Bản nháp

(Dân trí) - Kha và Hân đến trọ gần nhà tôi khi còn chưa cưới. Lý do là bố mẹ Hân đi làm ăn kinh tế ở xa, bố Hân cứ bệnh suốt nên hai bên hẹn sẽ chọn ngày thật đẹp và thích hợp để chúng về chung một nhà.

 

Bản nháp


Tin vào cảm nhận tình yêu của mình, lại nghĩ Kha tử tế và bố mẹ đã nói vậy là chắc chắn nên Hân không ngần ngại trao thân gửi phận. Sau Hân mới biết con người thật của Kha - cục cằn thô lỗ và cư xử tiểu nhân, đã vậy còn tủn mủn, chấp nhặt. Căng thẳng nhất là một lần chỉ vì tranh luận vấn đề nhỏ con con mà anh ta thẳng tát Hân “cảnh cáo”. Hân không chấp nhận nổi con người vũ phu.

 

Hân tâm sự “Em lúc nào cũng muốn người đầu tiên với mình sẽ là chồng mình nên mới cố nhẫn nhịn, níu kéo, chứ thật ra Kha chẳng có điểm nào để em có thể dựa dẫm, tin cậy trao gửi cả cuộc đời”.

 

Hân từng mong sự nhẫn nại, dịu dàng của mình sẽ kiềm được con ngựa bất kham, song ở cùng nhau nên mọi thói hư tật xấu của Kha Hân đã nắm bắt được và hiểu rằng bản chất của một con người rất bền vững, chẳng thể cải tạo nổi. Nung nấu, nhen nhóm mãi trong lòng Hân mới quyết định ra đi. Kha kiêu hãnh chẳng thèm tiếc giữ.

 

Ở cơ quan mười người thì cả mười đều mừng cho Hân thoát khỏi Kha - kẻ nói năng với Hân thì lúc nào cũng cắm cảu nhưng tán dóc với gái khác thì ngọt ngào chẳng ai bằng.

 

Hân đi khỏi, Kha lập tức tìm đến “mối sơ cua” để tâm sự, rồi cấp tập làm đám cưới để chứng tỏ cho Hân thấy “ta chẳng cần ai”. Kha cưới sau khi tìm hiểu có phần qua loa, dẫn về ông bố hằm hằm phản đối, mẹ thì khóc lóc cầu xin vì cô này chẳng bằng một góc của Hân. Cô bé người dân tộc hiền quá mức cần thiết, cứ bảo gì làm nấy, chỉ đâu đánh đấy,

chẳng cần phải suy nghĩ đúng sai, đã thế quê xa đến hơn hai trăm cây số. Cho đến tận ngày đi ăn hỏi về bố Kha còn rớm nước mắt năn nỉ con trai: “Thôi con ạ, bố chịu chấp nhận mất hai mươi triệu tiền lễ ngày hôm nay, con tìm đám khác cho bố mẹ nhờ” nhưng rồi Kha vẫn quyết tâm, chẳng hiểu cậu chàng có hạnh phúc?...

 

Hân vốn là đứa xinh xắn, lễ phép và biết sống nhưng giờ đây thì hoàn toàn bi quan với tương lai sắp tới. Hân chìm trong mặc cảm tội lỗi mình là đứa con gái hư hỏng, là đồ bỏ đi... May sao một người bạn cũ đã đến chia sẻ cùng, anh ấy từng chơi với cả Kha và Hân. Khi nghe Hân kể lại việc từng sống với Kha, anh chỉ độ lượng nói “chuyện đó anh đã biết, nhưng anh vẫn tôn trọng em. Từ giờ đừng ai nhắc lại chuyện quá khứ, em là em và anh quý mến tính nết, con người em, vậy là đủ”.

 

Hân tâm sự với tôi, cho đến giờ phút này khi con gái họ được hơn hai tuổi, chồng Hân vẫn giữ đúng lời hứa, anh sống tận tình, thương yêu vợ con và đã giúp Hân thực sự quên được Kha. Song Hân vẫn bày tỏ sự ân hận vì đã nhẹ dạ, sống chung với con người không xứng đáng. Tôi khuyên Hân đừng tự dằn vặt mình kẻo ảnh hưởng đến hiện tại tốt đẹp. Ttrong rủi có may, nếu không có những ngày “sống thử” ấy, cứ cưới nhau rồi sinh con đẻ cái thì còn ràng buộc, bi kịch đến thế nào.

 

TSL