1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đông Nam Á lo nguy cơ khủng bố hậu chính biến ở Afghanistan

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ các nhóm khủng bố nội địa có liên hệ với Al-Qaeda và IS có thể trỗi dậy sau các diễn biến quân sự mới tại Afghanistan.

Đông Nam Á lo nguy cơ khủng bố hậu chính biến ở Afghanistan - 1

Các tay súng Taliban ở thủ đô Kabul (Ảnh: AP).

Nikkei Asia đưa tin, các cơ quan hành pháp tại nhiều quốc gia Đông Nam Á đang đặt trong tình trạng báo động trước nguy cơ các nhóm khủng bố nguy hiểm có thể tái xuất sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8.

Trước đó, các chuyên gia cảnh báo rằng các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể trỗi dậy khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan.

Trong khi Al-Qaeda về cơ bản đã bị suy yếu kể từ năm 2001 và Taliban cũng đã cam kết ngăn chặn nhóm khủng bố này tấn công Mỹ và các đồng minh, các phiến quân Al-Qaeda vẫn hoạt động ở Afghanistan và ủng hộ sự tiếp quản của Taliban.

IS - một đối thủ cực đoan hơn - cũng duy trì sự hiện diện ở Afghanistan. Các chuyên gia cho biết, Taliban có thể sẽ cố gắng diệt trừ tận gốc nhóm khủng bố này nhưng IS cũng có thể hưởng lợi từ khoảng trống an ninh khi Taliban nỗ lực củng cố quyền lực. Gần đây nhất, ISIS-K, nhánh của IS ở Afghanistan, đã thực hiện vụ đánh bom liều chết vào sân bay Kabul hôm 26/8 và nã "mưa" rocket vào địa điểm này hôm 30/8.

Một số nước Đông Nam Á đang lo ngại rằng, các nhóm khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda hay IS có thể được "tiếp sức" từ các diễn biến ở Afghanistan và gây ra mối đe dọa an ninh.

Lo ngại gia tăng

Tại Indonesia, lực lượng chống khủng bố của cơ quan cảnh sát quốc gia (Densus 88) đã bắt đầu theo dõi các mạng xã hội và các nền tảng nhằm tìm kiếm và phát hiện những người có quan điểm ủng hộ Taliban.

Hiến pháp Indonesia - nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới - đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người dân. Nhưng đất nước này từ trước tới nay phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố cũng như các nhóm cực đoan ủng hộ áp dụng luật Hồi giáo. Các nhà chức trách Indonesia lo ngại tác động lan tỏa từ sự bất ổn ở Afghanistan có thể tác động tới những nhóm trên.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan được cho gây đe dọa tới các mục tiêu của chính phủ Indonesia nhằm khôi phục nền kinh tế bị tàn phá với Covid-19 trong thời gian qua, vì nó có thể tác động tới nguồn đầu tư nước ngoài và du lịch. Trong nhiều năm qua, người nước ngoài thường trở thành mục tiêu tấn công khủng bố ở Indonesia. 

Tại Indoneisa, các phần tử của nhóm cực đoan Jemaah Islamiyah được huấn luyện ở Afghanistan vào những năm 1990 và nhóm này bị cáo buộc có quan hệ với Al-Qaeda.

Ngoài ra, cảnh sát Indonesia cũng đang theo dõi hoạt động của Jamaah Ansharut Daulah, một nhóm khủng bố thề trung thành với IS.

Đông Nam Á lo nguy cơ khủng bố hậu chính biến ở Afghanistan - 2

Binh lính Philippines lái xe bọc thép chiến đấu với phiến quân thân IS tại Marawi năm 2017 (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, Manila luôn coi tình trạng khủng bố trong nước là mối quan ngại to lớn. Ông cho rằng, diễn biến ở Afghanistan có thể khuyến khích hoặc truyền cảm hứng cho những kẻ khủng bố địa phương.

Philippines đã ký thỏa thuận chia sẻ thông tin với Indonesia và Malaysia nhằm đề phòng hoạt động khủng bố.

Người theo Hồi giáo chỉ chiếm 6% dân số Philippines - quốc gia có phần đông theo Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, tại khu vực đảo Mindanao ở phía nam, một số nhóm Hồi giáo cực đoan muốn thành lập nhà nước của riêng chúng. Các phiến quân có vũ trang này đã đối đầu với lực lượng chính phủ trong nửa thế kỷ qua.

Năm 2017, chính phủ Philippines đã thực hiện một chiến dịch quân sự kéo dài 5 tháng chống lại một nhóm khủng bố thân IS tấn công vào Marawi, một thành phố ở Mindanao. Hơn 1.100 người chết ở cả hai phía.

Hơn 200 thành viên của các nhóm khủng bố hiện vẫn ẩn nấp ở Mindanao. Các cơ quan thực thi pháp luật cho rằng các nhóm khủng bố khó có thể trỗi dậy sau chiến dịch quân sự ở Marawi. Nhưng quân đội và cảnh sát quốc gia Philippines vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Cảnh sát Malaysia hồi cuối tuần qua đã mở cuộc điều tra hợp tác với các lực lượng an ninh nước ngoài sau khi truyền thông đưa tin rằng, 2 công dân nước này bị Taliban bắt giữ. Hai người Malaysia này bị cáo buộc có liên quan tới IS.

Các nhà chức trách Malaysia đang nâng cao cảnh giác trước nguy cơ các công dân từng đến Afghanistan có thể thực hiện âm mưu tấn công khủng bố khi hồi hương. 

Trong cuộc họp báo chung với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm 23/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chỉ ra mối quan hệ giữa nhóm Jemaah Islamiyah và Al-Qaeda. Ông cảnh báo, những tư tưởng và hành vi cực đoan từ các nhóm khủng bố ở Afghanistan có thể sẽ bị truyền bá tới Đông Nam Á trong thời gian tới và chúng gây ra mối đe dọa an ninh với chính Singapore.