1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Đại hội thể thao châu Á lần thứ 16

Việt Nam chia tay Đại hội thể thao châu Á với 1 HCV

(Dân trí) - Sau 15 ngày tranh tài, hôm nay đoàn VĐV Việt Nam đã kết thúc nhiệm vụ ASIAD 16 với hành trang 1 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ. Nguy cơ “trắng vàng” được Bích Phương giải tỏa phút chót, nhưng mục tiêu đề ra trong lễ xuất quân thì hoàn toàn phá sản…

Bước vào ngày thi đấu cuối ASIAD 16, đoàn Việt Nam có VĐV tham gia thi đấu ở các môn: Cờ vua, Điền kinh, Katatedo, Vật. Tuy nhiên đã không có bất ngờ nào xảy ra, khi các đại diện đều thi đấu không thành công. Chiếc huy chương duy nhất Việt Nam giành được ngày hôm nay là HCĐ nội dung Cờ vua đồng đội nữ.

 

Việt Nam chia tay Đại hội thể thao châu Á với 1 HCV - 1
Bích Phương mang về chiếc HCV duy nhất cho Việt Nam - Ảnh: Mạnh Hoàng
 
Mặc dù không mang về thêm tấm huy chương nào, nhưng điền kinh Việt Nam vẫn trải qua ngày thi đấu cuối cùng khá thành công. Ở nội dung tiếp sức 4x100m nữ, các VĐV Việt Nam về đích ở vị trí thứ 4 với thành tích 44’’77. Trong đợt tiếp sức cuối, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương có màn tăng tốc khá xuất sắc, nhưng vẫn không đủ mang về thêm tấm HCĐ.

 

Đại hội thể thao châu Á chính thức khép lại với thể thao Việt Nam. Có rất nhiều niềm vui tột độ bất ngờ xuất hiện, nhưng cũng chẳng hiếm cảm giác cay đắng và hụt hẫng ngoài dự kiến.

 

Bất ngờ nổi bật và cũng là cột mốc đáng nhớ nhất là chiến thắng của nữ võ sỹ Lê Bích Phương trước Kobeyashi (Nhật Bản) trong trận chung kết hạng cân 55 kg nữ. Thắng lợi của Bích Phương không chỉ giúp karatedo hoàn thành chỉ tiêu “vàng” ASIAD, mà còn có ý nghĩa như một chiếc phao, vãn hồi danh dự cho thể thao Việt Nam tại Á vận hội.

 

Điều đáng nói, Bích Phương không phải là gương mặt nằm trong diện được kỳ vọng trước giờ thi đấu. Nhưng trạng thái tâm lý rất thoải mái, ý chí thi đấu quyết tâm đã giúp nữ VĐV này ghi tên trên bảng “vàng” châu lục ở lần đầu tiên xuất ngoại, khi mới ở tuổi 18.

 

Việt Nam chia tay Đại hội thể thao châu Á với 1 HCV - 2
Thành tích của Vũ Thị Hương tiếp cận rất gần HCV châu lục - Ảnh: Mạnh Hoàng
 
Sau cột mốc “vàng” karatedo, điền kinh là đội tuyển thi đấu rực rỡ và thành công nhất đoàn Việt Nam tại đấu trường ASIAD 16. Thành tích giành 3 HCB, 2 HCĐ của bộ 3 VĐV Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện, Trương Thanh Hằng giúp cho điền kinh Việt Nam tạo dựng lên trang sử mới ở đấu trường danh giá và khốc liệt nhất châu lục.

 

Trương Thanh Hằng, xô đổ kỷ lục SEA Games trên đường chạy 800m nữ. Vũ Văn Huyện vượt qua kỷ lục của chính mình. Thua kém người đồng đội Trương Thanh Hằng 1 tấm HCB, nhưng thành tích “nữ hoàng tốc độ” của Vũ Thị Hương trên đường chạy 100 và 200m rất gần các đối thủ hàng đầu châu lục. Vũ Thị Hương tạo ra cuộc cạnh tranh ngang ngửa, sòng phẳng với những đối thủ của Nhật Bản, Trung Quốc, Uzbekistan.

 

Nói đến bất ngờ, không thể bỏ quên việc Nguyễn Thị Lụa giành HCB nội dung vật tự do nữ, hay 2 tấm HCB quý giá đến từ các tay chèo nữ môn Đua thuyền.

 

Trong vô số cảm giác hạnh phúc dâng trào, cũng có không ít cảm giác tiếc nuối, thất vọng và cả sự cay đắng khi nhìn lại những lần các VĐV thua đáng tiếc ở thời khắc “vàng” như thất bại của Hoài Thu (Taekwondo) vì quá chủ quan, Hoàng Xuân Vinh (Bắn súng) bắn chệch bia, rồi đến đại kiện tướng Quang Liêm chỉ nhận HCB dù bằng điểm với đại diện của Uzbekistan do thua đối đầu…

 

Việt Nam chia tay Đại hội thể thao châu Á với 1 HCV - 3
Thanh Hằng thi đấu thành công vượt xa mong đợi - Ảnh: Mạnh Hoàng
 
Ngoài lỗi chủ quan của VĐV, cũng không có ít lần chúng ta để rơi “vàng” vì không có sự chuẩn bị tốt nhất về cả tâm lý lẫn chuyên môn, hoặc chưa có chiến lược đầu tư trọng điểm đúng mức như trường hợp điền kinh là một minh chứng điển hình.

 

ASIAD 16 đã khép lại với thể thao Việt Nam, nhưng những thất bại đáng tiếc vừa qua vẫn để lại nhiều bài học nóng hổi với lãnh đạo ngành thể thao. Những người lĩnh nhận nhiệm vụ nâng tầm vóc của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, nhất là vấn đề lựa chọn trọng điểm đầu tư.

 

Đoàn Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu “vàng” trong lần cử số lượng VĐV đông kỷ lục (260) dự ASIAS, Trưởng đoàn Lê Quý Phượng liên tục gửi lời xin lỗi người hâm mộ. Nhìn lại thành tích nghèo nàn, ông Phượng cho rằng đã chỉ rõ nấc thang của thể thao Việt Nam ở bản đồ châu lục.
 
Việt Nam chia tay Đại hội thể thao châu Á với 1 HCV - 4
Nước mắt tiếc nuối của võ sỹ Hoài Thu - Ảnh: An An
 
Với tư cách là Phó tổng cục trưởng TCTDTT, ông Phượng khẳng định sẽ bắt tay vào làm mới lại nền thể thao để tiếp cận gần châu lục và Olympic.

 

Hy vọng lời ông trưởng đoàn sẽ sớm thành hiện thực, để rồi 4 năm nữa chúng ta có thể ngẩng cao đầu rời ASIAD 17, thay vì chỉ giành được 1 HCV như kỳ Á vận hội 2010.

 

Tính đến hết ngày thi đấu 26/11, đoàn Trung Quốc đã chắc chắn giành ngôi nhất toàn đoàn với 197 HCV, 117 HCB, 98 HCĐ. Hàn Quốc sớm sở hữu ngôi Á quân, Nhật Bản cầm chắc vị trí thứ 3.

 

Ngày mai 27/11, ASIAD 16 sẽ thi đấu nốt một số môn thể thao, trước khi các đoàn tham dự lễ bế mạc diễn ra buổi tối.
 

Bảng xếp hạng HC ASIAD 16

(Tính đến ngày 26/11)

TT

Quốc gia

HCV

HCB

HCĐ

Tổng

1

Trung Quốc

197

117

98

412

2

Hàn Quốc

75

63

91

229

3

Nhật Bản

47

73

94

214

4

Iran

20

13

25

58

5

Kazakhstan

18

23

37

78

6

Ấn Độ

14

17

41

64

7

Đài Loan (Trung Quốc)

13

16

38

67

8

Uzbekistan

11

22

23

56

9

Thái Lan

11

9

32

52

10

Malaysia

9

18

14

41

 

23

Việt Nam

1

17

15

33

 
Quang Vinh