DNews

Ukraine - tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm vào Nga

Đại tá Lê Thế Mẫu

(Dân trí) - Nguyên nhân có ý nghĩa quyết định việc Hội nghị thượng đỉnh NATO không xác định thời điểm kết nạp Ukraine do quốc gia này là tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm vào Nga.

Ukraine - tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm vào Nga

Nga đối mặt với cuộc chiến phức hợp toàn diện

Nếu kết nạp Ukraine khi cuộc chiến này chưa kết thúc, NATO sẽ phải đối đầu trực tiếp với Nga mà hậu quả không thể tránh khỏi là cuộc chiến tranh hạt nhân với sức tàn phá không thể lường trước được đối với tất cả các bên.

Phát biểu tại một diễn đàn chính sách quốc tế ở thành phố Sochi năm 2018, ông chủ Điện Kremlin cho hay: "Kẻ gây hấn nên biết rằng hành động trả đũa là điều không thể tránh khỏi. Khi chúng tôi thấy một cuộc tấn công sắp diễn ra nhằm vào lãnh thổ Nga, chúng tôi sẽ đáp trả".

Ông Putin thừa nhận đó sẽ là thảm họa toàn cầu (khi Nga đáp trả bằng vũ khí hạt nhân) nhưng nhấn mạnh Moscow không phải là bên gây sự. "Chúng tôi sẽ là nạn nhân của hành động xâm lược và đến thiên đường như những người tử vì đạo. Nhưng những kẻ thực hiện vụ tấn công trước (bằng vũ khí hạt nhân) cũng chỉ có chết mà không kịp trăng trối", Tổng thống Nga cho hay.

Sergey Glazyev, cựu cố vấn của Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, cuộc chiến tranh thế giới phức hợp mà nước Nga đang phải đối mặt sau Chiến tranh Lạnh diễn ra trên nhiều chiến tuyến.

Trên chiến tuyến quân sự, Mỹ tiếp tục mở rộng NATO và đưa căn cứ quân sự áp sát biên giới Nga; đơn phương rút khỏi Hiệp ước Xô-Mỹ về phòng thủ tên lửa để xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa ở Châu Âu và Đông Bắc Á; gây ra cuộc chiến tranh li khai ở Cộng hòa Chechnya trong những năm 1990; thúc đẩy Gruzia gây chiến tranh với Nga trong năm 2008; đối đầu với Nga trong cuộc chiến ở Syria; ngăn cản Nga hợp tác quân sự với các đối tác…

Ukraine - tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm vào Nga - 1
Những kẻ thực hiện vụ tấn công trước (bằng vũ khí hạt nhân) cũng chỉ có chết mà không kịp trăng trối".
Tổng thống Nga V.Putin

Trên chiến tuyến chính trị, Mỹ đứng đằng sau kích động các cuộc "cách mạng màu" trong không gian hậu Xô Viết để loại bỏ ảnh hưởng của Nga và sử dụng các tổ chức phi chính phủ để tài trợ các lực lượng đối lập và "đội quân thứ năm" ở Nga mưu toan gây bất ổn chính trị và kinh tế - xã hội.

Trên chiến tuyến kinh tế, lợi dụng quá trình tư nhân hóa ồ ạt của Nga sau khi Liên Xô tan rã, hàng loạt các tập đoàn kinh tế của Mỹ và Phương Tây "đổ bộ" vào Nga để giành quyền kiểm soát các lĩnh vực kinh tế then chốt.

Trên chiến tuyến tư tưởng - tâm lý, Mỹ đứng đầu Phương Tây tiến hành chiến dịch bài Nga trên phạm vi toàn thế giới.  

Ukraine - tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp

Trong giai đoạn mới của cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm vào Nga, Mỹ chọn Ukraine là trọng điểm xuất phát từ tư duy địa chính trị của các thế lực cầm quyền ở Phương Tây cho rằng để làm tan rã nước Nga, cần phải biến Ukraine thành quốc gia thù địch với Nga.

Sau cuộc đảo chính trong tháng 2/2014, Mỹ được cho là đã dựng lên ở Kiev chính quyền thân Mỹ và sử dụng lực lượng này tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga.

Đến nay, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine dường như đã trở thành tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp của Phương Tây tập thể do Mỹ đứng đầu nhằm vào Nga. Theo giới phân tích, đây là cuộc chiến tranh thế giới, căn cứ vào ba tiêu chí: mục tiêu của cuộc chiến, các bên tham chiến và phương thức tác chiến.

Ukraine - tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm vào Nga - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden chào đón người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ở Washington, tháng 12/2022 (Ảnh: AP).

Về mục tiêu của cuộc chiến, lãnh đạo của Mỹ và NATO công khai tuyên bố sẽ làm Nga phải chịu "thất bại chiến lược", nghĩa là làm cho nước Nga tan rã và tiến tới xóa sổ vĩnh viễn nước Nga khỏi bản đồ thế giới bởi Nga là cản trở lớn nhất đối với tham vọng của Mỹ giành quyền lãnh đạo "trật tự thế giới dựa trên luật lệ" do Washington kiểm soát.

Còn với Nga, cuộc chiến Ukraine sẽ chấm dứt sự thống trị thế giới của Mỹ và sẽ dẫn tới trật tự thế giới. Như vậy, Ukraine là tâm điểm của cuộc chiến giữa hai trật tự thế giới.

Về các bên tham chiến, so với số quốc gia tham chiến trong Thế chiến I là khoảng 20, trong Thế chiến II khoảng 30, thì tham chiến trong cuộc chiến tranh thế giới phức hợp hiện nay về phía Mỹ có ít nhất có 50 quốc gia, bao gồm tất cả 31 quốc gia thành viên NATO và 27 quốc gia thành viên EU cùng một số đồng minh và đối tác của Mỹ ở Châu Á.

Về phía Nga, tuy số quốc gia chính thức ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt chỉ có 5 thành viên, nhưng đa số các quốc gia trên thế giới không tham gia các biện pháp cấm vận Nga, trước hết là hai cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ cùng với hầu hết các nước Châu Phi-Trung Đông và Mỹ Latinh.

Về phương thức tác chiến, Mỹ đứng đầu 31 thành viên NATO cung cấp cho Ukraine tin tức tình báo, đội quân đánh thuê, cố vấn quân sự, đào tạo nhân lực, viện trợ vũ khí để Kiev tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga.

Trong lĩnh vực kinh tế, Mỹ và các đồng minh và đối tác áp đặt gần 15.000 biện pháp cấm vận với toan tính làm sụp đổ nền kinh tế - xã hội và chính trị của Nga.

Trong lĩnh vực ngoại giao, Mỹ đứng đầu Phương Tây thao túng diễn đàn Liên hợp quốc để cô lập Nga; trục xuất 600 nhà ngoại giao Nga, gây khó khăn nghiêm trọng đối với hoạt động đối ngoại của Moscow.

 Trong lĩnh vực thông tin, chỉ tính trong năm 2022, Mỹ và NATO tiến hành 911.000 cuộc tấn công tin tặc nhằm vào Nga. Trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, Phương Tây ra sức tẩy chay văn hóa Nga, cấm sử dụng tiếng Nga, cấm các vận động viên của Nga tham dự các lễ hội thể thao quốc tế...

Ukraine - tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm vào Nga - 3

Mỹ và phương Tây đã và đang cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hiện đại, trong đó có xe tăng Leopard 2 (Ảnh: Wikipedia).

 Mỹ và Phương Tây vẫn chưa đạt được mục tiêu hạ gục Nga

Đến nay, về cơ bản, cuộc chiến tranh thế giới phức hợp của Mỹ và Phương Tây nhằm vào Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu hạ gục Nga.

Theo tính toán của Mỹ và các nước Phương Tây, nền kinh tế Nga sẽ nhanh chóng sụp đổ trước hàng ngàn biện pháp cấm vận, nhưng trên thực tế nước Nga vẫn tiếp tục phát triển bền vững và được xếp vào 10 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Trên mặt trận Ukraine, mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên Nga đang từng bước hoàn thành các mục tiêu đề ra của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Theo Tổng thống V.Putin, mặc cho Phương Tây đang ra sức duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo thì một kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới đang đến gần.

Theo nhận định của Dmitry Suslov - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hệ thống về Châu Âu và quan hệ quốc tế, cuộc chiến tranh thế giới phức hợp giữa Phương Tây và Nga sẽ là cuộc chiến lâu dài và sẽ vẫn tiếp diễn sau khi cuộc xung đột nóng ở Ukraine kết thúc.

Cựu thủ tướng Anh Toni Blair từng nói: "Cuộc chiến Ukraine chứng tỏ, sự thống trị của Phương Tây sắp kết thúc trong một ngã rẽ quan trọng nhất trong nhiều thế kỷ".

Mark Leonard, Giám đốc Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại nhận định: "Cuộc chiến Ukraine chứng tỏ, kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo sắp kết thúc".

Christopher Layne, Giám đốc tình báo và an ninh quốc gia tại George Bush School of Government cho rằng: "Quyền thống trị thế giới của châu Âu đang tới hồi kết".

Ukraine - tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm vào Nga - 4
Cuộc chiến Ukraine chứng tỏ, sự thống trị của Phương Tây sắp kết thúc trong một ngã rẽ quan trọng nhất trong nhiều thế kỷ".
Cựu thủ tướng Anh Toni Blair
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine