1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bức ảnh anh bộ đội bên “Bức tường Việt Nam” ở Mỹ

“Bức tường Việt Nam” ở thủ đô Washington của Mỹ là một trong những địa danh “phải đến” đối với nhiều người Mỹ và du khách Việt Nam mỗi khi đến thành phố này.

Nằm khiêm nhường, thực ra là tụt hẳn xuống so với mặt bằng xung quanh, “Bức tường Việt Nam” là những phiến đá cẩm thạch lớn được khéo léo mài, ghép để tạo thành hình chữ V hướng về phía hồ Kính Thiên (Reflection Pool). Trên các phiến đá, cao dần khi chạy vào đáy chữ V, ghi tên của hơn 58.000 binh sĩ Mỹ chết ở chiến trường Việt Nam từ những ngày đầu cuộc chiến... cho đến tận ngày hôm nay.

 

Nói như thế là vì cho đến nay, một số lính Mỹ chết sau chiến tranh, nhưng được khẳng định là do những căn nguyên trực tiếp từ chiến tranh, tên tuổi của họ cũng được ghi lên đó. Ngoài ra, hơn 1.000 quân nhân Mỹ được coi là “mất tích trong khi làm nhiệm vụ - MIA”, nếu được xác nhận là đã chết trong chiến tranh Việt Nam, tên của họ cũng sẽ được khắc lên bức tường đá đen độc đáo này.

 

22 năm mang bức ảnh trong ví...

 

Cứ mỗi khi hè về, vào dịp lễ Tưởng niệm (Memorial Day) hay Ngày Cựu binh (Veteran Day) hoặc bất kỳ ngày lễ lớn nào của nước Mỹ, hàng ngàn người lại lặng lẽ xếp hàng, lần theo “Bức tường Việt Nam” tìm tên của thân nhân, bè bạn, hay đơn giản chỉ là hồi tưởng về một giai đoạn bi thương, chia rẽ, xáo trộn và đổ vỡ của nước Mỹ.

 

Có người còn mang theo giấy và thỏi chì để “cà tên” người thân trên bức tường, như ở ta “cà số khung, số máy” xe, để đem về nhà thờ cúng. Nhiều người mang theo vòng hoa, hay đơn giản chỉ một bông hoa, một điếu thuốc lá, một kỷ vật nho nhỏ nào đó... đến đặt dưới chân bức tường, đứng lặng hồi lâu. Không thiếu người nước mắt vẫn chảy tràn dẫu rằng cuộc chiến đã đi qua hơn 30 năm.

 

Bức ảnh anh bộ đội bên “Bức tường Việt Nam” ở Mỹ - 1
 

Bức ảnh anh bộ đội Việt Nam với

con gái và thư của người lính Mỹ.

 

Trong số hàng trăm ngàn kỷ vật để lại dưới chân “Bức tường Việt Nam” mà ban quản lý “Bức tường” lưu lại và trân trọng bảo quản là tấm ảnh đã rất cũ của một anh bộ đội Việt Nam chụp chung với con gái. Không biết ai là người đã để lại bức ảnh đó, và cũng chưa ai biết tên anh bộ đội là gì, người con gái đó là ai... Bên dưới bức ảnh này là những dòng chữ viết bằng tiếng Anh, chắc chắn là của người để lại tấm ảnh dưới chân “Bức tường” linh thiêng này:

 

“Thưa ông, 22 năm qua, tôi đã mang tấm hình của ông trong ví. Cái ngày chúng ta giáp mặt nhau, tôi mới 18 tuổi... Vì sao ông không lấy mạng sống của tôi sẽ mãi mãi là điều tôi không bao giờ biết nổi. Ông nhìn chằm chằm vào mắt tôi rất lâu, trong tay ông là khẩu tiểu liên AK-47, mà sao ông lại không bắn. Xin ông hãy tha thứ cho tôi vì đã cướp đi mạng sống của ông. Bao nhiêu năm qua, không biết bao nhiêu lần, tôi ngắm nhìn hình ông và con gái, tôi đoán rằng vậy. Mỗi lần như thế, tâm can tôi lại bỏng rát cảm giác tội đồ. Xin ông hãy tha thứ cho tôi...”.

 

Bài học từ bức ảnh

 

Tấm hình vô danh này đã được ban quản lý “Bức tường Việt Nam” lưu giữ như hàng trăm ngàn kỷ vật khác được người ta để lại, và có lẽ sẽ không ai biết tới nếu mới đây Học viện Quân sự Westpoint nổi tiếng của Mỹ không mượn nó để làm giáo cụ trực quan, minh họa cho bài giảng tâm lý quân nhân khi phải đối diện với kẻ thù và phải thực hiện hành vi giết người.

 

Các giáo viên của Westpoint cố gắng biện giải và cả bằng những ví dụ thực tế để chứng minh rằng người lính, khi thực hiện nhiệm vụ quân nhân của mình, họ không có tội khi bắn giết đối phương. Các học viên sĩ quan tỏ ra đồng thuận với lý lẽ của thầy, nhưng khi được xem bức ảnh Anh bộ đội Việt Nam và con gái, cùng với lời sám hối trọn đời của một người lính Mỹ vô danh, họ đã lặng đi, không thể bình luận gì hơn.

 

Tôi, người viết bài này, cứ thầm nghĩ nhân cách người lính và tấm hình rách góc để lại của Anh bộ đội Việt Nam, anh hùng mà đầy lòng nhân ái, chắc chắn đã đem lại cho các sĩ quan Mỹ tương lai bài học về sự nghiệt ngã của chiến tranh, khát vọng hòa bình của con người, sự ăn năn, sám hối của những người lính viễn chinh khi họ phải bắn giết, không phải để bảo vệ đất nước, nhân dân mình, mà là nhân danh một tín điều, một giá trị nào đó.

 

Theo Bách Hương (viết từ Washington D.C)

Người lao động