Tâm điểm
Phạm Phú Ngọc Trai

Lời phàn nàn của doanh nghiệp và sứ mệnh người cán bộ

Mấy tháng trước, lãnh đạo doanh nghiệp FDI lớn đã đến "phàn nàn" với tôi. Sau nhiều năm hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp này cần được gia hạn giấy phép kinh doanh. Việc tưởng rất bình thường và đơn giản với uy tín và lịch sử lâu đời của doanh nghiệp, vậy mà suốt thời gian dài vẫn chưa được giải quyết, dù đi "gõ cửa" khắp các sở, ban ngành.

Cán bộ các sở đưa ra đủ các "lý do vướng mắc" khiến việc gia hạn giấy phép bị trì hoãn, rồi đẩy doanh nghiệp hết từ sở này sang sở khác. 

Câu chuyện của doanh nghiệp này đã được tôi chia sẻ với người lãnh đạo cao nhất của địa phương, và vấn đề sau đó được xem xét theo quy định.

Ở đây tôi không đưa ra kết luận về câu chuyện trên vì đó là thẩm quyền của cơ quan quản lý. Nhưng tôi hiểu những lời phàn nàn của doanh nghiệp là không đơn lẻ, càng không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để kiến nghị trực tiếp đến lãnh đạo cao nhất của địa phương. Nếu thực trạng chậm trễ này không được giải quyết sẽ ảnh hưởng xấu đến ấn tượng của doanh nghiệp về môi trường đầu tư nói chung.

Trên thực tế, lãnh đạo ở cấp trung ương và địa phương đã nhiều lần đề cập đến thực trạng cán bộ có tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, ngại đặt bút ký do sợ sai. Hiện tượng này trở nên đặc biệt nghiêm trọng hai năm qua. Nói một cách ví von, sau đại dịch Covid, chúng ta lại phải đối mặt với "đại dịch chây ì" trong các công sở.

Xin nêu một vài ví dụ. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương và thực hiện nghiêm Quy chế làm việc. Tuy nhiên, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.

Tháng 10/2023, tại công điện số 968, một lần nữa Thủ tướng yêu cầu đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong xử lý công việc; kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Trước đó, tháng 3/2023, trong cuộc làm việc với Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thừa nhận nhiều việc ở thành phố "đang quá tải và có dấu hiệu ngấm đòn"; ngoài nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan có phần lỗi của một bộ phận cán bộ tránh né, trì trệ, sợ trách nhiệm.

Tháng 6/2023, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi đã phải ký văn bản gửi lãnh đạo các sở, ban, ngành, yêu cầu kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển công tác đối với cán bộ, công chức không dám làm, né tránh, đùn đẩy công việc.

Lời phàn nàn của doanh nghiệp và sứ mệnh người cán bộ - 1

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2023 (Đồ họa: Thủy Tiên - Hoài Thu)

Một vài ví dụ nêu trên phần nào cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của "đại dịch chây ì" trong một bộ phận cán bộ, công chức đối với sức khỏe nền kinh tế của một địa phương cụ thể cũng như cả nước.

Thế nên, những cán bộ tham nhũng đương nhiên là người vi phạm pháp luật. Nhưng theo tôi, cán bộ thấy đúng mà không dám làm, không dám bảo vệ, thì "tội lỗi" cũng không thể nhẹ hơn, vì làm chậm đi quá trình phục hồi kinh tế và mất lòng tin của nhân dân về sự phát triển!

Về nguyên nhân thì có nhiều, cụ thể như chứng kiến hàng loạt quan chức "ngã ngựa" trong các đại án đã dẫn đến tâm lý đùn đẩy, trốn tránh của một bộ phận cán bộ, công chức; rồi những bất cập của hệ thống pháp luật khiến người đặt bút ký đứng trước rủi ro… Ngoài ra không thể không nói đến nguyên nhân từ bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Hệ lụy của tình trạng này là nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí phải đối diện với nguy cơ phá sản khi cán bộ không chịu ký cấp phép dự án (dù đúng luật), "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Đất nước cần những lãnh đạo dũng cảm, lăn xả vì dân

Trong năm vừa qua, tôi gặp rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phàn nàn rằng đang "ngộp thở" vì những trở ngại đến từ tâm lý sợ sệt, đùn đẩy của một bộ phận cán bộ, công chức.

Có lẽ chưa bao giờ, kể từ sau khi mở cửa nền kinh tế, chúng ta cần và nhớ đến những cán bộ can đảm, dám nghĩ, dám làm, dám "vượt qua sợ hãi" như lúc này. Thời kỳ xây dựng CNXH những năm 1960, miền Bắc có Bí thư Kim Ngọc dám thực hiện "khoán hộ" để dân bớt khổ. Thời kỳ trước Đổi mới, miền Nam có Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt, đứng trước nguy cơ người dân thành phố có thể chết đói vì thiếu lương thực do nông dân không chịu bán gạo với giá bao cấp, ông đã thành lập "tổ buôn lậu gạo" để về miền Tây thu mua gạo với giá thị trường…

Ở hai chính khách này có một điểm chung: Can đảm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào những thời điểm đặc thù. Sự can đảm của họ không chỉ đơn thuần xuất phát từ sự liều lĩnh, mà là ý thức được vai trò của vị trí mà họ nắm giữ. Đó là phải bảo vệ tốt nhất quyền lợi của nhân dân, không để dân đói, không để dân khổ.

Trong nhận thức của tôi, đó là những nhà lãnh đạo luôn ý thức được giá trị cốt lõi mà họ cần kiên trì theo đuổi với cương vị của một chính khách là gì. Nếu đến thời điểm khi việc làm theo luật và bảo vệ các giá trị cốt lõi ấy mâu thuẫn với nhau, họ sẽ lựa chọn vế sau. Họ không cố tình làm sai luật, nhưng ý thức được luật pháp nhiều khi không theo kịp thực tiễn. Trong lúc chờ những cải cách về chính sách, họ chọn hành động chứ không ngồi im.

Bối cảnh kinh tế - xã hội có thể thay đổi nhưng giá trị cốt lõi phải là bất biến. Luật pháp sinh ra không nằm ngoài việc kiên trì theo đuổi những giá trị cốt lõi này: bảo vệ sự trung thực, minh bạch, công bằng, cùng thắng với mọi nhóm người trong xã hội, vì "màu cờ sắc áo", vì quyền lợi của người dân.

Khi những giá trị cốt lõi bị tổn thương, thì luật pháp cần thay đổi để tiếp tục trách nhiệm bảo vệ các giá trị ấy.

Một đất nước sẽ không ngừng tiến lên, khi cả chính quyền và nhân dân, các tầng lớp trong xã hội đều theo đuổi những giá trị này. Thế nên mới có một Nhà nước Israel lớn mạnh như ngày nay nhờ sự kiên trì của nhiều thế hệ người Do Thái luôn đau đáu giấc mơ phục quốc; mới có một Nhật Bản từ suy sụp sau Thế chiến II gượng dậy và trở thành cường quốc kinh tế. 

Khi người cán bộ còn ghi nhớ những giá trị cốt lõi kể trên, nghĩa là hồng phúc của dân tộc vẫn còn. Ở những thời kỳ càng đặc thù, thì đất nước càng cần một đội ngũ cán bộ với phẩm chất như thế. Theo tôi, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung hiện đang ở thời kỳ đặc thù này.

Tấm khiên chắn bảo vệ cán bộ

Ngày nay, nếu muốn có những cán bộ dám lăn xả, dám sáng tạo, dám dấn thân, phải có một "cam kết" bằng văn bản từ cấp có thẩm quyền trong việc bảo vệ họ, khi mà sự dám nghĩ, dám làm, dám vượt khuôn khổ khi luật chưa phù hợp, có thể gây rủi ro lớn cho sinh mệnh chính trị của cán bộ. Cam kết này phải bảo vệ cả các cán bộ có sai phạm (không vì mục đích trục lợi cá nhân) trong thời kỳ đặc thù, với tinh thần như Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí đã khẳng định trước quốc hội: "Cán bộ vi phạm nào không vụ lợi thì cần xử lý nhân văn".

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị và Nghị định 73 mới đây của Chính phủ về "Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung" là điều mà nhiều lãnh đạo quản lý cấp trung ương đến địa phương mong mỏi. Dù có thể cần thêm những văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định cụ thể hơn, nhưng đây sẽ là hành lang pháp lý cho cán bộ yên tâm làm việc trong giai đoạn này.

Với các vụ đại án, bên cạnh quá trình điều tra, truy tố, xét xử, tôi cho rằng một việc cần làm khác là chúng ta phải nghĩ nhiều hơn đến việc liệu hệ thống pháp luật có gì cần điều chỉnh không? Nghĩ theo hướng này, thì việc kịp thời ban hành Nghị định 73 chính là một ví dụ cụ thể về sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Hồi tôi còn là giám đốc điều hành một công ty liên doanh, có lần tôi phải ký quyết định buộc thôi việc tổ trưởng ca sản xuất ở nhà máy. Nhân viên này vi phạm quy định công ty về việc giữ gìn vệ sinh trong khu vực sản xuất, khi để cho công nhân tự tiện lấy chai nước trên băng chuyền xuống uống.

Biên bản làm việc của quản lý nhà máy, công đoàn đều đã có, quy định của công ty do chính tôi thông qua, nhưng tôi đã chần chừ khi đặt bút ký quyết định buộc thôi việc sau khi nhìn vào lý lịch của nhân viên: Có bằng đại học, từng là bộ đội, là trụ cột của một gia đình đông anh em.

Vì vậy tôi xuống nhà máy để tìm hiểu vấn đề. Xuống rồi mới phát hiện bình nước cho công nhân uống được đặt ngoài khu vực sản xuất, nên mỗi lần cần uống nước, công nhân phải đi rất xa khỏi nơi làm việc, rồi lại phải rửa tay, tiệt trùng… trước khi quay lại vị trí. Ngày hôm sau, tôi yêu cầu chuyển bình nước đã được vô trùng vào trong khu vực sản xuất để tiện cho công nhân. Sau khi làm việc với lãnh đạo và công đoàn nhà máy để thống nhất cách xử lý, tôi chỉ yêu cầu anh nhân viên viết cam kết không tái phạm chứ không sa thải.

Sẽ thật khập khiễng khi so sánh giữa câu chuyện quản trị doanh nghiệp của tôi với việc vận hành các cơ quan công quyền. Nhưng tôi vẫn tin vào giá trị cốt lõi của tổ chức, vẫn mong, sau mỗi đại án, chúng ta sẽ phải nhìn thẳng vào những điều kiện đặc thù, lỗ hổng pháp lý và điều chỉnh kịp thời.

Ví dụ như đại án Việt Á khiến chúng ta nhìn thấy những bất cập trong Luật Đấu thầu; vụ án Tân Hoàng Minh giúp chúng ta thấy hệ thống pháp luật và công tác quản lý nhà nước với thị trường trái phiếu cần điều chỉnh…

Tôi nhớ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từng có phát biểu được trích dẫn trên báo chí, đại ý rằng cán bộ làm sai luật thì bị xử rất nặng, nhưng cán bộ ban hành nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là một đạo luật khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối thì chưa ai bị làm sao hết.

Để cán bộ yên tâm mà làm việc với tinh thần can đảm, xông pha, thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống luật. Vì chắc chắn còn nhiều cán bộ muốn cống hiến vì lợi ích chung. Miễn là họ tự tin sẽ không "hy sinh vô nghĩa" vì những cái sai vốn không phải của mình.

Đất nước đang cần những cán bộ, công chức thực sự phục vụ nhân dân, tạo thành một nhóm lợi ích của 100 triệu dân Việt Nam.

Tác giả: Ông Phạm Phú Ngọc Trai là doanh nhân từng quản trị nhiều công ty lớn; người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới là PepsiCo Đông Dương. Hiện ông là chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu GIBC; chủ tịch Liên minh tái chế bao bì (PRO Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!