1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giới chức Mỹ lần đầu gặp Taliban sau khi thủ lĩnh Al-Qaeda bị tiêu diệt

Thanh Thành

(Dân trí) - Lần đầu tiên kể từ khi thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri bị tiêu diệt tại Afghanistan vào tháng 7, các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã có cuộc gặp trực tiếp phái đoàn Taliban.

Giới chức Mỹ lần đầu gặp Taliban sau khi thủ lĩnh Al-Qaeda bị tiêu diệt - 1

Tại thành viên Taliban tại thủ đô Kabul của Afghanistan (Ảnh: APA).

Theo truyền thông phương Tây, cuộc gặp trực tiếp diễn ra vào ngày 8/10 giờ địa phương tại thủ đô Doha của Qatar.

Chính quyền Mỹ đã cử Phó giám đốc CIA và quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm về Afghanistan đến Doha để hội đàm với phái đoàn Taliban, trong đó có người đứng đầu cơ quan tình báo Abdul Haq Wasiq.

Sau khi thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri bị Mỹ tiêu diệt trong một cuộc tấn công ở thủ đô Kabul của Afghanistan hồi tháng 7, Washington liên tục cáo buộc Taliban vi phạm "rõ ràng và trắng trợn" thỏa thuận Doha.

Đây là thỏa thuận do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump làm trung gian, trong đó quy định Taliban sẽ không nuôi dưỡng khủng bố nếu lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Sau khi một máy bay không người lái (UAV) của Mỹ phóng tên lửa Hellfire vào nơi ẩn náu của tên Zawahiri hôm 31/7, các quan chức Mỹ cáo buộc thủ lĩnh Taliban biết về nơi ở của Zawahiri, trong khi Taliban tức giận lên án chiến dịch của Washington.

Kể từ đó, Mỹ tiếp tục can dự các vấn đề với Taliban, bao gồm đàm phán thả công dân Mỹ Mark Frerichs, nhưng các quan chức cấp cao của hai bên đã không gặp mặt trực tiếp kể từ vài ngày trước khi Zawahiri bị tiêu diệt.

Trong lần gặp này, sự hiện diện của Phó giám đốc CIA David Cohen và lãnh đạo cơ quan tình báo Taliban Wasiq cho thấy chủ nghĩa chống khủng bố có thể là vấn đề chính trong cuộc họp.

Ông Cohen được tháp tùng bởi đại diện đặc biệt về Afghanistan của Bộ Ngoại giao Mỹ Tom West, người thường dẫn đầu các thỏa thuận với Taliban kể từ khi Mỹ rút quân vào năm 2021.

Trong khi vẫn duy trì quan hệ với Al -Qaeda, chính Taliban đang phải đối mặt với một cuộc nổi dậy từ các nhánh của Nhà nước Hồi giáo được gọi là ISIS-K.

Nhóm này thường xuyên nhắm mục tiêu vào người dân tộc thiểu số Hazara ở Afghanistan. Ít nhất 25 người, chủ yếu là phụ nữ trẻ, đã thiệt mạng trong một vụ tấn công liều chết vào tuần trước tại một trung tâm giáo dục ở khu dân cư chủ yếu là Hazara ở Kabul. Chưa cá nhân hay tổ chức nào nhận trách nhiệm.

Beth Sanner, cựu Phó Giám đốc Tình báo Quốc gia, người đứng đầu cuộc phân tích về Afghanistan tại CIA, cho biết: "Taliban đang đấu tranh để ngăn chặn các cuộc tấn công của ISIS-K, khiến nhóm này trông không ra gì, đặc biệt là ở Kabul".

Theo bà Sanner, ông Cohen có khả năng đưa ra một thông điệp chắc chắn rằng "chúng tôi sẽ tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn như đã làm chống lại Zawahiri nếu chúng tôi nhận thấy rằng các thành viên al-Qaeda ở Afghanistan đang hỗ trợ các hoạt động đe dọa Mỹ hoặc đồng minh".

"ISIS-K hiện đặt ra mối đe dọa với nội bộ Afghanistan, với Taliban và sự ổn định giáo phái do ISIS-K tập trung vào việc giết người Shiite Nhưng có một số lo ngại đáng chú ý rằng, ISIS-K cuối cùng có thể chuyển hướng sang âm mưu bên ngoài nếu Taliban không thể dung túng họ", bà nói thêm.

Hồi tháng trước, Nhà Trắng đã nói về vấn đề hợp tác với Taliban về chống khủng bố, gọi đó là "một công việc đang được tiến hành".

Vào tháng 9, chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo thành lập "Quỹ Afghanistan" trị giá 3,5 tỷ USD, bằng khoản tiền bị đóng băng của nước này để thúc đẩy ổn định kinh tế.

Nhưng Mỹ chưa chuyển giao quỹ này vì chưa đủ niềm tin Afghanistan có một tổ chức đáng tin cậy để đảm bảo khoản tiền mang lại lợi ích cho người dân.

Các quan chức chính quyền Mỹ cũng đã nhiều lần nêu lên hoàn cảnh của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan trong các cuộc đàm phán với Taliban. Báo cáo viên của Liên hợp quốc về nhân quyền ở Afghanistan tháng trước gọi sự sụt giảm vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội Afghanistan là "đáng kinh ngạc".

Theo CNN