1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc sống khốn khó tại “kinh đô sòng bạc” giàu bậc nhất thế giới

(Dân trí) - Ẩn sau cuộc sống xa hoa tại Macau, nơi được dự báo sẽ soán ngôi Qatar trở thành khu vực giàu có nhất thế giới, là sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng và cuộc sống chật vật của những người lao động thu nhập thấp.

Những tòa nhà cao tầng rực sáng về đêm tại Macau (Ảnh: SCMP)
Những tòa nhà cao tầng rực sáng về đêm tại Macau (Ảnh: SCMP)

Khi đồng hồ điểm 4 giờ chiều, bà Hoi Sao-sou thay quần áo đồng phục, cầm theo túi đi chợ và lao ra khỏi khu vực cửa ra vào dành cho nhân viên tại một trong những sòng bạc lớn tại Macau - nơi từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha trước khi được trả về Trung Quốc gần 20 năm trước.

Mặc dù thường xuyên đi bộ đi làm vào mỗi 7 giờ sáng hàng ngày, nhưng bà Hoi, 69 tuổi, vẫn phải dốc hết sức lực để vượt qua những đoạn đường, lách qua những hàng xe máy để kịp bắt xe buýt tới khu vực giáp ranh với thành phố Chu Hải.

Cùng với những nhân viên lau dọn khác tại sòng bạc, bà Hoi chỉ phải đợi vài phút trước khi lên xe buýt số 25 và thực hiện hành trình đi mua rau ở một khu vực cách xa nơi bà sống. Nếu đi chợ ở Macau, bà Hoi phải bỏ ra số tiền gấp đôi.

“Giá cả ở đây rất cao, vì thế tôi ít khi mua thực phẩm hay các đồ thiết yếu khác ở đây. Một nửa con gà ở Macau có giá khoảng 50 pataca (khoảng 6,18 USD), nhưng ở Chu Hải giá chỉ có 25 pataca. Còn nếu mua hải sản tươi ở đây, tôi có thể phải trả hơn 40 pataca, trong khi ở Chu Hải có lẽ mất chưa đầy 15 pataca. Giá cả ở đại lục rẻ hơn nhiều”, bà Hoi cho biết.

Vào một ngày bình thường khi giao thông thưa thớt và người từ nơi khác đến ít hơn, bà Hoi mất khoảng 1 giờ đồng hồ để đến Chu Hải, mua một số thứ và quay về nhà ở Iao Hon - nơi có mật độ dân cư đông nhất ở Macau. Ngồi cạnh một nhân viên lau dọn sòng bạc khác trên xe buýt, bà Hoi than phiền rằng rất khó để sống tằn tiện ở Macau - nơi trông cậy chủ yếu vào doanh thu của 40 sòng bạc để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

“Chúng tôi không thể nói rằng chúng tôi ghét sòng bạc vì chúng mang lại nhiều việc làm, nhưng sòng bạc cũng khiến cho mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn… và cuộc sống trở nên khó khăn hơn”, bà Hoi nói.

Bà Hoi nhận được hơn 7.000 pataca một tháng để làm một công việc vất vả. Bà đã làm công việc này hơn 10 năm và chưa biết khi nào sẽ dừng lại.

“Tôi đã gần 70 tuổi rồi. Rõ ràng tiền với tôi vẫn chưa đủ. Nếu không tôi đã nghỉ hưu rồi”, bà Hoi chia sẻ.

Chênh lệch giàu nghèo

Bên trong một sòng bạc tại Macau (Ảnh: Reuters)
Bên trong một sòng bạc tại Macau (Ảnh: Reuters)

Có thể chứng kiến sự chênh lệch giàu nghèo tại bất kỳ ngóc ngách nào ở Macau - khu vực được xem là “Las Vegas của châu Á” và là nơi duy nhất tại Trung Quốc sòng bạc được hợp pháp hóa. Những tòa nhà chọc trời lấp lánh đối ngược với những căn hộ xám xịt nằm len lỏi trong những ngõ hẻm cũ kỹ chật hẹp. Trên đường, hàng nghìn khách du lịch với những túi đồ mua sắm lỉnh kỉnh trên tay bước ngang qua những người già đang thu lượm những tấm bìa các tông trên vỉa hè.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo Macau sẽ vượt qua Qatar trở thành nền kinh tế giàu nhất thế giới trong hai năm tới. Tới năm 2020, Macau được dự đoán sẽ đạt mức GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, ở mức 143.116 USD. Cũng theo báo cáo của IMF, với tốc độ phát triển liên tục như hiện tại, “kinh đô sòng bạc” của thế giới sẽ còn bỏ xa các đối thủ về độ giàu có trong tương lai. Tuy vậy, nhiều người dân Macau nói rằng họ không được hưởng lợi từ sự giàu có này.

Hầu hết mọi người đều nhìn thấy vẻ hào nhoáng của Macau, nhưng ít ai dành thời gian đi bộ xung quanh các khu vực nghèo khó hơn tại thành phố được xem là một trong những nơi đông đúc nhất thế giới này. Phía sau những tòa nhà lộng lẫy, những thương hiệu nổi tiếng, những cọc tiền đặt trên các bàn chơi tại sòng bạc là những tầng lớp người dân sống trong nghèo đói và chật vật sinh tồn tại Macau.

Theo Paul Pun, tổng thư ký của tổ chức xã hội Caritas Macau, chưa đầy 10% dân số Macau sống trong mức nghèo đói và chỉ khoảng 4% gặp khó khăn trong việc đáp ứng những nhu cầu thực phẩm cơ bản. Tuy con số này không quá “sốc”, nhưng điều đáng chú ý là tình trạng bất bình đẳng tại Macau.

“Chênh lệch giàu nghèo ở Macau rất lớn, thậm chí còn tệ hơn ở Hong Kong - nơi vốn được xem là rất tệ”, Paul Pun cho biết.

Một báo cáo được công bố năm ngoái cho thấy chênh lệch giàu nghèo ở Hong Kong, nơi từng là thuộc địa của Anh, lên tới mức mức kỷ lục khi mức thu nhập của những hộ gia đình giàu nhất cao gấp 44 lần so với những gia đình nghèo nhất.

Giá nhà tăng cao cũng gây ra không ít khó khăn cho người dân Macau.

“Giá các căn hộ ở Macau tăng cao kỷ lục, vượt quá khả năng chi trả của đa số người dân nói chung. Những gia đình thu nhập thấp gặp khó khăn nhiều nhất vì họ không đủ tiền để chi trả cho nơi ở. Những gia đình có mức thu nhập trung bình cũng đối mặt với thách thức tương tự khi họ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc vừa phải trả tiền nhà, vừa phải duy trì các chi phí sinh hoạt cho gia đình và nuôi con”, Paul Pun cho biết.

Chính sách chưa ổn thỏa

Những ngôi nhà cũ trong cách ngõ ngách tại Macau (Ảnh: SCMP)
Những ngôi nhà cũ trong cách ngõ ngách tại Macau (Ảnh: SCMP)

Những người lao động nhập cư, lực lượng chiếm khoảng 1/3 dân số Macau, được cho là nằm trong nhóm đối tượng gặp khó khăn nhiều nhất tại Macau. Những người không phải dân bản địa tại Macau thường được trả mức lương thấp hơn do họ không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền.

Theo các số liệu thống kê chính thức, mức thu nhập bình quân hàng tháng của người dân Macau khoảng 20.000 pataca. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu công bố năm ngoái cho thấy mức lương dành cho người Philippines và Indonesia làm việc ở Macau chỉ là 3.700 pataca và 4.000 pataca, thậm chí một số người chỉ nhận được 1.500 pataca một tháng.

“Một số chỉ số kinh tế quan trọng cho thấy Macau nằm trong nhóm các thành phố giàu có nhất thế giới, nhưng trên thực tế sự giàu có này tập trung vào tay của một số ít người. Tình hình hiện tại ở Macau có thể được ví như một người khoác chiếc áo bằng vàng lộng lẫy, nhưng đồng thời cũng phải gánh trên vai những sức nặng”, chuyên gia Pun nhận định.

Sulu Sou Ka-hou, 26 tuổi, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và là nhà lập pháp trẻ nhất trong hội đồng lập pháp địa phương tại Macau, cho biết “có mối quan hệ rất chặt chẽ giứa chính quyền và khối doanh nghiệp”.

“Nhiều chính sách được ban hành để mang lại lợi ích cho họ (các doanh nghiệp), như chính sách về đất đai. Điều này đã làm gia tăng sức ép về nhà cửa và khiến chênh lệch giàu nghèo càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây. Sự phát triển của ngành công nghiệp sòng bạc ở Macau đã mang lại những vấn đề xã hội tiêu cực. Nó làm Macau giàu hơn nhưng cũng nới rộng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Tôi biết có những người sở hữu tới 50 ngôi nhà, nhưng tôi cũng biết có những người phải sống ở những nơi rất chật hẹp ở phía bắc của Macau”, Sou cho biết.

Theo Sulu Sou, cuộc sống ở Macau đặc biệt khó khăn với những người già và những người lao động tay nghề thấp khi họ không thể thích nghi với những điều kiện sống tại một thành phố mà chủ yếu kinh doanh sòng bạc. Trong khi đó, giới trẻ Macau cũng phải chật vật trên con đường tìm kiếm việc làm.

“Họ cảm thấy rằng họ chỉ có hai lựa chọn, hoặc trở thành nhân viên sòng bạc, hoặc trở thành công chức nhà nước”, Sou nói.

Chính quyền Macau cũng rót hàng triệu USD vào các chương trình phúc lợi xã hội và trợ cấp. Tuy nhiên những người chỉ trích cho rằng chính quyền đang đầu tư quá nhiều tiền vào những chính sách ngắn hạn như phát tiền mặt hàng năm cho dân, trong khi không tập trung vào các chính sách dài hạn trong các lĩnh vực cơ bản như nhà ở, chăm sóc người già, y tế và giáo dục.

Thành Đạt

Theo SCMP