1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ và Trung Quốc chạy đua công nghệ trí tuệ nhân tạo

Nguyên Long

(Dân trí) - Mỹ có thể gặp bất lợi về công nghệ nếu Trung Quốc đạt được các mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Mỹ và Trung Quốc chạy đua công nghệ trí tuệ nhân tạo - 1

Cuộc đua công nghệ AI giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt (Ảnh minh họa: National Defense).

Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt của Mỹ (SCSP) mới đây công bố báo cáo "Những thách thức giữa thập kỷ tới đối với năng lực cạnh tranh quốc gia", trong đó tập trung vào việc Mỹ với tư cách dẫn đầu về công nghệ, nhân tài và các ý tưởng lớn đang phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh lớn là Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Theo báo cáo, Trung Quốc đã và đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào 3 lĩnh vực có ưu thế về công nghệ là chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ 5G.
Ông Ylli Bajraktari - Giám đốc điều hành dự án cho biết, từ năm 2025 đến 2030 sẽ là giai đoạn quan trọng với Mỹ nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh về công nghệ bởi đây cũng là giai đoạn mà Trung Quốc triển khai và đặt mục tiêu hoàn thành nhiều kế hoạch quan trọng như dẫn đầu về công nghệ AI vào năm 2030. Trung Quốc hiện tập trung đầu tư vào công nghệ sinh học, máy tính thế hệ mới và các công nghệ tiên tiến khác.

Ông Bajraktari nhấn mạnh rằng, mặc dù việc Mỹ thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS và cho thấy chính phủ Mỹ sẽ tập trung đầu tư lớn vào lĩnh vực chất bán dẫn nhưng vẫn chưa có một kế hoạch hoàn hảo để cạnh tranh với Trung Quốc về công nghệ 5G.

Hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về công nghệ 5G, do đó, điều quan trọng bây giờ trong cạnh tranh giữa hai siêu cường không phải ở lĩnh vực này mà chính là chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Sự quan tâm của Bắc Kinh và Washington đối với công nghệ AI có nhiều mục đích.

Một mặt, Trung Quốc và Mỹ muốn khai thác AI để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo chủ quyền công nghệ. Mặt khác, AI được coi là lĩnh vực quan trọng giúp Bắc Kinh và Washington đạt được ảnh hưởng toàn cầu về kinh tế và địa chính trị.

Công nghệ AI có thể được ứng dụng hiệu quả trong việc phát triển kinh tế đất nước, an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực có ý nghĩa sống còn với cả Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, so với các công nghệ mới như máy tính lượng tử, 5G, IoT, công nghệ AI không cần sự hỗ trợ của con người, có khả năng xử lý dữ liệu lớn với tốc độ cao. Đồng thời đây còn là một loại hình cạnh tranh chiến lược.

Do vậy, các chuyên gia dự báo, cuộc đua Mỹ - Trung trong phát triển công nghệ AI có thể dẫn đến leo thang cạnh tranh giữa hai nước trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, đầu tư, nghiên cứu, phát triển, dữ liệu và các chuỗi giá trị.

Cuộc đua AI giữa Trung Quốc và Mỹ

Mỹ và Trung Quốc chạy đua công nghệ trí tuệ nhân tạo - 2

Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho phát triển công nghệ AI (Ảnh minh họa: SCMP).

Cuộc đua về AI giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt khi mà giới chức hai bên đều sử dụng đến các diễn ngôn theo chủ nghĩa dân tộc và cáo buộc lẫn nhau bất cứ khi nào căng thẳng gia tăng. Các phát biểu công khai của các quan chức Mỹ nhiều lần miêu tả Trung Quốc như một "đối thủ tiềm tàng". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng nói, Trung Quốc đang thách thức Mỹ về tốc độ phát triển AI và khẳng định Mỹ sẽ đẩy mạnh cạnh tranh để giành chiến thắng.

Các lãnh đạo công nghệ lớn của Mỹ cũng rất cảnh giác trước một Trung Quốc trỗi dậy về công nghệ. Năm 2020, giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg ngụ ý rằng, các công ty công nghệ Mỹ cần "gìn giữ" các giá trị Mỹ trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Năm 2021, Eric Schmidt, cựu giám đốc điều hành Google, cũng cảnh báo về "tình trạng khẩn cấp quốc gia" nếu Mỹ tụt lại sau Trung Quốc về AI.

Theo ông Schmidt, trong công nghệ AI, quốc gia nào đưa ra quyết định nhanh nhất sẽ có lợi thế, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau.

Để giành chiến thắng trong cuộc đua này, Trung Quốc và Mỹ đều đã ban hành và đang xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI, cũng như nâng cao vị thế của quốc gia trong cuộc cạnh tranh giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này

Về phía Trung Quốc, ngay từ năm 2017, Quốc vụ viện Trung Quốc đã đánh giá, "công nghệ AI đang trở thành một trong những trọng tâm cạnh tranh quốc tế. Do vậy, Trung Quốc cần đưa ra sáng kiến nhằm nắm chắc hơn, rõ hơn về giai đoạn phát triển mới của ngành công nghệ này và tạo lợi thế cạnh tranh mới, mở ra cơ hội phát triển những ngành công nghiệp mới, cũng như tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia". Cũng trong năm 2017, chính phủ Trung Quốc công bố mục tiêu dẫn đầu thế giới về công nghệ AI vào năm 2030.

Thực tế, Trung Quốc đã tạo dựng được "mảnh đất màu mỡ" để áp dụng rộng rãi công nghệ AI. Các công ty Trung Quốc từ việc chỉ "sao chép" trở thành những "nhà đổi mới" về dữ liệu lớn, AI, blockchain và điện toán lượng tử. Sự phát triển nhanh chóng này là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc.

Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) thuộc Đại học Georgetown của Mỹ cho biết, khó có thể tính chính xác được số tiền mà quân đội Trung Quốc đã đầu tư cho phát triển công nghệ AI. Tuy nhiên, CSET ước tính, số tiền này vào khoảng từ 1,6 - 2,7 tỷ USD/năm.

Hiện nay, Trung Quốc đang vượt Mỹ về đầu tư mới trong hoạt động phát triển công nghệ AI. Các chuyên gia dự đoán, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về các quỹ đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ AI trong tương lai. Ước tính, đến năm 2025 có khoảng 1/3 dữ liệu của thế giới sẽ được tạo ra ở Trung Quốc; đến năm 2030, khoảng 8 tỷ thiết bị ở Trung Quốc sẽ được kết nối IoT và tạo ra nhiều dữ liệu hơn.

Về phía Mỹ, xét trên bình diện chung, Mỹ dường như đã lỡ một nhịp trong việc phát triển công nghệ AI so với Trung Quốc. Khoảng hai năm sau khi Trung Quốc công bố mục tiêu dẫn đầu thế giới về AI, tức là vào năm 2019, Mỹ mới khởi động Sáng kiến Trí tuệ Nhân tạo nhằm đảm bảo "sự lãnh đạo của Mỹ trong công nghệ AI".

Hiện nay, mặc dù Mỹ tiếp tục tạo ra các động lực toàn cầu về đổi mới và phổ biến công nghệ nhưng họ lại không có độc quyền trong việc cung cấp nền tảng công nghệ như Trung Quốc, do đó, xét về nhiều khía cạnh, Trung Quốc đang tiến trước Mỹ một bước.

Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là đầu tư phát triển công nghệ AI thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, chỉ khoảng từ 800 triệu USD - 1,3 tỷ USD trong năm 2020.

Trong khi đó, cạnh tranh về công nghệ AI giữa Mỹ và Trung Quốc là nhân tố quan trọng trong thương chiến Mỹ - Trung. Từ năm 2019 đến nay, một loạt các công ty công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực AI như ByteDance, SenseTime, Megvii, Yitu... đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Washington cũng đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với các nhà đầu tư của Trung Quốc vào các tập đoàn công nghệ AI của Mỹ nhằm ngăn chặn việc các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các công nghệ AI của Mỹ. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc nhiều lần ngăn chặn các nền tảng công nghệ lớn của Mỹ như Google, Facebook và Twitter khỏi quốc gia này.

Sự trỗi dậy của AI tạo ra những biến đổi sâu sắc trên toàn thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các chính phủ trên khắp thế giới, trong đó tiêu biểu là Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra các chiến lược AI bởi đây là vấn đề thuộc lợi ích quốc gia, uy tín quốc tế và chiến lược địa chính trị. Cuộc đua về công nghệ AI giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo ra những tác động lớn trên nhiều lĩnh vực.

Theo National Defense Magazine, New America, Wire China