1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Liệu phán quyết Maine và Colorado có ngáng đường ông Trump tranh cử

An Hoàng

(Dân trí) - Tòa án bang Maine và Colorado ra phán quyết cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không đủ điều kiện tham gia vòng bầu cử sơ bợ ở những bang này.

Liệu phán quyết Maine và Colorado có ngáng đường ông Trump tranh cử  - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).

Đầu tháng 12, Tòa án Tối cao bang Colorado ra phán quyết loại ông Trump khỏi lá phiếu tranh cử sơ bộ ở bang này. Bang Maine cũng đã ra phán quyết tương tự vào ngày 28/12. Cả hai bang đều xem xét vai trò của ông Trump trong vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2021 là nguyên nhân chính cho quyết định này.

"Nổi loạn" là điều khoản rất hiếm khi được sử dụng trong hiến pháp Mỹ. Quyết định được đưa ra dựa trên điều khoản này rất có khả năng sẽ gây tác động lớn về mặt pháp lý và chính trị lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Ông Trump và những cộng sự dự kiến sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ, nơi có thẩm quyền hủy bỏ những phán quyết trên.

Điều khoản "nổi loạn" được áp dụng khi nào?

Phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một ứng cử viên bị coi là không đủ tư cách ứng cử vào vị trí tổng thống theo quy định của hiến pháp.

Điều khoản về hành vi "nổi loạn" nằm tại Mục 3, Tu chính án thứ 14. Theo đó, bất kỳ ai từng tuyên thệ bảo vệ hiến pháp nhưng sau đó lại tham gia vào "một cuộc nổi dậy chống lại hiến pháp" sẽ bị cấm đảm nhiệm các chức vụ tại quốc hội, quân đội, các cơ quan liên bang và tiểu bang.

Tu chính án thứ 14 được phê chuẩn vào năm 1868 với mục đích đảm bảo quyền công dân cho những người từng là nô lệ, đồng thời cũng để ngăn chặn các cựu quan chức của Liên minh miền Nam giành lại quyền lực với tư cách là thành viên quốc hội và tiếp quản chính phủ mà họ vừa nổi dậy chống lại.

Một số học giả pháp lý cho rằng điều khoản hậu nội chiến hoàn toàn có thể áp dụng với ông Trump. Theo lập luận này, ông Trump đã "chống lại hiến pháp" khi kích động nhóm người ủng hộ xông vào Điện Capitol để lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 và cản trở việc chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.

Tác động tiềm tàng đến cuộc bầu cử

Phán quyết của Colorado chỉ áp dụng cho cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang này vào ngày 5/3, đồng nghĩa với việc tên ông Trump có thể sẽ không xuất hiện trên lá phiếu trong cuộc bỏ phiếu đó. Kịch bản tương tự cũng có khả năng diễn ra ở bang Maine.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Colorado tạm thời giữ nguyên phán quyết tới ngày 4/1, cho Tòa án Tối cao Mỹ thời gian để quyết định xem có tiếp nhận vụ việc hay không. Thời điểm này chỉ diễn ra đúng một ngày trước hạn bầu chọn ứng viên tranh cử.

Bang Colorado được xem là một trong những bang bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, mang lại cho ông Biden chiến thắng cách biệt lên tới hai con số vào năm 2020. Lần cuối cùng đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại nơi đây là năm 2004.

Phán quyết của bang này có thể gây ảnh hưởng tới hàng chục vụ kiện khác diễn ra trên toàn nước Mỹ. Một số tòa án tại các bang khác đã ra phán quyết chống lại nguyên đơn, ví dụ như ở Michigan, một thẩm phán đã tuyên bố "phán quyết nên nằm ở quốc hội chứ không phải tòa án bang".

Về phần mình, ông Trump không đề cập trực tiếp về vấn đề này trong một sự kiện vận động tranh cử hôm 19/12 ở bang Iowa.

Thay vào đó, những thành viên trong đội ngũ của ông đã gửi đi email với nội dung như sau: "Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đang hoảng loạn trước vị thế áp đảo của cựu Tổng thống Donald Trump. Họ đã mất niềm tin vào ông Biden và đang làm mọi cách có thể để ngăn chặn sự thất bại vào cuộc bầu cử tháng 11 tới đây".

Cùng lúc đó, các luật sư của ông Trump lập luận Tu chính án thứ 14 không được áp dụng cho vị trí tổng thống. Một luật sư khác của cựu Tổng thống Mỹ cũng lập luận vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021 không đủ nghiêm trọng để bị coi là "một cuộc nổi dậy".

Hơn nữa, những phát ngôn của ông Donald Trump với nhóm ủng hộ ngày hôm đó ở Washington đều được bảo vệ theo quyền tự do ngôn luận.

Theo Guardian