1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những toan tính đằng sau căng thẳng Nga-Ukraine ở eo biển Kerch

(Dân trí) - Giới quan sát cảnh báo, căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở eo biển Kerch sau vụ việc bắt giữ tàu hải quân và thủy thủ cuối tuần qua có thể leo thang thành một cuộc xung đột nguy hiểm, kéo nhiều bên vào cuộc với những toan tính riêng.

Cận cảnh màn rượt đuổi của tàu chiến Nga và Ukraine

Biển Azov nối liền với Biển Đen qua eo biển Kerch đã trở thành điểm nóng căng thẳng giữa Nga và Ukraine sau khi lực lượng tuần tra Nga sáng 25/11 nổ súng, bắt giữ các tàu hải quân và thủy thủ của Kiev bị cáo buộc vi phạm lãnh hải.

Căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Nga tuyên bố sẽ giam giữ thủy thủ của Ukraine trong 2 tháng để chờ xét xử. Moscow cũng cảnh báo Kiev sẽ phải hứng “hậu quả nặng nề” nếu có các hành động “khiêu khích” tương tự.

Đáp lại, Ukraine cũng ban bố lệnh thiết quân luật trong vòng 30 ngày và kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự.

Quan hệ Nga-Ukraine vốn không êm đềm kể từ sau sự kiện Nga cho phép bán đảo Crimea sáp nhập vào lãnh thổ hồi tháng 3/2014 và cho rằng quyết định là chính đáng dựa trên cuộc trưng cầu dân ý tự nguyện ở Crimea. Tuy nhiên, đụng độ cuối tuần qua xảy ra vào thời điểm nhạy cảm mà giới quan sát cho rằng các bên đều đang có những toan tính riêng.

“Một vụ dàn dựng” trước bầu cử Ukraine?

Tại diễn đàn kêu gọi đầu tư diễn ra hôm qua 28/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc việc các tàu Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga là một vụ được dàn xếp trước của người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko. “Đây là hành động khiêu khích và được Tổng thống Ukraine dàn xếp trước cuộc bầu cử. Ông ấy đang đứng thứ 5 trong danh sách các ứng viên của cuộc bầu cử nên buộc phải làm điều gì đó. Nó cũng là cái cớ để áp đặt thiết quân luật", Reuters dẫn lời Tổng thống Putin.


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Ukraine Poroshenko đưa ra đề xuất thiết quân luật ngay sau vụ chạm trán ở eo biển Kerch. Ông Poroshenko cho rằng, đây là động thái cần thiết để đảm bảo an ninh cho Ukraine trong bối cảnh Nga tăng cường lực lượng quân sự giáp biên giới Ukraine và rằng Ukraine đang đối mặt với nguy cơ một cuộc "chiến tranh toàn diện" với Nga.

Tuy nhiên, Guardian dẫn nhận định của các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Belfer thuộc Đại học Harvard nói rằng, Nga thực tế đã bắt đầu triển khai các đơn vị quân đội gần Ukraine hơn từ cách đây 4 năm. Việc Nga mở rộng hiện diện quân sự sát sườn Ukraine do đó không phải là một vấn đề mới mẻ.

Chuyên gia về nghiên cứu quốc tế của Nga, ông Aleksey Martynov nhận định, vin vào căng thẳng ở eo biển Kerch, ông Poroshenko có thể sẽ cố gắng mở rộng và kéo dài tình trạng chiến sự ở một số vùng của đất nước nhằm trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine vào đầu năm sau - cuộc bầu cử mà triển vọng dành cho ông Poroshenko không nhiều.

Một số chuyên gia khác cho rằng, ông Poroshenko đang cố gắng để có được sự đồng cảm của phương Tây trước hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Argentina cuối tuần này, và thậm chí phá vỡ kế hoạch hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nghi vấn động cơ của phương Tây


Biển Azov nối liền với biển Đen qua eo biển Kerch được coi là vùng biển chiến lược. (Ảnh: Sputnik)

Biển Azov nối liền với biển Đen qua eo biển Kerch được coi là vùng biển chiến lược. (Ảnh: Sputnik)

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở eo biển Kerch cũng làm dấy lên những nghi vấn về động cơ của các nước phương Tây khi nhiều chuyên gia cho rằng xung đột này thậm chí có thể kéo các nước phương Tây can thiệp trực tiếp, hơn là chỉ đơn thuần tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev để đối phó Moscow.

NATO đã lập tức lên tiếng ủng hộ Ukraine ngay sau khi Nga tuyên bố bắt giữ 3 tàu hải quân và 24 thủy thủ Ukraine bị cáo buộc vi phạm lãnh hải ở eo biển Kerch.

“Nga đã sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Ukraine một cách công khai và trực tiếp. Tất cả đồng minh NATO đều bày tỏ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Không có bất kỳ lý lẽ nào bào chữa cho việc sử dụng sức mạnh quân sự chống lại tàu và thủy thủ Ukraine”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một phiên họp khẩn của NATO.

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ NATO ngay lập tức lên tiếng bởi lo ngại căng thẳng leo thang ở Kerch có thể cản trở hoạt động lưu thông của các tàu quân sự NATO qua biển Azov - vùng biển do cả Nga và Ukraine kiểm soát. Mặt khác, việc bênh vực Ukraine cũng có thể nằm trong toan tính của NATO để “rộng đường” lập một căn cứ hải quân ở biển Azov nhằm đối phó Nga.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cho là phản ứng quá “mềm mỏng”. Tổng thống Trump cho biết, ông “không thích chuyện xảy ra hiện nay giữa Nga và Ukraine” và rằng ông “quan ngại việc Nga bắt giữ tàu và thủy thủ Ukraine”. Đến nay, Mỹ từ chối đáp ứng lời kêu gọi của châu Âu nhằm siết trừng phạt Nga, cũng như không có phản hồi với lời kêu gọi hỗ trợ quân sự của Ukraine.

Chiến lược của Nga

Tổng thống Putin lần đầu lên tiếng về căng thẳng với Ukraine

Các chuyên gia đã đưa ra những nhận định khác nhau về động cơ thực sự của Nga trong căng thẳng lần này với Ukraine. Các chuyên gia phương Tây cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như có ý định cản trở hoạt động lưu thông đến biển Azov và việc tiếp cận các cảng thương mại phía đông của Ukraine, qua đó làm suy yếu kinh tế của Ukraine.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, Nga quyết thẳng tay với Ukraine trong vụ chạm trán ở eo biển Kerch là cách Moscow phản ứng với kế hoạch của Ukraine xây căn cứ hải quân mới ở biển Azov. Nếu vậy, đó sẽ là một phần trong chiến lược dài hạn của Nga nhằm đẩy NATO khỏi khu vực Biển Đen. Hay nói cách khác, việc Nga “thẳng tay” với Ukraine trong vụ đối đầu ở Kerch có thể coi là lời cảnh báo của Moscow với phương Tây và là một phần trong chiến lược của Nga nhằm tăng tầm ảnh hưởng ở Biển Đen.

Kể từ năm 2014 sau khi nhận sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ, Nga cũng bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự ổ Biển Đen. Hạm đội Biển Đen của Nga đã liên tục được nâng cấp, hiện đại hóa. Nga cũng tạo ra mối liên kết hàng hải giữa căn cứ quân sự Sevastopol ở Crimea với các căn cứ ở Novorossiysk trên Biển Đen.

Minh Phương

Theo Guardian, Washington Post