Tâm điểm
Võ Quang Huệ

Vì sao du lịch Việt Nam khó "đuổi" kịp Thái Lan?

Tôi vừa có chuyến du lịch dài ngày ở Thái Lan. Hôm bay đến Bangkok, tôi thực sự thấy choáng khi chứng kiến dòng du khách quốc tế xếp hàng "rồng rắn" ở sân bay, trong đó đa phần là khách trốn mùa đông đến từ Nga và châu Âu.

Đọc báo mới biết Thái Lan đang bước vào mùa cao điểm du lịch, mỗi ngày đón khoảng 50.000 - 60.000 khách quốc tế. Vào ngày 10/12 này, 7 sân bay và 2 cửa khẩu của Thái Lan sẽ đồng loạt tổ chức sự kiện đánh dấu 10 triệu lượt khách năm 2022, như một lời cảm ơn tới các du khách quốc tế. Như vậy là du lịch Thái Lan đã phục hồi rất mạnh mẽ sau đại dịch.

Nhìn về Việt Nam chúng ta, là một trong những nước mở cửa du lịch quốc tế trở lại khá sớm (từ tháng 3/2022), đến hết tháng 11 vừa qua khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người. Như vậy nếu tính thời điểm trước khi đại dịch bùng nổ (năm 2019, Thái Lan đón gần 40 triệu du khách, Việt Nam là 18 triệu) và sau khi mở cửa trở lại, nhìn chung chúng ta vẫn ở khoảng cách khá xa so với Thái Lan về thu hút du khách quốc tế, hay nói cách khác là còn lâu mới "đuổi kịp" bạn và nếu không cố gắng thì khoảng cách lại doãng ra.

Thái Lan phát triển ngành du lịch tốt hơn ta. Đây là một thực tế và đã có nhiều nhà chuyên môn phân tích lý do, tự mỗi người trong chúng ta nếu có dịp đi du lịch ở Thái Lan cũng cảm nhận được vì sao. Ở đây tôi muốn đưa một vài nhận xét cá nhân để cùng bàn luận về chủ đề này.

Trước hết là cơ sở hạ tầng. Thái Lan tạo ấn tượng khá tốt với du khách không chỉ ở số lượng và chất lượng khách sạn mà ở hệ thống đường bộ, đường sắt, xe buýt, metro, máy bay…, nhìn chung đi lại thuận tiện hơn nhiều so với Việt Nam. Có một điểm chung là nạn kẹt xe thì Bangkok cũng tương tự như một số đô thị lớn ở ta.

Vì sao du lịch Việt Nam khó đuổi kịp Thái Lan? - 1

Thung lũng Mường Hoa nằm cách thị trấn Sa Pa chừng 8km về phía đông nam, một trong những địa chỉ du lịch thu hút nhiều du khách nước ngoài (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).

Tiếp theo, giá cả ở Thái Lan (tiền khách sạn, ăn uống, vui chơi và đi lại) rẻ và hợp lý hơn chúng ta, nếu lấy GDP/trên đầu người giữa ta và Thái để so sánh. GDP bình quân đầu người của Thái Lan vào năm 2021 là 7,233.39 USD theo số liệu từ Ngân hàng thế giới, còn của Việt Nam là 3,694.02 USD. Nghĩa là chúng ta chỉ bằng khoảng một nửa Thái Lan, tuy nhiên tôi thấy nhiều khoản chi tiêu ở Bangkok và một số điểm du lịch khác có mức giá không đắt hơn so với ở Hà Nội hay TPHCM.

Tôi quan sát thấy đường phố, môi trường sống ở Thái Lan sạch, ngăn nắp hơn các đô thị và khu du lịch ở ta. Nếu lấy Phuket và một số đảo nhỏ khác ra để so với Vịnh Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng hay Phú Quốc, du khách dễ dàng nhận thấy ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan của người Thái khá cao.

Bãi biển công cộng ở Phuket dài nhiều cây số nhưng rất ngăn nắp và trật tự với 80-90% là khách Tây. Đây là nơi đến chơi của số đông du khách bên cạnh các khu 5 sao và chính là không gian để khách trải nghiệm văn hóa địa phương.

Dịch vụ thể thao và giải trí ở Thái Lan đa dạng hơn chúng ta, tất nhiên trong đó có những dịch vụ gây tranh cãi là vấn đề tôi không bàn đến ở đây. Nhưng rõ ràng nếu Việt Nam muốn thu hút thêm du khách quốc tế thì phải tính đến đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ, tổ chức thêm các hoạt động văn hóa hay các sự kiện thể thao quốc tế lớn…

Lần này đến Thái Lan tôi cũng nhận thấy khả năng tiếng Anh của nhân viên phục vụ đã khá lên so với khi tôi đến Thái Lan vài năm trước. Người Thái vui vẻ, tiếp khách thân thiện. Du khách đến Phuket không bị tệ nạn "người bán hàng ép khách", tâm lý người đi chơi thấy thoải mái không bị chặt chém.

Lâu nay vào những ngày lễ ở ta mà không trùng với ngày nghỉ ở Thái, thì đi Thái chơi đã trở thành một lựa chọn của nhiều du khách Việt. Đi Thái Lan lần này, tôi hiểu hơn vì sao có những người thân thỉnh thoảng qua Thái du lịch kết hợp với những ngày lễ.

Trong chuyến đi Thái Lan vừa rồi, tôi gặp 2 vợ chồng người Áo và thật bất ngờ khi họ nói đã 10 lần đến đây từ năm 2003. Như vậy là du khách đến Thái không phải một lần rồi thôi mà họ còn quay lại nhiều lần. Theo tôi được biết Thái Lan là một trong những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có chính sách thị thực thông thoáng nhất, khi miễn visa cho 64 quốc gia và vùng lãnh thổ với thời gian cao nhất 90 ngày và ngắn nhất 14 ngày. Đến nay Việt Nam mới chỉ miễn visa cho 24 nước và thời hạn miễn là 15 ngày.

Có thể nói về điểm đến trong khu vực Đông Nam Á thì du lịch Việt Nam và Thái cạnh tranh trực tiếp với nhau, cho dù phong cảnh thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, thời tiết... chúng ta không thua kém hoặc có những điểm tốt hơn nhưng vì sao lại tụt hậu về khả năng thu hút du khách? Đây là câu hỏi mà các nhà quản lý cần tiếp tục phân tích để tìm nguyên nhân, giải pháp. Có lẽ cũng như trong bóng đá, với ngành du lịch thì trước mắt ta nên xác định mục tiêu dần ngang bằng người Thái (về số du khách, doanh thu…), rồi mới tính xa hơn.

Tác giả: Ông Võ Quang Huệ từng giữ chức Tổng giám đốc (CEO) Bosch Việt Nam, sau đó gia nhập Vingroup và đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, giám sát dự án sản xuất ô tô Vinfast. Hiện ông Huệ là cố vấn cấp cao Tập đoàn Vingroup.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!