1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hạ viện Mỹ nhất trí dự luật nhằm cấm nhập khẩu uranium của Nga sử dụng trong ngành năng lượng trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu từ Moscow.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân Nga - 1

Một lò phản ứng hạt nhân (Ảnh minh họa: FT).

Reuters đưa tin, Hạ viện Mỹ ngày 11/12 thông qua một dự luật nhằm cấm nhập khẩu uranium từ Nga, trong bối cảnh các nhà lập pháp muốn gia tăng áp lực để Moscow chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Dự luật sẽ cần Thượng viện thông qua trước khi trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.

Dự luật có hạng mục miễn trừ để đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ. Ví dụ, lệnh cấm sẽ không được áp dụng nếu Bộ Năng lượng Mỹ xác định không có nguồn thay thế nào cho uranium từ Nga để có thể vận hành lò phản ứng hạt nhân của phía Washington.

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Cathy McMorris Rodgers cho biết: "Rủi ro khi tiếp tục phụ thuộc vào Nga về nhiên liệu hạt nhân là quá lớn. Nó đang làm suy yếu cơ sở hạ tầng nhiên liệu hạt nhân của Mỹ, vốn đã suy giảm đáng kể do phụ thuộc vào những nguồn nhiên liệu giá rẻ này".

Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát và áp đặt trần giá đối với việc xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ bằng đường biển của Moscow. Tuy nhiên, Mỹ chưa cấm nhập khẩu uranium từ Nga.

Trước đó, Trợ lý bộ trưởng năng lượng Mỹ Kathryn Huff ngày 7/11 thừa nhận với Financial Times rằng, việc Mỹ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân từ Nga gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của phía Washington.

Theo bà Huff, Nga cấp khoảng hơn 20% nhiên liệu hạt nhân cho Mỹ và đây là điều rất đáng lo ngại.  

Mỹ tăng gấp đôi nhập khẩu uranium làm giàu từ tập đoàn năng lượng Nga Rosatom trong nửa đầu năm 2023, bất chấp việc Washington đang đẩy mạnh kêu gọi trừng phạt Nga trên toàn cầu nhằm gây áp lực buộc Moscow dừng chiến dịch quân sự hơn 22 tháng ở Ukraine.

Washington bắt đầu mua một lượng lớn uranium đã làm giàu từ Nga sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc theo chương trình Megatons to Megawatts, để sử dụng được trong các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ.

Sau thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 ở Nhật Bản, nhiều quốc gia đã tạm dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khiến nhiều công ty tư nhân cung cấp nhiên liệu phá sản, làm gián đoạn chuỗi cung ứng uranium làm giàu.

Tuy nhiên, Rosatom không chỉ vượt qua được khủng hoảng nói trên mà còn thâm nhập vào các thị trường nước ngoài với tư cách là nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân mới.

Kết quả là ngày nay, Mỹ thiếu đi một ngành công nghiệp phù hợp để khai thác, tinh chế và sản xuất nhiên liệu có thể đáp ứng nhu cầu của ngành điện hạt nhân. Vì vậy họ đã chuyển sang Rosatom để lấp đầy khoảng trống.

Ngoài ra, châu Âu cũng nhập khoảng 17% nhiên liệu hạt nhân từ Nga, cùng với than đá và khí đốt hóa lỏng để đáp ứng nhu cầu về năng lượng.

Theo Nikkei, vị thế của Nga trong thị trường nguyên liệu cho điện hạt nhân có thể tạo ra một thách thức lớn cho các nước phương Tây dù họ đang cố gắng thoát sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow.

Nga sở hữu khoảng 50% cơ sở hạ tầng làm giàu uranium của thế giới. Việc chuyển đổi uranium khai thác từ các mỏ nguyên liệu trở thành uranium làm giàu cho các lò phản ứng hạt nhân thường mất 3-5 năm và việc thay thế nguồn cung không phải là dễ dàng.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine