1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ vạch chiến lược giúp Ukraine buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ muốn hỗ trợ Ukraine cầm cự đến 2025, trong thời gian đó, sẽ giúp Ukraine xây dựng năng lực phòng thủ mới để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán, nguồn tin của New York Times cho hay.

Mỹ vạch chiến lược giúp Ukraine buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa ở Bakhmut ở miền Đông (Ảnh: Kiyv Independent).

New York Times ngày 20/12 dẫn các nguồn tin quân đội Mỹ cho hay, Washington đang thúc đẩy một kế hoạch để có thể giúp Ukraine cầm cự trước chiến dịch quân sự của Nga đến năm 2025.

Chiến lược "giữ vững và xây dựng" này chủ trương thúc đẩy Ukraine tập trung vào việc nắm giữ lãnh thổ hiện có và xây dựng khả năng sản xuất vũ khí của riêng mình vào năm 2024.

Chiến lược có thể cho phép Ukraine tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trong nước vào năm tới để có thể chế tạo nhiều hơn máy bay không người lái, tên lửa. Theo giới quân sự Mỹ, với đủ vũ khí, quân đội Ukraine có thể buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán vào cuối năm 2024 hoặc trong năm 2025.

Họ phân tích, trong bối cảnh chiến dịch phản công không đạt được đột phá nào, Ukraine có rất ít cơ hội tiến quân trên bộ. Do vậy, mục tiêu sẽ là tạo ra đủ mối đe dọa đáng tin cậy bằng máy bay không người lái và tên lửa tầm xa để buộc Moscow chấp nhận đàm phán với những điều khoản tốt hơn cho Kiev.

Thông tin hiện chưa được xác thực. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 20/12 nói Washington đã có chiến lược rõ ràng cho tương lai của Ukraine.

"Chúng tôi có một kế hoạch rất rõ ràng để đảm bảo rằng Ukraine có thể tự đứng trên đôi chân của mình về mặt quân sự, kinh tế, dân chủ. Chúng ta phải giúp Ukraine vượt qua giai đoạn tiếp theo, vượt qua mùa đông này, vượt qua mùa xuân và mùa hè", Ngoại trưởng Blinken nói.

Ông cảnh báo nguồn viện trợ cho Kiev ngày càng khó khăn khi gói viện trợ mới đang bị đình trệ tại quốc hội. "Sự hỗ trợ mà chúng ta dành cho Ukraine đang cạn kiệt. Chúng ta cũng sắp hết thời gian", nhà ngoại giao Mỹ nói.

Trong bối cảnh nguồn viện trợ từ phương Tây có thể bị gián đoạn, Ukraine đã từng bước tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng, gia tăng chế tạo đạn dược, pháo tự hành, tên lửa, máy bay không người lái, xe bọc thép. Tuy nhiên, hiện chưa thể khẳng định được những nỗ lực đó có đủ để bù đắp hay không.

Các nhà sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của quân đội Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hồi tháng 2 năm ngoái.

Một số chuyên gia quân sự cảnh báo, nếu Mỹ cắt viện trợ và kéo theo việc các đồng minh phương Tây cũng hành động tương tự, Ukraine sẽ thua trận trước Nga.

Về phía Nga, giới chức này tuyên bố vẫn để ngỏ đàm phán với Ukraine nhằm chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ những nỗ lực tìm kiếm một công thức hòa bình cho Ukraine mà không có sự tham gia của Nga.

"Những nỗ lực đang được thực hiện nhằm tìm ra một công thức hòa bình mà không có sự tham gia của Nga. Quá trình này thực sự vô lý. Nghiêm túc mà nói, đây là một quá trình không có khả năng mang lại bất kỳ kết quả nào", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 20/12.

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine