1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ảnh vệ tinh thổi bùng tranh cãi về vụ đụng độ đổ máu Trung - Ấn

(Dân trí) - Một lãnh đạo quốc hội Ấn Độ đã chỉ trích Thủ tướng Narendra Modi vì những bình luận bị cho là mâu thuẫn với hình ảnh vệ tinh ghi lại ở khu vực xảy ra đụng độ đẫm máu Ấn - Trung hôm 15/6.

Ảnh vệ tinh thổi bùng tranh cãi về vụ đụng độ đổ máu Trung - Ấn - 1
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra khu vực dọc biên giới với Trung Quốc. (Ảnh: PTI)

Hãng tin NDTV của Ấn Độ cho biết, phát biểu tại một cuộc họp toàn thể vào hôm 19/6, vài ngày sau vụ đụng độ đẫm máu ở biên giới tranh chấp Ladakh, Kasmir, Thủ tướng Narenda Modi khẳng định rằng, không có bất cứ vụ xâm phạm nào vào lãnh thổ của Ấn Độ, cũng như không có khu vực nào của Ấn Độ bị phía Trung Quốc chiếm giữ.

Bình luận này của ông Modi đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích và hoài nghi.

Lãnh đạo quốc hội Ấn Độ Rahul Gandhi bình luận trên Twitter tối ngày 21/6 rằng: "Thủ tướng nói không ai xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ và cũng không ai chiếm giữ lãnh thổ của chúng ta. Tuy nhiên, các ảnh vệ tinh rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã chiếm giữ lãnh thổ của Ấn Độ gần hồ Pagong". Trước đó, ông Gandhi cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Nếu không có sự xâm phạm của Trung Quốc, tại sao binh sĩ của chúng ta thiệt mạng? Họ đã ngã xuống ở đâu”?

Một nghị sĩ quốc hội có tên Asaduddin Owaisi cũng cho biết ông cảm thấy vô cùng "rối trí". "Trung Quốc vẫn còn chiếm giữ lãnh thổ ở Chốt tuần tra số 14 ở thung lũng Galwan nơi 20 binh sĩ của chúng ta đã hy sinh chứ? Đây là lãnh thổ ở khu vực LAC do Ấn Độ hay Trung Quốc kiểm soát". Ông Kamal Haasan, một chính trị gia của Ấn Độ, lên tiếng kêu gọi chính phủ minh bạch các thông tin liên quan đến vụ đụng độ.

Hồ Pagong ở phía đông Ladakh là nơi đã xảy ra các vụ đụng độ giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ hôm 5-6/6, sau đó căng thẳng biên giới giữa hai nước đã leo thang nhanh chóng. Các cuộc đàm phán quân sự cấp cao đã góp phần giúp hạ nhiệt căng thẳng trước khi vụ đụng độ đẫm máu bất ngờ xảy ra tối 15/6 ở thung lũng Galwan, Ladakh.

Các ảnh vệ tinh do NDTV thu thập được cho thấy, vài ngày trước khi xảy ra đụng độ, quân đội Trung Quốc đã đưa hơn 200 xe tải, các máy ủi và thiết bị đào xới đất đến thung lũng Galwan ở Ladakh. Một số ảnh vệ tinh được truyền thông đăng tải trước đó cũng cho thấy, dường như Trung Quốc đã tìm cách thay đổi hiện trạng ở khu vực tranh chấp với việc chặn một dòng sông và xây các con đường mới.

Ảnh vệ tinh thổi bùng tranh cãi về vụ đụng độ đổ máu Trung - Ấn - 2

Ảnh vệ tinh cho thấy, hôm 9/6 chưa có xe tải nào của Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp, nhưng chỉ một ngày sau vụ đụng độ đã có 79 xe tại đây. (Ảnh: Planet Labs)

Ảnh vệ tinh khác cho thấy, hôm 9/6, trước khi xảy ra đụng độ, không có bất cứ xe quân sự nào của Trung Quốc gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở thung lũng Galwan, nhưng đến ngày 16/6, một ngày sau vụ đụng độ, có ít nhất 79 xe quân sự của Trung Quốc ở đây, chủ yếu là xe tải.

Vụ đụng độ tối 15/6 ở biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ là vụ đụng độ đẫm máu nhất hơn 40 năm qua. Tuy các binh sĩ chỉ dùng gậy gộc và gạch đá, song con số thương vong được cho là khá lớn. Quân đội Ấn Độ xác nhận 20 quân nhân của họ thiệt mạng, trong khi đó Trung Quốc vẫn chưa bình luận về thương vong. Bộ trưởng Giao thông và Đường bộ Ấn Độ V.K Singh cho rằng, ít nhất 40 binh sĩ của Trung Quốc đã thiệt mạng sau vụ đụng độ.

Sau vụ việc, cả Trung Quốc và Ấn Độ được cho là đã tăng cường lực lượng ở biên giới. Ấn Độ đã điều thêm các trực thăng, máy bay chiến đấu đến khu vực này. Ngoài ra, theo hãng tin Sputnik, Ấn Độ đang cân nhắc hối thúc Nga bàn giao sớm các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá hơn 5,4 tỷ USD. Vấn đề trên dự kiến sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trong tuần này. Giới chức quân sự Ấn Độ cũng đang đẩy nhanh việc đề xuất và thông qua thương vụ mua 36 máy bay chiến đấu của Nga.

Minh Phương
Theo Sputnik, NDTV