PhotoStory

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế

Thực hiện: An Bình

(Dân trí) - Với giá thu mua cao ổn định ở mức 35 USD/kg và cầu luôn vượt cung, cua hoàng đế (king crab) mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân ở miền bắc Na Uy.

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế - 1

Ngư dân Bjørn Ronald Johannessen điều khiển tàu ra khơi đánh bắt cua hoàng đế (Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy).

Đứng trên thuyền, ngư dân Bjørn Ronald Johannessen kiểm tra lại đồ nghề để chuẩn bị ra khơi để đánh bắt cua hoàng đế. Vào những ngày cuối tháng 7 ở Honningsvag, một thành phố thuộc vùng Finnmark ở cực bắc Na Uy, tiết trời khá ấm áp, gió nhẹ, biển lặng. Đây là điều kiện thời tiết thuận lợi, hứa hẹn ngày ra khơi khả quan của anh Bjørn.

"Mỗi năm, chúng tôi có giới hạn đánh bắt. Tôi chỉ được phép đặt 30 bẫy và đánh bắt tối đa 2 tấn cua hoàng đế một năm", Bjørn nói. 

Đánh bắt hải sản đã trở thành ngành quan trọng hàng đầu đối với Honningsvag. Đây là một trong những thành phố cực bắc trên thế giới có vị trí rất gần với ngư trường tốt nhất của biển Barents, nơi sinh sống lý tưởng của cua hoàng đế. Thành phố có khoảng 2.500 dân và nhiều người trong số họ là ngư dân như anh Bjørn hoặc làm việc tại các doanh nghiệp hải sản.

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế - 2

Bjørn mỉm cười trong khi đưa tàu của anh lại gần vị trí đặt phao bẫy cua ở phía xa xa (Ảnh: An Bình).

Cua hoàng đế, được biết tới là loài cua ăn được lớn nhất trên thế giới, có thể dài tới 1,5m, chỉ sống ở những vùng biển lạnh, trong khoảng 1-4⁰C, độ sâu khoảng 5-400m. Ban đầu, chúng chủ yếu sống ở biển Berings, giữa vùng Viễn Đông của Nga và Alaska của Mỹ. Vào những năm 1960, chúng được con người đưa tới vùng biển Barents và sinh sôi, tạo nên một ngành đánh bắt mới, rất có giá trị đối với quốc gia Bắc Âu này.

Làn nước trong và lạnh giá của Na Uy là điều kiện sinh sống hoàn hảo cho cua hoàng đế và các loài hải sản giá trị khác như cá tuyết. Trong 50 năm qua, loài cua này đã thiết lập một môi trường sống dọc theo bờ biển ở phía đông của vùng Finnmark, và trở thành nguồn tài nguyên vô giá cho quận cực bắc của Na Uy, nơi hoạt động đánh bắt thường diễn ra trên vùng biển bao quanh các ngôi làng nhỏ.

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế - 3

Bjørn từ từ kéo lên bẫy cua mà anh đặt 2 ngày trước (Ảnh: An Bình).

Chiều dài mai của một con cua hoàng đế trưởng thành có thể lên tới 23cm và nặng tới 8-9 kg. Thậm chí, ngư dân ở Honningsvag từng bắt được cua nặng trên 20kg. Cua hoàng đế có thể sống đến 20 tuổi. Những con cua kích cỡ lớn, hiện có số lượng có thể lên tới hàng triệu con, đã trở thành trung tâm của một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận cao.

Sản lượng đánh bắt cua tăng mạnh kể từ năm 2022 trở thành tin tốt cho ngư dân và nền kinh tế Na Uy. Năm 2022, Na Uy đã xuất 1.375 tấn cua hoàng đế, thu về 840,4 triệu knot (tương đương 84 triệu USD), tăng gấp nhiều lần so với con số 230.000 USD vào năm 1997. Giá cua hoàng đế cũng tăng qua các năm. Hiện nay, các ngư dân ở Honningsvag có thể bán cua đánh bắt của họ với giá khoảng 35 USD/kg cho các công ty xuất khẩu, vốn phân phối cua tới các nhà hàng và khách sạn khắp thế giới.

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế - 4

Mẻ đánh bắt cua mà anh Bjørn nói là "rất tuyệt" (Ảnh: An Bình).

Cua hoàng đế trong Vùng đặc quyền kinh tế của Na Uy được quản lý bởi chính quyền Na Uy. Hiện có khoảng 800 ngư dân đánh bắt cua hoàng đế tại Na Uy, hầu hết ở miền bắc, với tổng hạn ngạch cho năm 2023 là 2.375 tấn cua đực và 120 tấn cua cái. Hạn ngạch đánh bắt này được Tổng cục Hải sản trực thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy đưa ra hàng năm dựa trên khuyến nghị từ Viện Nghiên cứu Biển, nhằm đảm bảo tính phát triển bền vững của ngành đánh bắt thương mại.

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế

Mỗi ngư dân như anh Bjørn chỉ được phép đánh bắt 2 tấn cua hoàng đế mỗi năm. Ngư dân khi bán cua cho các công ty thu mua đều được ghi chép tỉ mỉ số liệu nhằm đảm bảo tuyệt đối việc khai thác không vượt hạn ngạch cho phép và phục vụ truy xuất nguồn gốc.

Anh Bjørn cho hay, thời gian lý tưởng để đánh bắt cua hoàng đế vào tháng 1. Khi đó, cua thậm chí bò lên cả bờ và anh chỉ việc lên bắt mà không cần thả bẫy như thường lệ. Nếu thuận lợi, anh không mất nhiều thời gian để đánh bắt đủ hạn ngạch, như năm ngoái, chỉ mất 2 tuần. Thời gian còn lại anh dành cho gia đình hoặc làm các công việc khác.

Khi tới gần vị trí đặt bẫy, Bjørn từ từ cho tàu chạy chậm lại. Anh rút phao và bắt đầu kéo lưới. Bẫy ở dưới vùng nước sâu và dường như khá nặng, đòi hỏi anh phải khéo léo kéo nó lên. Sau vài phút, Bjørn kéo lên cái bẫy nặng đầy cua hoàng đế nằm gọn bên trong, mà anh ước tính vào khoảng 70kg. "Đây là một mẻ lưới rất tuyệt", anh nói.

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế - 5

Bjørn giơ những con cua hoàng đế mà anh đánh bắt được (Ảnh: An Bình).

Khi đặt bẫy, Bjørn phải thả mồi, sử dụng một số loại cá như cá nục xanh, cá tuyết. Ngư dân thường thả bẫy ở các vùng biển sâu từ 70-80m và quay trở lại vào một, hai ngày sau đó để kiểm tra và thu hoạch cua. Khi kéo bẫy lên, họ chỉ được phép thu hoạch những con cua đạt yêu cầu về giới tính và độ lớn (kích cỡ mai cua tối thiểu là 13cm) và thả lại biển những con không đạt tiêu chuẩn.

Việc đánh bắt cua hoàng đế được quy định theo hạn ngạch dọc theo bờ biển phía đông của vùng Finnmark, xuôi về phía Nordkapp, nhằm đảm bảo tính bền vững. Phía tây Nordkapp không có hạn ngạch, để ngăn cua lan rộng hơn xuống phía nam, đe dọa các loài hải sản giá trị khác của Na Uy.

Bjørn cho hay anh phải hoàn toàn tự đầu tư các chi phí ban đầu, như mua tàu và các vật dụng, đồ nghề đánh bắt. Con tàu được trang bị hệ thống sonar cho phép quét các vùng biển nhằm xác định những địa điểm có thể có nhiều cua sinh sống, trước khi anh thực hiện đặt bẫy.

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế - 6

Những con cua hoàng được đánh bắt từ vùng biển lạnh của Na Uy (Ảnh: An Bình).

Với giá cua 35 USD/kg hiện nay, Bjørn cho biết, anh thu về khoảng 70.000 USD từ việc đánh bắt cua một năm, sau khi đã trừ 30% các khoản chi phí.

Với hàm lượng dinh dưỡng cao, cua hoàng đế ngày càng được ưa chuộng trong giới ẩm thực khắp thế giới. Loài cua này đã trở thành loại hải sản có giá trị xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cho các ngư dân ở Finnmark nói riêng về nền kinh tế Na Uy nói chung.

Vui mừng với mẻ cua lớn đánh bắt được, ngư dân Bjørn đưa cua về giao bán trực tiếp cho bên thu mua là Cape Fish tại cơ sở của công ty đặt ngay bên bờ biển Honningsvag. Từ đây, cua hoàng đế trải qua một quy trình vệ sinh và bảo quản trong các thùng chứa có nước biển sạch, nhiệt độ tương tự môi trường sống dưới biển của chúng nhằm đảm bảo có thể sống cho tới khi được vận chuyển tới điểm đến cuối cùng.

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế - 7

Những thùng đựng cua bên trong một cơ sở chế biến của công ty Cape Fish ở Honningsvag. Môi trường trong các thùng này tương đối giống môi trường dưới biển (Ảnh: An Bình).

Sau khi được thu mua, mỗi con cua đều được gắn mã chứa thông tin ngày và ngư dân đánh bắt. Cua sau đó được chuyển tới một khách sạn lớn hạng sang tại sân bay Oslo để bảo quản trong điều kiện tốt nhất nhằm giữ độ tươi ngon, trước khi được vận chuyển bằng máy bay đi xuất khẩu khắp thế giới.

Cua xuất khẩu phải đủ lớn theo một tiêu chuẩn nhất định và thường được vận chuyển tươi sống tới tay người tiêu dùng cuối trong tình trạng tốt giống khi được đánh bắt. Nó không được có vết thương, đổi màu hoặc trầy xước trên bất kỳ bộ phận nào của mai, hoặc thiếu mất bộ chân hoặc càng.

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế - 8

Anh Erlend Johnsen, giám đốc bán hàng của Cape Fish, giải thích về quy trình làm sạch và bảo quản cua trước khi đưa đi bán (Ảnh: An Bình).

Anh Erlend Johnsen, giám đốc bán hàng của Cape Fish, một trong những công ty xuất khẩu hải sản lớn nhất tại Finnmark với 6 xí nghiệp chế biến, cho hay ngư dân đánh bắt cua hoàng đế phải là người địa phương, có tên tuổi, địa chỉ cụ thể. Hạn ngạch đánh bắt là quyền lợi riêng dành cho người địa phương mà người vùng khác tới đây không thể có được. Đây cũng là một cách để ngành hải sản Na Uy duy trì sinh kế của các làng chài ven biển.

Theo anh Erlend, Na Uy có các tàu nghiên cứu để ước lượng có bao nhiêu cua hoàng đế hoặc các loài cá sinh sản mỗi năm, từ đó đưa ra hạn ngạch đánh bắt phù hợp hàng năm. Na Uy cũng có hệ thống quy định rất minh bạch và chặt chẽ để ngăn chặn nạn đánh bắt trái phép, ví dụ mỗi ngư dân phải có dữ liệu thống kê công khai để đảm bảo họ không đánh bắt vượt mức 2 tấn.

Mặc dù thu nhập tốt nhưng Bjørn nói nghề đánh bắt được xem là nguy hiểm khi thường xuyên phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bấp bênh, nước biển lạnh cóng. 

"Thời điểm thuận lợi nhất để đánh bắt cua vào tháng 1. Đó là thời điểm lạnh nhất trong năm, nước biển lạnh cóng. Ngư dân cũng có nguy cơ gặp phải các tai nạn lao động khi vận hành các dụng như thiết bị kéo, lưới", anh nói.

Ngư dân Na Uy làm giàu nhờ cua hoàng đế - 9

Một tác phẩm nghệ thuật hình lưỡi câu được đặt bên bờ biển như nêu bật tầm quan trọng của ngành đánh bắt hải sản đối với thành phố Honningsvag (An Bình).