến bảo không vui sao được. Mà nghe đâu chồng rất giỏi giang, có nhiều bằng cấp, nhà cao cửa rộng đủ cả, ngặt mỗi nỗi lớn tuổi quá, gấp đôi tuổi mình ý chứ. Nhưng thôi, có như thế người ta mới về tận đây để kén vợ.

 

Tỏ ra đầy kinh nghiệm, Thắng cho biết: “Gái quê bây giờ cũng năm bảy loại, kiếm được một cô vợ quê “nguyên chất” thì còn gì bằng nhưng không cẩn thận mà vớ phải cô “nửa tỉnh nửa quê” thì coi như sạt nghiệp”.

 

Lấy gái quê vì… tiết kiệm

 

Hơn ai hết, những quý ông này đã phải hy sinh cả thời trai trẻ để kiếm tiền nên họ rất trân trọng những gì đã kiếm được. Có lẽ vì vậy mà việc lấy vợ cũng được tính toán rất kỹ lưỡng, làm sao cho “đầu tư” ở mức thấp nhất mà “lợi nhuận” lại cao nhất, ít chi phí phát sinh và hạn chế rủi ro khi lập gia đình là điều các quý ông này rất quan tâm.

 

Các cô gái thành phố giờ đây đã cài đặt sẵn trong đầu rằng sau này lấy chồng về sẽ thuê ô-sin, gội đầu, cắt tỉa móng tay, sơn sửa móng chân hàng tuần, tháng lại đôi lần đi spa làm đẹp…

 

Nếu lầy vợ quê thì khỏi bàn chuyện đó, chỉ cần một cái cắt móng tay Trung Quốc thật sắc là được, đang làm việc đồng áng giờ chỉ việc lo cơm nước nhà cửa mà đi thuê người giúp việc có mà phí chết. Còn sắc đẹp thì khỏi lo, ở thành phố vài tháng, chân tay bớt thô, lại ăn mặc đẹp vào nữa là “mượt” hết. 

 

Hơn nữa, các quý ông này muốn lấy được người vợ theo đúng nghĩa, tức là phải “vợ hiền dâu thảo” và vô cùng kính trọng chồng. Lấy được cô vợ quê “thật chất” thì cứ yên tâm việc nhà mà lo làm ăn.

 

Các cô thôn nữ chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, cuộc sống nông thôn vất vả đã rèn cho các cô tính chịu thương chịu khó, tằn tiện, chi li, vậy mà về “nâng khăn sửa ví” cho chàng thì còn gì bằng. Mà nuôi vợ kiểu này cũng “dễ thở” hơn nhiều. Họ không quen hưởng thụ, lại luôn có cảm giác “ngài ngại” khi tiếp xúc với những nơi xa xỉ, hơn nữa lại luôn cảm thấy may mắn khi lấy được chồng thành phố, giàu có, học cao biết rộng nên các cô không ngừng làm lụng để đền đáp ơn chồng.

 

Lấy vợ quê vì… dễ trị

 

Không ít quý ông long đọng lận đận với những mối tình chốn thị thành, trở thành nạn nhân của không biết bao vụ “đào mỏ” mà cuối cùng vẫn cô đơn “một cõi đi về”. Suốt thời sinh viên “buộc mồm buộc miệng”, vừa học vừa nai lưng làm thêm để kiếm  tiền “bánh bao” cho cô người yêu mỗi lần đi chơi. Vậy mà khi ra trường, nàng lại ngay lập tức “theo chồng bỏ cuộc chơi”, ức nỗi chồng ở đây lại không phải là mình.

 

Buồn một chút nhưng họ cũng tự an ủi: “Mới yêu mà mình đã không trị được rồi, lấy về thì dạy sao đây? Thôi cũng may, mất đi tình yêu thời trẻ nhưng lại được hạnh phúc lúc về già. Bây giờ chỉ cần sáng suốt về quê chọn một cô vợ ưng ý là được”.

 

Các đấng mày râu này không dám nghĩ đến chuyện đầu tư vào yêu đương, sợ một lần nữa lại trở thành nạn nhân của công nghệ đào mỏ ngày càng hiện đại. Kiếm đại đâu một mối ưng ý là cưới luôn. Có chàng còn đặt ra hẳn tiêu chí lấy vợ 3 không: “Không ngại việc -không ăn chơi -không học rộng”, chỉ cần xinh xắn đẫy đà cho “dễ đẻ” là được.

 

Thắng tâm sự: “Mình bằng tây ta đủ cả, loại nào giờ cũng có mấy cái. Công việc và thu nhập ổn định. Cũng muốn có người vợ để cái nhà sớm hôm ấm cũng, có bóng người vẫn hơn. Học rộng để làm gì? Có bao giờ hai ông tiến sỹ chung sống với nhau được đâu? Mà vợ ít học lại càng dễ bảo, cảm thấy thua kém chồng nên ít đòi hỏi và sẽ yêu gia đình hơn”.

 

Như sợ người khác hiểu nhầm, Thắng thêm vào: “Không phải mình có ý gì đâu, gái trai gì cũng cần học cả. Nhưng “tuyển vợ” thì mình nghĩ không thể dựa vào bằng cấp được. Phụ nữ học rộng cũng tốt, ngặt nỗi các bà này thường hay thích “ngang hàng” với chồng, lúc nào cũng  tỏ ra hiểu biết và thích đấu tranh những thứ đã được đàn ông coi là “luật bất thành văn”. Hơn nữa, điều kiện kinh tế cũng khá nên mình cũng không thích lấy vợ suốt ngày vướng bận công việc, như vậy sẽ không thể chăm sóc chồng con và gia đình chu đáo được”.

 

Cũng như Thắng, Long không đặt nặng tiêu chí học vấn: “Ôi dào, “cà dốt” càng dễ trị, mà tính mình cũng gia trưởng lắm, tiêu chí lấy vợ đầu tiên của mình là phải hơi cam chịu một tí. Thế nhưng có bà nào học rộng tài cao mà không thích đấu tranh đâu? Vợ mình chỉ cần biết đọc và đếm… tiền là được”.

 

Chịu khó việc nhà, không đua đòi ham chơi, hết mực yêu thương gia đình, vô cùng kính trọng chồng và hơi cam chịu một tí là mẫu hình người vợ lý tưởng của bất kỳ người đàn ông nào mắc bệnh gia trưởng. Hỏi có bao nhiêu cô gái sinh ra và lớn lên tại chốn đô thành đáp ứng được những tiêu chí này? Vậy nên cũng chẳng ngạc nhiên khi nhiều quý ông lặn lội về quê để tìm cho mình những “bông hoa đồng nội” tuy không lộng lẫy, kiêu sa nhưng cũng ẩn chứa vẻ đẹp thùy mị, mộc mạc, nết na của người con gái chân lấm tay bùn, giàu tính hy sinh.

 

Suy cho cùng, việc lấy vợ là quyền của mỗi đấng nam nhi. Ngẫm lại cách chọn vợ của các quý ông này cũng không phải không có lý. Có điều rằng, không biết một ngày gần đây, có không hình ảnh những quý bà “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu nhân tình” thành đạt với đầy đủ bằng cấp lận đận về quê để kiếm một tấm chồng ưng ý?

 

Thanh Phong