1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia nêu sai lầm chiến thuật của Mỹ khi cấp tên lửa tầm xa cho Kiev

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia chỉ ra sai lầm về mặt chiến thuật của Mỹ khi viện trợ tên lửa ATACMS có tầm tấn công 165km cho Ukraine.

Chuyên gia nêu sai lầm chiến thuật của Mỹ khi cấp tên lửa tầm xa cho Kiev - 1

Tên lửa ATACMS (Ảnh: Lockheed Martin).

Theo Newsweek, chuyên gia Phillips P. O'Brien từ Đại học St Andrews (Anh) nhận định rằng việc Mỹ cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa ATACMS trong thời gian qua có thể là nước đi không hiệu quả vì số lượng quá ít, không đủ để đáp ứng được nhu cầu chiến thuật của lực lượng Kiev.

Theo ông O'Brien, Ukraine "lẽ ra phải nhận được đủ số tên lửa để phá hủy tất cả các sân bay" ở khu vực Moscow kiểm soát.

Trước đó, các nguồn tin nói rằng, Ukraine nhận được 20 tên lửa ATACMS có tầm tấn công 165km. Khi bắn đi, tên lửa này có khả năng bung ra 950 quả đạn nhỏ, có thể phá hủy một khu vực rộng lớn.

Ukraine tuyên bố đã dùng tên lửa ATACMS tấn công sân bay quân sự tại 2 khu vực Nga kiểm soát, phá hủy 9 trực thăng của đối phương. Nga chưa bình luận về thông tin này.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát Mỹ quyết định cấp cho Kiev tên lửa tầm xa. Washington từng bày tỏ lo ngại dòng tên lửa này có thể khiến xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Ukraine đã trấn an Mỹ bằng cách cam kết sẽ không dùng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga. Cái "gật đầu" của Mỹ được xem là bước ngoặt lớn, nhưng có thể chưa thay đổi được cục diện chiến sự.

ATACMS là tên lửa hiệu quả, nhưng theo ông O'Brien, việc Mỹ gửi cho Ukraine quá ít tên lửa là sai lầm, vì điều này đã giúp Nga có thời gian để phản ứng và thích nghi, cũng như tìm cách đánh chặn được ATACMS.

Với số lượng ATACMS hạn chế, Ukraine phải tính toán kỹ lưỡng để có thể tấn công mục tiêu Nga có chọn lọc nhằm đảm bảo không lãng phí vũ khí. Điều này sẽ khiến nhịp độ tấn công giảm xuống, khó tạo hiệu ứng phá hủy dồn dập và cho Nga thời gian tìm ra cách đánh chặn. 

Ngày 25/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ 2 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo hãng tin Tass (Nga), đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố bắn hạ 2 tên lửa ATACMS của Mỹ.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng việc phương Tây viện trợ quân sự "nhỏ giọt" cho Ukraine có thể gây ra bất lợi cho Kiev.

Ví dụ, Ukraine đã phản công tới 4 tháng thì xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams của Mỹ mới được chuyển cho nước này. Lô 31 xe vừa ít về số lượng, lại được đưa tới vào thời điểm bất lợi khi mùa đông sắp tới gần.

Oleksiy Goncharenko, một nghị sĩ quốc hội Ukraine, thừa nhận rằng 31 xe tăng "không thể tạo ra sự khác biệt", mặc dù Kiev rất cảm ơn vì sự hỗ trợ của Mỹ.

Marina Miron, nhà nghiên cứu tại King's College London (Anh), nói thêm: "Số lượng Abrams chưa đủ để tạo ra bước ngoặt ở Ukraine".

Bà cho biết, số xe này khá ít, nhưng Ukraine phải tạo ra một chuỗi cung ứng mới về đạn dược và linh kiện thay thế, cũng như đảm bảo có đủ xe chở nhiên liệu để hỗ trợ các xe tăng hoạt động.

"Tất cả điều này không chỉ tạo ra vấn đề cho chuỗi cung ứng mà còn trở thành mục tiêu hấp dẫn cho pháo binh và máy bay không người lái của Nga", bà cảnh báo.

Giới chức Ukraine thừa nhận, họ cần nhiều hơn nữa tên lửa ATACMS để đối phó Nga. Nghị sĩ Ukraine Goncharenko cho rằng, dù ATACMS rất hiệu quả nhưng chỉ vài chục tên lửa không làm thay đổi đáng kể năng lực tác chiến của Ukraine.

"Chúng tôi cần hàng trăm quả tên lửa như vậy", ông nói, thừa nhận việc viện trợ "nhỏ giọt" của Mỹ gây ra khó khăn lớn cho Ukraine.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine