1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hiệu ứng biểu tình Tunisia, Ai Cập lan rộng Trung Đông, Bắc Phi

(Dân trí) - Hiệu ứng của các cuộc biểu tình lật đổ lãnh đạo cầm quyền ở Tunisia và Ai Cập hiện đang lan rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi, bất chấp những nhượng bộ đáng kể về kinh tế cũng như chính trị của các chính phủ.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1659/Bieu-tinh-bao-dong-tai-Tunisia-lan-rong-Bac-Phi.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Biểu tình, bạo động tại Tunisia lan rộng Bắc Phi</b></a>



Hiệu ứng biểu tình Tunisia, Ai Cập lan rộng Trung Đông, Bắc Phi - 1
Người biểu tình phản đối chính phủ đụng độ với lực lượng an ninh và người ủng hộ chính phủ tại Yemen.
 
Đụng độ đã nổ ra ở đất nước sản xuất dầu lửa Libya, "kẹp giữa" Ai Cập và Tunisia, trong khi những cuộc biểu tình mới bùng phát ở Bahrain, Yemen, Iraq và Iran vào ngày hôm qua.

Hàng người người biểu tình phản đối chính phủ hôm nay đã đụng độ với cảnh sát cùng những người ủng hộ chính phủ tại thành phố lớn thứ hai của Libya, Benghazi, sau khi một nhân vật chỉ trích chính phủ nổi bật bị bắt. Tuy nhiên, sau đó người này đã được thả. Những người biểu tình ở Libya cũng đòi Tổng thống Gaddafi, lên nắm quyền từ năm 1969, từ chức.

Biểu tình cũng lan rộng khắp Yemen vào ngày thứ tư, yêu cầu chấm dứt 3 thập niên cầm quyền của tổng thống. Theo báo chí và các nhân chứng, một người biểu tình 21 tuổi đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với cảnh sát ở miền nam.

Ở Sanaa, thủ đô quốc gia trên bán đảo Ả rập này, hàng trăm người ủng hộ chính phủ đã dùng gậy gộc, dao găm nhảy ra khỏi xe đuổi theo khoảng 800 người biểu tình đang tuần hành trên các tuyến phố.

Tổng thống Ali Abdullah Saleh, một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống al-Qaeda và đã nắm quyền Yemen suốt 32 năm qua, cho biết trên hãng thông tấn nhà nước rằng cuộc biểu tình là âm mưu của nước ngoài, nhằm gây bất ổn ở các nước Ả rập.

Tổng thống Saleh đã cam kết từ chức khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2013 và đề nghị đối thoại với phe đối lập, song những người biểu tình cấp tiến nhất quyết yêu cầu ông phải từ chức ngay lập tức.

Hiệu ứng biểu tình Tunisia, Ai Cập lan rộng Trung Đông, Bắc Phi - 2
Người biểu tình cắm trại qua đêm ở Quảng trường Pearl tại thủ đô Manama, Bahrian.
 
Còn ở Bahrain, người biểu tình đổ về trung tâm thủ đô Manama vào ngày hôm qua trong ngày thứ ba liên tiếp, phản đối việc một người biểu tình thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh ngày hôm trước. Tiểu vương quốc Ả rập này có lịch sử dài các cuộc biểu tình do khó khăn về kinh tế, thiếu tự do chính trị và phân biệt giáo phái giữa người Hồi giáo Sunni cai trị và người Shiitte chiếm đa số.

Người biểu tình kêu gọi cải cách chính trị toàn diện và đã cắm trại tại trung tâm thủ đô kể từ hôm thứ ba vừa qua.

Rạng sạng nay, 17/2, hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã dùng đạn hơi cay và dùi cui giải tán hàng ngàn người biểu tình phản đối chính phủ ở Quảng trường Pearl ở trung tâm thủ đô. Ít nhất 2 người đã thiệt mạng.

Mặc dù chỉ là nước xuất khẩu dầu nhỏ, nhưng sự ổn định của Bahrain có tầm quan trọng lớn đối với nước Ả rập Xê-út láng giềng, nơi các dàn khoan được tập trung ở khu vực của người thiểu số Shiitte.

Trong khi đó tại Iraq, 3 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương ở thành phố Kut, miền nam đất nước, khi người biểu tình đòi cải thiện các dịch vụ cơ bản đụng độ với cảnh sát và phóng hỏa các tòa nhà chính phủ.

Iraq hiện vẫn đang vật lộn để có thể tự bước đi trở lại gần 8 năm sau khi Mỹ đưa quân đến đây lật đổ Saddam Hussein. Cơ sở hạ tầng khắp nước đổ nát, thiếu điện và việc làm khan hiếm.

Nhượng bộ kinh tế, chính trị

Nhà cầm quyền ở nhiều nước, rút kinh nghiệm từ các sự kiện ở Tunisia và Ai Cập,  đã công bố những thay đổi chính phủ và tiến tới cắt giảm giá lương thực cơ bản, tăng chi tiêu để tạo việc làm trong nỗ lực ngăn chặn biểu tình lan rộng.

Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika đã cam kết sớm dỡ bỏ lệnh khẩn cấp kéo dài suốt 19 năm qua và đã có hành động giảm giá thực phẩm thiết yếu ở đất nước xuất khẩu dầu lửa và khí đốt Bắc Phi này.

Giới chức trách đã triển khai khoảng 30.000 cảnh sát ở thủ đô Algiers vào thứ bảy vừa qua để ngăn chặn một cuộc tuần hành bị cấm. Hàng trăm người biểu tình đã vi phạm lệnh cấm và hàng chục người đã bị giam giữ.

Song liên minh xã hội dân sự và các nhóm nhân quyền cùng một đảng đối lập cam kết sẽ tiếp tục biểu tình vào mỗi thứ bảy, cho đến khi chính phủ được quân đội ủng hộ từ chức.

Còn Moroco hôm thứ ba vừa qua đã tuyên bố sẽ tăng gần gấp đôi tiền trợ cấp nhà nước để đối phó với vấn nạn giá cả tiêu dùng tăng và đáp ứng những nhu cầu cần thiết của xã hội.

Syria, do Đảng Baath nắm quyền điều hành suốt 50 năm qua, đã thả một nhà hoạt động Hồi giáo kỳ cựu vào ngày thứ ba, sau khi ông tuyệt thực để phản đối vụ bắt giữ mình 11 ngày trước vì kêu gọi biểu tình giống Ai Cập.

Còn nhà vua Jordan Abdullah đã sa thải thủ tướng và bổ nhiệm một nội các mới, do cựu tướng quân đội đứng đầu, người cam kết sẽ mở rộng tự do của công chúng.

Và các nước giàu dầu lửa, khí đốt như Ả rập Xê-út và Algeria có vẻ như đã thực hiện các cải cách xoa dịu được công chúng tốt hơn các nước nghèo hơn như Ai Cập và Tunisia.

Phan Anh

Theo Reuters