1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Obama: Người đàn ông nửa tỷ đô?

(Dân trí) - Barack Obama có giá 500 triệu USD? Đảng Dân chủ của ông đang dồn hết hi vọng để đánh cược ông sẽ mang về chừng đó, nếu chưa muốn nói là nhiều hơn.

Là bộ mặt của Đảng Dân chủ, Obama đang phải chịu trách nhiệm gây quỹ cho cả chiến dịch tranh cử của riêng mình và Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC), với tổng số tiền ước tính là 450 triệu USD. Ngoài ra, ông cũng đã cam kết sẽ giúp bà Hillary Clinton trả số nợ được cho là 20 triệu USD trong chiến dịch tranh cử thất bại của bà. Hơn nữa, phe Dân chủ trong quốc hội cũng hi vọng ảnh hưởng của Obama sẽ mang về cho họ hàng chục triệu đô la nữa cho cuộc đua trong hạ viện.

 

Đây là những con số rất lớn đối với một người cách đây ba năm vẫn từng ngày phải trả món nợ từ thời sinh viên. Nhưng người “lính mới” trong nghị viện đã phá rất nhiều kỷ lục trong các cuộc bầu cử sơ bộ, gây quỹ được gần 300 triệu chỉ trong vòng 16 tháng. Nhưng thành công đó cũng khiến ông trở thành nạn nhân của chính mình. Bởi công chúng đã bị “tê dại” và “tê liệt” trước số tiền ông gây quỹ được và họ trở nên “câm nín” trước công cuộc lôi kéo dân chúng tham gia góp sức cho Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới. Có lẽ công chúng đã hoài nghi không biết liệu thêm 25 USD của họ có phải như muối bỏ bể so với 500 triệu USD hay không.

 

Các nhà tài trợ, đặc biệt là phía đảng Dân chủ, có vẻ như đang “giảm nhiệt” dần. Hơn 1,04 tỷ USD là số tiền gây quỹ cho 24 ứng viên tổng thống trong suốt cuộc bầu cử sơ bộ ở cả hai đảng. Trong số đó, 651,2 triệu USD được quyên cho các ứng cử viên đảng Dân chủ; 390,4 triệu USD cho các ứng viên đảng Cộng hòa.

 

Cảm nhận được sự mệt mỏi của các nhà tài trợ, Obama đã giảm “nhịp” gửi thư kêu gọi cho các nhà tài trợ xuống còn 1 tuần một lần, thay vì nhiều lần trong một tuần như trong thời điểm đỉnh cao của cuộc bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, Obama cần phải giữ vững “nhịp”: quan trọng là ông phải lặp lại được chiến thắng như trong cuộc bầu cử sơ bộ, gây quỹ thêm được hơn 50% nữa trong vòng ¼ thời gian so với cuộc bầu cử sơ bộ.

 

“Đây là một nhiệm vụ lớn đối với chúng tôi”, một nhà tài trợ hàng đầu của Obama cho biết. “Tôi sẽ không cho đó là mối lo ngại, nhưng mọi người đều nhận thấy tầm cỡ của mức mà chúng tôi đang cố gắng đạt được. Tất cả mọi người trước mắt đều đang tập trung cao độ cho nhiệm vụ này”.

 

Đó cũng là lý do vì sao việc đoàn kết nội bộ đảng, đưa những nhà tài trợ của bà Clinton vào một mối, là điều tối quan trọng. Thậm chí nếu những nhà tài trợ của bà không sẵn sàng tài trợ cho Obama số tiền tối đa là 2.300 USD, họ vẫn có thể giúp đỡ nhiều thứ khác. Theo một chiến lược gia đảng Dân chủ, một người thân cận với cỗ máy gây quỹ của bà Clinton, “cùng một lúc, người của bà Hillary, những nhà tài trợ lâu năm của đảng, các cơ quan đoàn thể, họ sẽ sẵn sàng chi tiền”. Rất nhiều người chưa tài trợ cho DNC, hay Ủy ban thượng viện Ủy ban tranh cử Hạ viện của đảng Dân chủ, 2 ủy ban quyên tiền hỗ trợ cho các ứng viên đảng Dân chủ. Mỗi nhà tài trợ có thể bỏ ra số tiền lên tới 28.000 USD cho DNC và 28.500 USD cho mỗi ủy ban trên, miễn là tổng số không vượt quá 65.500 USD.

 

Trong khi đó phía đảng Cộng hòa không tập trung nhiều vào các cuộc đua ở các nghị viện. Mặc dù họ có rất nhiều ghế “nguy hiểm”, hơn 10 ghế trong Thượng viện và 30 trong Hạ viện, nhưng các ủy ban của họ trong thượng viện và hạ viện gây được quỹ ít hơn so với đảng Dân chủ là 1/3. Vì vậy trong khi các nhà tài trợ cho đảng Dân chủ có rất nhiều lựa chọn cho “hầu bao” của mình, thì những người gây quỹ cho đảng Cộng hòa lại chỉ tập trung nhiều vào cuộc đua vào Nhà Trắng. “Điểu yếu của chúng tôi là các ủy ban Thượng viện và Hạ viện. Nhưng trên cuộc đua giành ghế tổng thống, chúng tôi có cơ hội”, chiến lược gia đảng Cộng hòa Brad Blakeman cho biết.

 

Năm 1971, chính phủ Mỹ sáng lập một quỹ công (ngoài 4 nguồn quỹ như: cá nhân công dân trực tiếp quyên góp tiền; các đảng chính trị của họ; các nhóm lợi ích, thường thông qua các ủy ban hành động chính trị (PACs); và các nguồn của cá nhân hoặc gia đình họ) để các công dân tự nguyện đóng góp tiền cho các chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống thông qua thuế thu nhập. Ứng viên chấp nhận quỹ công này phải chấp nhận một giới hạn chi tiêu và không được phép gây quỹ hay tiêu quỹ cá nhân khi được đảng đề cử. Cả Tổng thống Bush và Thượng nghị sĩ Kerry, cũng giống như các ứng viên tổng thống chính khác kể từ khi quỹ được thực hiện năm 1976, đã lựa chọn sử dụng hệ thống này. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2004, giới hạn chi tiêu của mỗi người là 76 triệu USD.

John McCain không phải là người gây quỹ hàng đầu khi cuộc đua của đảng Cộng hòa đang ở thời điểm gay cấn, và khả năng thu hút tiền cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới của ông cũng không được mong đợi nhiều. Nhưng kể từ khi lựa chọn gây quỹ trong dân chúng (quỹ công), tình hình tài chính của ông đã khá lên nhiều, không trở nên cấp thiết như với Obama. “McCain chỉ phải gây quỹ qua hội nghị toàn quốc của đảng Cộng hòa vào tháng 8 tới và sau đó ông ấy sẽ “khóa” sổ cho đến ngày bầu cử”, Blakeman cho biết. “Nhưng Obama không những phải nêu rõ quan điểm đường lối chính trị của mình mà còn phải gây quỹ từng ngày trong suốt 4 tháng tới”.

 

Chấp nhận cách gây quỹ công, McCain chỉ được nhận số tiền gây quỹ đến con số 85 triệu USD, sau đó là Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) vào cuộc. Theo ủy ban bầu cử Liên bang Mỹ, năm nay RNC đã có gấp đôi số quỹ gây được của đối thủ đảng Dân chủ. Tính đến ngày 24/6 RNC đã mang về 167,7 triệu USD. Và nếu cộng cả số tiền của chiến dịch tranh cử của McCain và RNC, tổng cộng họ đã có 95 triệu tiền mặt trong tay (tính đến cuối tháng 6), trong khi Obama và DNC mới chỉ có 40 triệu USD tiền mặt trong tay. Rick Davis, giám đốc chiến dịch tranh cử của McCain cho biết: “Chúng tôi đang nhìn tới số ngân quỹ tổng cộng là hơn 400 triệu USD. Và tôi nghĩ đó chỉ là một con số khá khiêm tốn.”

 

Số tiền gây quỹ của Obama lên tới đỉnh điểm vào hồi tháng 2, khi ông mang về một con số kỷ lục 55 triệu USD cho một tháng. Kể từ số, các con số đó giảm dần: 41 triệu USD vào tháng 3 và 31 triệu USD vào tháng 4, 22 triệu USD vào tháng 5 (trong khi con số tốt nhất mà McCain có là 22 triệu vào tháng 6 vừa qua). Lẽ tự nhiên, sau các cuộc bầu cử sơ bộ số tiền quyên góp dần giảm xuống. Với giá dầu thô, khí đốt tăng chóng mặt, một số nhà tài trợ có cảm giác Obama không cần đến số tiền ít ỏi chỉ có 25 đô của họ cho biển 500 triệu đô quá lớn. “Một điều chúng tôi thấy hơi lo ngại là một số người không nhận ra rằng tình hình rất cấp thiết”, Karen Finney, giám đốc truyền thông của DNC cho biết. “Thượng nghị sỹ McCain là một ứng viên rất lớn”.

 

Chiến dịch tranh của của Obama đã bắt đầu nhấn mạnh sự khẩn thiết ấy. Trong một đoạn băng ghi hình gửi tới các nhà tài trợ vào hôm thứ hai vừa qua, giám đốc chiến dịch tranh cử của Obama David Plouffe đã cảnh báo chiến dịch tranh cử của McCain đã chi nhiều hơn cho chiến dịch quảng cáo trên truyền hình kể từ tháng tư. “Giờ chúng ta đang ở vị thế mà cả McCain và RNC có 96 triệu USD trong nhà băng”, Plouffe cho biết.

 

Theo đánh giá của các nhà phân tích, Obama chưa bao giờ làm phép thử về nỗi lo sợ trong chính mạng lưới của mình: đó là lo sợ về một "nhiệm kỳ thứ ba" của ông Bush, về tương lai đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm giữ Nhà Trắng, về thất bại. Những nhà phê bình cũng băn khoăn, nếu hi vọng có thể mang lại cho Obama 300 triệu USD, thì liệu nỗi lo sợ có thể mang về thêm 200 triệu nữa hay không?

 

Phan Anh

Theo Time