1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Malaysia hy vọng Việt Nam thúc đẩy đàm phán COC khi trở thành chủ tịch ASEAN

(Dân trí) - Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong cho biết Malaysia đặt hy vọng vào vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông khi trở thành chủ tịch ASEAN vào năm 2020.

Malaysia hy vọng Việt Nam thúc đẩy đàm phán COC khi trở thành chủ tịch ASEAN - 1

Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong phát biểu tại hội thảo trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 12 của Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) ngày 5/12 (Ảnh: Thành Đạt)

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về vấn đề Biển Đông bên lề Hội thảo Quốc tế “Duy trì hoà bình trong thời kỳ biến động: Hướng tới khả năng thích ứng và tự cường cao hơn của khu vực” trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 12 của Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) ngày 5/12, Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong cho biết Malaysia có cùng quan điểm với Việt Nam trong việc thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).

“Malaysia hy vọng rằng khi Việt Nam trở thành chủ tịch ASEAN, quá trình đàm phán COC sẽ đạt được nhiều tiến triển hơn trong năm tới”, Thứ trưởng Liew Chin Tong nói, đồng thời cũng bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam sẽ dẫn dắt đàm phán COC đi theo hướng cụ thể hơn trên cương vị chủ tịch ASEAN.

Theo ông Tong, “Trung Quốc cần hiểu rõ hơn mối lo ngại của các nước láng giềng trong khu vực”.

“Tôi nghĩ Trung Quốc cần hiểu và hợp tác với các nước láng giềng chặt chẽ hơn. Đồng thời, ASEAN cũng đóng vai trò trong việc tránh sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc. ASEAN cũng cần hiểu Trung Quốc hơn”, Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia nhận định.

“ASEAN nên đưa Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau. Chúng ta không nên để xảy ra sự chia rẽ. Tôi lo ngại về xung đột và sự chia rẽ. Chúng ta nên đưa tất cả các bên xích lại gần nhau. ASEAN đóng vai trò trong việc này. Chúng tôi trông chờ vào vai trò của Việt Nam khi trở thành chủ tịch ASEAN vào năm tới”, ông Liew Chin Tong nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia nói rằng, trong bối cảnh tình hình khu vực bất ổn, cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt như hiện nay, vai trò của các quốc gia tầm trung và vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng quan trọng. Đặc biệt trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực cần có đánh giá sâu sắc, toàn diện và đầy đủ để từ đó có các chính sách nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. 

Malaysia hy vọng Việt Nam thúc đẩy đàm phán COC khi trở thành chủ tịch ASEAN - 2

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại hội thảo trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 12 của Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) ngày 5/12 (Ảnh: Thành Đạt)

Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao vai trò của CSCAP như cơ chế kênh 2 bổ ích, giúp các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia tăng cường đối thoại, trao đổi nhằm đề xuất các biện pháp hướng đến việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Hội thảo CSCAP năm nay có sự tham gia của 200 đại biểu, trong đó có hơn 100 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam cam kết xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng tốt hơn trong nhiệm kỳ chủ tịch 2020. Đồng thời với việc trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam cam kết trở thành cầu nối giữa tổ chức toàn cầu này và ASEAN vì các mục tiêu chung, đặc biệt trong ngăn ngừa xung đột và xây dựng nền hòa bình bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị hội thảo tập trung thảo luận 3 vấn đề lớn: 

Thứ nhất, làm rõ hơn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và tác động của nó đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực trong đó có việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Thứ hai, xây dựng nhận thức chung về trật tự dựa trên luật lệ trong quan hệ quốc tế và các vấn đề khu vực.

Thứ ba, làm rõ hơn việc diễn giải các nguyên tắc nền tảng của trật tự dựa trên luật lệ, nhất là luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982 tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thành Đạt