Anh nói Ukraine có thể đã phá hủy 3 lá chắn S-400 Nga trong 1 tuần

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tình báo Anh nói rằng Ukraine có thể đã phá hủy 3 lá chắn của Nga trong 1 tuần, diễn biến nếu đúng sự thật thì sẽ làm suy yếu năng lực phòng không của Moscow.

S-400_Afp

Một tổ hợp S-400 (Ảnh: AFP).

Tình báo Anh cho biết, Ukraine có thể đã phá hủy ít nhất 4 lá chắn phòng thủ tầm xa của Nga trong 1 tuần. Theo phía Anh, trong 4 lá chắn trên, dường như có 3 tổ hợp S-400 đã bị tấn công ở khu vực Lugansk vào cuối tháng trước.

Anh nhận định, nếu thông tin này chính xác, Nga có thể sẽ phải điều động các tổ hợp phòng không bù đắp những gì đã mất ở khu vực tác chiến và điều này có thể sẽ làm suy giảm năng lực phòng thủ của Moscow.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga được thiết kế để bắn hạ máy bay và tên lửa ở tầm xa và độ cao lớn. Nó bao gồm các radar gắn trên xe tải, một trạm chỉ huy di động và nhiều bệ phóng tên lửa.

Anh cho rằng, việc Nga mất S-400 - một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất - có thể là dấu hiệu cho thấy lá chắn phòng vệ của Moscow đang đối mặt với thách thức từ vũ khí tấn công chính xác hiện đại của đối thủ.

Chưa rõ Ukraine đã sử dụng loại vũ khí nào để tấn công S-400 nhưng các kênh Telegram của Nga đưa ra giả thuyết rằng Kiev có thể sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS.

Mỹ đã gửi cho Ukraine khoảng 20 quả tên lửa tầm tấn công 165km vào giữa tháng 10. Ukraine tuyên bố, trong lần khai hỏa đầu tiên, ATACMS đã phá hủy 9 trực thăng Nga khi bắn vào 2 căn cứ tại khu vực mà Nga kiểm soát tại Donbass.

Theo Forbes, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy 2 động cơ tách rời của ATACMS ở Lugansk, chi tiết có thể củng cố cho đồn đoán rằng tên lửa này đã được sử dụng để tấn công các tổ hợp S-400.

Ngoài ATACMS, Ukraine cũng có các tên lửa hành trình tầm xa như Storm Shadow của Anh hay SCALP-EG từ Pháp. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn của ATACMS với 2 tên lửa trên là nó mang theo 950 quả đạn chùm bên trong.

Khi tên lửa này được phóng ra, những quả đạn nhỏ sẽ văng ra một khu vực rộng lớn, có thể gây ra thiệt hại nặng cho các khí tài trên mặt đất.

Trước đó, Riley Bailey, nhà phân tích tại tổ chức ISW (Mỹ), nhận định tên lửa ATACMS có tầm tấn công 165km mà Washington viện trợ cho Ukraine đang làm khó Nga, khiến một trong những chiến thuật Moscow áp dụng trong thời gian qua trở nên ít hiệu quả hơn.

Loại vũ khí này cho phép Ukraine tấn công ở khoảng cách xa, tiếp cận các mục tiêu có giá trị cao như kho vũ khí, thiết bị, đạn dược.

Việc ATACMS có đạn chùm bên trong giúp Ukraine hóa giải chiến thuật của Nga trước đó nhằm đối phó với các vụ tấn công tầm xa của Kiev, theo chuyên gia Bailey.

Theo ông, trước khi HIMARS xuất hiện vào tháng 6 năm ngoái, Nga thường tập trung các thiết bị quân sự vào một khu vực. Để đối phó với HIMARS, Nga đã rút ra bài học và phân tán các vũ khí, khí tài ra một khu vực rộng hơn để làm giảm hiệu quả tàn phá của rocket Mỹ cấp cho Ukraine.

Tuy nhiên, với gần 1.000 quả đạn chùm trong ATACMS, Ukraine lúc này có thể tập kích các thiết bị, vũ khí của đối phương nằm cách xa nhau, với phạm vi phá hủy rộng hơn hẳn.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết ATACMS đã đánh dấu một "chương mới của cuộc xung đột này" và có nghĩa là "không còn nơi nào an toàn hơn cho quân đội Nga" ở Ukraine.

Ông Bailey cho biết, một trong những phương án Nga có thể lựa chọn là tiếp tục phân tán vũ khí, khí tài, kho đạn xa nhau hơn nữa. Điều này mang lại những hạn chế lớn, gây ra gánh nặng hậu cần cho Moscow. Máy bay phải rút về sâu hơn so với tiền tuyến cũng ảnh hưởng tới thời gian mà chúng có thể được điều động để làm nhiệm vụ chiến đấu.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine