1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine tìm ra cách khắc chế "sát thủ vô hình" của Nga

Quốc Đạt

(Dân trí) - Máy gây nhiễu RP-377 ngày càng xuất hiện phổ biển trên các phương tiện chiến đấu của Nga, nhưng dường như Ukraine đã tìm ra điểm yếu của loại khí tài này.

Ukraine tìm ra cách khắc chế sát thủ vô hình của Nga - 1

Hai xe chiến đấu BTR của Nga được trang bị thiết bị gây nhiễu RP-377 ở thân trên (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Ngành công nghiệp Nga đã phát triển RP-377 để cản trở liên lạc vô tuyến của binh sĩ Ukraine và máy bay không người lái (UAV) góc nhìn thứ nhất được điều khiển bằng sóng vô tuyến.

RP-377 là loại máy gây nhiễu di động của Nga, ban đầu được thiết kế để chặn các tín hiệu kích nổ được gửi đi qua sóng vô tuyến, từ đó bảo vệ bộ binh và phương tiện khỏi các thiết bị nổ tự chế.

Tuy nhiên, RP-377 chỉ có phạm vi gây nhiễu rất ngắn. Điều này giúp giải thích tại sao các phi công điều khiển UAV của Ukraine vẫn có thể tấn công các phương tiện lắp RP-377, theo cây bút David Axe của Forbes.

Axe chỉ ra rằng hiện có rất nhiều video UAV Ukraine làm nổ tung các phương tiện của Nga có lắp đặt RP-377. Trong một video, UAV của Ukraine đã hạ gục xe chở lính của Nga sau khi bắn trúng RP-377 trên thân xe.

Điều này không có nghĩa RP-377 không hiệu quả. "Tôi đã nhìn thấy ảnh phổ của nó", Serhii Beskrestnov - chuyên gia về UAV của Ukraine - viết trên mạng xã hội về RP-377. "Hoạt động gây nhiễu rất chất lượng".

Nhưng RP-377 có lẽ đã được cài đặt để gây nhiễu dải tần rộng nhằm bao phủ tất cả các tần số khác nhau mà UAV của Ukraine có thể sử dụng.

"Cái giá phải trả là phạm vi bảo vệ nhỏ", ông Beskrestnov giải thích. "RP-377 thường là hệ thống nhỏ như chiếc balô. Nó lấy năng lượng từ ắc-quy di động chứ không phải từ động cơ xe. Vì thế, khi cố gắng gây nhiễu nhiều tần số - một chế độ hoạt động rất ngốn điện - RP-377 sẽ hy sinh phạm vi".

Với tay nghề cao, phi công UAV cảm tử có thể nhắm mục tiêu vào xe bọc thép của Nga và để đà lao giúp máy bay không người lái bắn trúng ngay cả khi tín hiệu điều khiển vô tuyến bị ngắt trong vài giây cuối cùng.

Nói cách khác, một chiếc UAV góc nhìn thứ nhất của Ukraine có thể bị mù khi lao về phía mục tiêu. Nhưng nó sẽ bị mù khi đã ở trong quỹ đạo có thể mang đến cú đánh làm tê liệt xe bọc thép.

Ukraine tìm ra cách khắc chế sát thủ vô hình của Nga - 2

Quân nhân Ukraine học lái máy bay không người lái tại Lviv vào tháng 5 (Ảnh: Getty).

Như vậy, RP-377 hoạt động hiệu quả nhưng không đủ xa. Phạm vi gây nhiễu của loại máy gây nhiễu này có lẽ chỉ là vài chục mét, theo cây bút Axe.

Đây là điểm yếu trong năng lực gây nhiễu của Nga mà phi công UAV Ukraine dường như đang tận dụng khi điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất xuyên qua vùng nhiễu điện từ.

Dù vậy, ông Axe cho rằng lợi thế của Ukraine có lẽ sẽ không kéo dài mãi.

Nguyên nhân là quân đội Nga đang lắp đặt ngày càng nhiều thiết bị gây nhiễu Volnorez chuyên dụng hơn cho các phương tiện chiến đấu. Máy Volnorez được cho là có thể hoạt động ở phạm vi 800m.

Vũ khí tác chiến điện tử thường được gọi là "sát thủ vô hình" vì đây là các khí tài quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ.

Loại vũ khí này có vai trò quan trọng đặc biệt trên chiến trường Ukraine, nơi quân đội của cả 2 bên đều tăng cường sử dụng UAV để trinh sát và tấn công đối phương.

Đặc biệt, Ukraine đã sử dụng rộng rãi FPV - máy bay không người lái có góc nhìn thứ nhất - kể từ những ngày đầu tiên của cuộc xung đột. Chiến thuật này sau đó đã được quân đội Moscow áp dụng.

Theo Forbes, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine