1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Đức nêu kịch bản Nga kết thúc cuộc chiến ở Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đồng thời nói rằng Berlin sẽ không ngừng nỗ lực ủng hộ Kiev.

Thủ tướng Đức nêu kịch bản Nga kết thúc cuộc chiến ở Ukraine - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Getty).

"Chiến tranh ở Ukraine kết thúc vào thời điểm Tổng thống (Nga) (Vladimir) Putin quyết định rút quân. Tuy nhiên, ông ấy sẽ chỉ đưa ra quyết định đó nếu nhận ra rằng mình không thể giành chiến thắng trên chiến trường", Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại cuộc gặp của các nhà dân chủ xã hội châu Âu ở Bucharest, Hungary hôm 6/4.

Ông Scholz cho rằng sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine là "chìa khóa để khôi phục hòa bình" ở châu Âu.

"Chúng tôi vẫn sẽ hỗ trợ họ chừng nào sự hỗ trợ đó còn cần thiết", nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh.

Thủ tướng Scholz cho biết cách tốt nhất để ngăn chặn bất kỳ sự leo thang nào, bao gồm một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga và NATO, là sự răn đe hiệu quả.

"Vì vậy, chúng tôi đang cùng nhau đầu tư nhiều hơn vào an ninh và quốc phòng để không ai có thể tấn công chúng tôi", ông Scholz nói, đồng thời kêu gọi xây dựng "một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu mạnh mẽ và thực chất".

Trước đó, Thủ tướng Scholz ngày 28/3 tiết lộ, một số quốc gia, trong đó có Ukraine, đang thảo luận ở cấp cố vấn an ninh về các điều kiện có thể dẫn đến hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, "hòa bình có thể đạt được bất cứ lúc nào" nếu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Nga nhiều lần khẳng định để ngỏ đàm phán với Ukraine với điều kiện Kiev thừa nhận tình hình thực tế, nói cách khác là thừa nhận sự kiểm soát của Nga đối với một số vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 10/2022 đã ký ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC tuần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông tin tưởng rằng NATO sẽ đồng ý một thỏa thuận viện trợ dài hạn cho Ukraine vào tháng 7, trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Washington.

"Ông Stoltenberg tin tưởng sẽ đạt được một thỏa thuận vào tháng 7, mặc dù một số quốc gia bày tỏ sự do dự trong tuần này", BBC đưa tin.

Theo các nguồn tin, ông Stoltenberg đã cố gắng thuyết phục các nước khác cam kết chi nhiều hơn cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine trong những ngày gần đây với hy vọng có thể thành lập quỹ 100 tỷ euro (107 tỷ USD) trong 5 năm.

Tổng thư ký NATO nhận định sự hỗ trợ lâu dài hiện nay rất quan trọng và sẽ góp phần tái thiết đất nước Ukraine sau cuộc xung đột.

"Ngay cả khi chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng chiến tranh sẽ kết thúc trong tương lai gần, chúng ta vẫn cần hỗ trợ Ukraine trong nhiều năm để xây dựng hệ thống phòng thủ của họ nhằm ngăn chặn cuộc tấn công trong tương lai", ông Stoltenberg nói thêm.

Ông Stoltenberg cho rằng hỗ trợ quân sự đóng vai trò rất quan trọng để đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Ukraine và buộc Moscow phải từ bỏ mục tiêu. Ông cũng cho rằng Ukraine cuối cùng có thể sẽ phải nhượng bộ.

"Cuối cùng, Ukraine phải là bên quyết định những loại thỏa hiệp nào họ sẵn sàng thực hiện, chúng ta cần tạo điều kiện để giúp họ thực sự đạt được kết quả có thể chấp nhận được trên bàn đàm phán", ông nói.

Cho đến nay, NATO tập trung vào viện trợ phi sát thương cho Ukraine vì lo ngại rằng vai trò trực tiếp hơn có thể gây ra căng thẳng leo thang với Nga. Các thành viên của tổ chức này đã cung cấp hàng tỷ USD vũ khí trên cơ sở song phương.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết ngày càng có quan điểm trong NATO rằng đã đến lúc phải đưa viện trợ quân sự cho Ukraine trên một nền tảng bền vững hơn và NATO là nơi tốt nhất để làm điều đó.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 2/4 cho biết, NATO đang xem xét các biện pháp có thể coi là "cây cầu cần thiết" đưa Ukraine trở thành thành viên liên minh. Đến nay, NATO vẫn khẳng định, Ukraine không thể gia nhập khối khi xung đột chưa kết thúc, nhưng chắc chắn sẽ trở thành thành viên vào một thời điểm nào đó.

Theo Ukrinform