1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Houthi mạo hiểm cơn giận của Mỹ để tấn công tàu trên Biển Đỏ?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Houthi nói họ tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ là để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine tại Gaza, nhưng lực lượng này cũng có các tính toán khác.

Vì sao Houthi mạo hiểm cơn giận của Mỹ để tấn công tàu trên Biển Đỏ? - 1

Tàu chở hàng Galaxy Leader bị các tàu Houthi hộ tống ở Biển Đỏ trong bức ảnh được phong trào này công bố ngày 20/11 (Ảnh: Houthi Military Media).

Ngày 19/11, Houthi đã phát động một trong những hành động táo bạo nhất cho đến nay của lực lượng này. Các chiến binh Houthi đã đu dây từ trực thăng và chiếm quyền kiểm soát tàu Galaxy Leader đang đi qua Biển Đỏ.

Từ đó tới nay, lực lượng này đã tấn công hơn 100 tàu đi qua eo biển Bab al-Mandeb, lối đi hẹp dẫn vào Biển Đỏ và xa hơn tới Kênh đào Suez, theo số liệu từ Lầu Năm Góc.

Tuy chưa gây ra thương vong, các cuộc tấn công này tạo ra tác động lớn đối với thương mại toàn cầu. Nhiều công ty vận tải biển đã ngừng đưa tàu qua Biển Đỏ và chọn đi vòng quanh mũi phía nam châu Phi, khiến hành trình bị kéo dài thêm khoảng 9 ngày và làm tăng ít nhất 15% chi phí.

Khoảng 12% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng của thế giới đi qua eo biển Bab al-Mandeb, chủ yếu hướng tới châu Âu. Các mặt hàng khác như ngũ cốc, dầu cọ và hàng công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng.

Mỹ đã lập liên minh 20 quốc gia tuần tra chung trên Biển Đỏ để ngăn chặn các vụ tấn công của Houthi. Quan chức Mỹ cũng cảnh báo rằng họ vẫn chưa loại trừ khả năng hành động quân sự đối với Houthi.

Vì sao Houthi mạo hiểm cơn giận của Mỹ để tấn công tàu trên Biển Đỏ? - 2

Lực lượng Houthi kiểm soát phần lớn miền bắc Yemen đã tấn công hơn 100 tàu đi qua eo biển Bab al-Mandeb kể từ ngày 7/10 (Đồ họa: CNN).

Mục tiêu thực sự

Sau khi nội chiến Yemen bùng nổ vào năm 2014, Houthi - lực lượng do Iran hậu thuẫn - chiến đấu chống lại quân đội chính quyền. Tới năm 2015, Ả-rập Xê-út dẫn dắt liên minh quân sự tham chiến để trợ giúp lực lượng chính quyền Yemen.

Hơn một năm qua, giao tranh tại Yemen đã lắng xuống sau khi lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian có hiệu lực từ tháng 4/2022. Houthi hiện kiểm soát phần lớn miền bắc Yemen và thủ đô Sanaa, trong khi chính phủ được quốc tế công nhận có trụ sở tại trung tâm kinh tế Aden.

Trong những tháng trước ngày 7/10, Houthi đang gặp phải áp lực trong nước vì một số vấn đề như thông qua các cải cách không được lòng dân và không trả lương cho công chức. Nhiều người dân Yemen cũng đã mệt mỏi với cuộc nội chiến đã kéo dài gần một thập kỷ.

Nhưng sau khi chiến sự Gaza bùng nổ, hành động lên án Israel đã giúp Houthi nhận được sự tán thành rộng rãi của người dân Yemen. Không những vậy, Houthi đã có thể dùng cơ hội này để chiêu mộ chiến binh mới, từ đó tăng cường lực lượng trong cuộc nội chiến Yemen.

"Họ tuyển mộ được một loạt chiến binh với lời hứa rằng họ sẽ chiến đấu ở Palestine", Nicholas Brumfield - một nhà nghiên cứu về Yemen - nói với Al Jazeera. "Họ nói "Các bạn sẽ chiến đấu ở Palestine" rồi sau đó sẽ triển khai lực lượng này tới thành trì Marib của chính phủ Yemen".

Vì sao Houthi mạo hiểm cơn giận của Mỹ để tấn công tàu trên Biển Đỏ? - 3

Các tay súng Houthi hô khẩu hiệu thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào này ở Sanaa, Yemen vào năm 2019 (Ảnh: AP).

Chính phủ Yemen lên án các vụ tấn công của Houthi trên Biển Đỏ vì cho rằng điều này tước đoạt chủ quyền của mình. Nhưng chính phủ tại Aden ở vào vị thế khó khăn vì họ không muốn bị cho là ủng hộ Israel.

Theo một số nhà phân tích, các cuộc tấn công ở Biển Đỏ cũng có thể là chiến lược ngoại giao, khi mà Houthi và Ả-rập Xê-út đang đối thoại nhằm đạt lệnh ngừng bắn lâu dài trong những tháng gần đây.

Căng thẳng ở Biển Đỏ và sự gián đoạn trong tuyến đường vận chuyển dầu mỏ sẽ gây tổn hại cho hầu hết nền kinh tế trong khu vực, trong đó Ả-rập Xê-út là nền kinh tế lớn nhất.

"Từ vị trí của Houthi, việc tấn công vào các tàu vận tải là cơ hội để họ gây áp lực đối với Ả-rập Xê-út", Sanam Vakil - Phó Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House - nói. "Chúng ta có thể đang chứng kiến động thái phục vụ đàm phán".

Houthi biết lằn ranh đỏ của Mỹ

Sự xuất hiện của liên minh 20 nước do Mỹ dẫn dắt dường như không ngăn cản được Houthi, theo Al Jazeera. Các nhân vật cấp cao của lực lượng này từng tuyên bố sẵn sàng đối đầu bất kỳ liên minh nào do Mỹ thành lập tại Biển Đỏ.

Một người phát ngôn khác của Houthi nói với Reuters rằng họ sẽ tiếp tục nhắm vào các tàu của Israel hoặc đang hướng tới Israel cho đến khi "cuộc bao vây" ở Gaza kết thúc.

Vì sao Houthi mạo hiểm cơn giận của Mỹ để tấn công tàu trên Biển Đỏ? - 4

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ di chuyển trên biển (Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ).

Tuy nhiên, bất chấp những lời lẽ khoa trương, cả phía Houthi và Mỹ cho đến nay đều tỏ ra kiềm chế.

Ngày 26/11, lực lượng Houthi đã bắn 2 tên lửa đạn đạo gần tàu chiến Mỹ. Ông Brumfield tin rằng phía Houthi đã cố tình bắn lệch mục tiêu.

"Mỹ cũng không muốn leo thang cuộc khủng hoảng này", nhà phân tích Gregory Brew của Eurasia Group nhận định. Mỹ cho đến nay vẫn chưa bắn trả về phía Yemen.

Bất cứ sự thay đổi nào trong cán cân ấy đều không phù hợp với lợi ích của Houthi.

"Họ biết không nên vượt qua ranh giới đó", ông Brumfield nói. Houthi không muốn xảy ra kịch bản mà Mỹ không còn coi nhóm này chỉ là sự phiền toái và thực sự muốn lật đổ họ.

Theo Al Jazeera, Reuters, PBS