1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc sống bí mật của các nhà truyền giáo Trung Quốc ở Iraq

(Dân trí) - Những người truyền giáo Trung Quốc đi theo đức tin để tới những miền đất xa xôi ở Iraq. Họ vui khi được trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương, nhưng cũng lo sợ khi phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Người tị nạn Yazidi sơ tán ở phía bắc Iraq (Ảnh: Reuters)
Người tị nạn Yazidi sơ tán ở phía bắc Iraq (Ảnh: Reuters)

Vào tháng trước, vụ việc hai nhà truyền giáo Trung Quốc bị các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết ở Pakistan đã đặt ra nguy cơ đe dọa tới tính mạng của những người làm công việc này. Tuy nhiên, hai người Cơ Đốc giáo Trung Quốc trẻ tuổi sống gần thủ phủ của IS ở miền Bắc Iraq trong hơn một năm qua nói rằng cuộc sống của họ ở đây thậm chí còn yên bình hơn ở quê nhà.

Đức tin dẫn lối

Michael, 25 tuổi, và Christy, 23 tuổi, đã rời Trung Quốc cách đây hơn một năm, ngay sau đám cưới của họ để đến một trong những nơi bị chiến tranh tàn phá nhất trên thế giới. "Không như những gì người ngoài đọc thấy trong các bản tin, sự tàn phá của chiến tranh chưa lan đến khu vực này, tôi thực sự cảm thấy an toàn. Cuộc sống ở đây vẫn bình thường", Michael nói, so sánh những gì anh đã trải qua ở Iraq với quãng thời gian ở Trung Quốc khi còn là nhân viên làm việc toàn thời gian trong một nhà thờ Cơ Đốc giáo bí mật.

Không có thống kê chính thức về số lượng các nhà truyền giáo Trung Quốc làm việc ở nước ngoài vì họ thường đi du lịch với tư cách doanh nhân hoặc giáo viên. Tuy nhiên, theo ước tính của một số nhà nghiên cứu và các nhà thờ ở Trung Quốc, con số thực tế có thể lên tới hàng trăm, thậm chí là vài nghìn trường hợp như vậy.

Noi gương các nhà truyền giáo phương Tây hàng thế kỷ trước, hầu hết các nhà truyền giáo Trung Quốc đều hoạt động tại các nước đang phát triển, và công việc này trở nên nguy hiểm hơn ở những quốc gia Hồi giáo. Ngôi nhà lý tưởng cho hầu hết các cặp vợ chồng Trung Quốc sẽ ở những khu vực như quần đảo Maldives. Tuy nhiên, Michael và Christy, một nhân viên trang điểm, đã dành tuần trăng mật của họ tại một ngôi làng ở Iraq và nói rằng họ được gọi tới đây bởi đức tin.

“Một số người có thể nghĩ rằng đây là điều gì đó lạ thường, nhưng không, đó là việc đúng đắn để làm” Michael nói.

Nguy hiểm rình rập


Michael trong một bức ảnh chụp ở Iraq (Ảnh: SCMP)

Michael trong một bức ảnh chụp ở Iraq (Ảnh: SCMP)

Đôi vợ chồng trẻ đã làm việc với tư cách là tình nguyện viên tại một địa điểm được bảo vệ - nơi cách địa bàn hoạt động của IS khoảng 60km. Trong khi đó, các chiến binh IS từng sử dụng thường dân làm lá chắn sống và hành quyết tập thể những người cố gắng chạy trốn.

Nguyện cống hiến cuộc đời mình cho nhiệm vụ truyền giáo, Michael và Christy nói rằng họ sẵn sàng ở lại Iraq vô thời hạn. Christy nói: "Những gì chúng tôi làm không phải là điều hiếm hoi trong số những người Cơ Đốc giáo ở Trung Quốc. Còn rất nhiều người khác mãi mãi tôn thờ Cơ Đốc Giáo và cống hiến cuộc đời họ cho vương quốc của Chúa".

Với đức tin, tiếng Anh và tiếng Ả rập tự học bập bõm, Michael và Christy làm việc cùng những người tị nạn Yazidi, thành viên một nhóm tôn giáo thiểu số bị IS cho là có liên hệ với ma quỷ.

Một nghiên cứu được đưa ra hồi tháng 5 cho biết, trong năm 2014 có ít nhất 9.900 người Yazidi tại Iraq đã bị giết hoặc bị bắt cóc trong các chiến dịch tấn công của IS. Theo báo cáo, khoảng 3.100 người đã thiệt mạng - hơn một nửa trong số đó bị bắn, chặt đầu hoặc thiêu sống - và khoảng 6.800 người khác bị bắt cóc để trở thành nô lệ tình dục hoặc cưỡng ép thành chiến binh.

Để trang trải cuộc sống, Christy may vá quần áo cùng những bà góa Yazidi. Thỉnh thoảng, cô và Michael dạy tiếng Anh cho trẻ em địa phương, đa phần là trẻ mồ côi hoặc đến từ các gia đình chỉ còn bố hoặc mẹ.

“Chúng tôi chỉ hạnh phúc khi dành thời gian với họ. Mỗi người đều có câu chuyện riêng của mình và tất cả những gì họ cần là tình yêu, vì vậy chúng tôi ở đây để mang lại cho họ tình yêu của Thiên Chúa”, Christy cho biết.

Theo Michael, hai người không nhắc đến đức tin của mình vì họ cho rằng chia sẻ tình yêu qua cuộc sống sẽ quan trọng hơn lời nói, và cả hai muốn tôn trọng nền văn hoá địa phương. Họ cũng cố gắng học ngôn ngữ của người Yazidis.

Hai nhà truyền giáo Trung Quốc Meng Li Si (trái) và Lee Zing Yang (Ảnh: EPA)
Hai nhà truyền giáo Trung Quốc Meng Li Si (trái) và Lee Zing Yang (Ảnh: EPA)

Mặc dù vậy, Christy và Micheal cũng phải đối mặt với những nguy hiểm khác, ngoài mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Gần đây, Christy đã suýt mất mạng và mất hai tháng để hồi phục sau khi bị nhiễm trùng sau khi các bác sĩ Iraq mổ cho cô bằng những dụng cụ y tế chưa được sát trùng trong một rạp hát thiếu vệ sinh.

Tại Trung Quốc, xu hướng ra nước ngoài không phải vì mục đích du lịch không phải hiếm, và truyền giáo là một trong số đó. Tuy nhiên, những rủi ro về an ninh luôn thường trực. Mới đây, giới chức Pakistan đã xác nhận cái chết của hai nhà truyền giáo Trung Quốc là Lee Zing Yang và Meng Li Si.

Những tay súng IS đã hành quyết hai người này sau khi họ bị bắt cóc ở thành phố Quetta, Pakistan vào cuối tháng 5. Sau vụ việc này, chính phủ Pakistan đã thắt chặt visa thương mại và gửi 11 nhà truyền giáo cùng nhóm với Lee và Meng về Trung Quốc.

"Chúng tôi rất buồn sau khi biết tin về hai nhà truyền giáo ở Pakistan", Michael nói.

Michael cho rằng vụ việc đã nhắc nhở các nhà truyền giáo Trung Quốc trước hết cần phải tôn trọng nền văn hoá địa phương và tránh bị coi là áp đặt đức tin vào người khác. "Việc thuyết giảng kinh thánh ở một quốc gia Hồi giáo là bất hợp pháp. Một ông bố sẽ giết con trai mình nếu biết nó cải đạo", Michael cho biết.

Tùng Anh

Theo SCMP