Tâm điểm
Nguyễn Quyết

Khóa tu, trại hè và bài học cho phụ huynh

Sự việc phụ huynh lên tiếng về những bất cập của khóa tu ở chùa Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội), bao gồm cả những yếu tố nguy hiểm với sức khỏe của con trẻ là lời cảnh báo khiến nhiều người giật mình.

Những khóa tu hay trại hè dưới nhiều hình thức khác nhau không phải bây giờ mới có mà đã trở nên phổ biến nhiều năm nay. Tôi tin rằng các bậc phụ huynh gửi con vào khóa tu mùa hè đều mong trẻ được gieo hạt mầm thiện, hạt giống yêu thương và từ đó trân trọng hơn những gì mình đang có trong gia đình cũng như cuộc sống xung quanh. Hay là việc bố mẹ gửi con vào những trại hè rèn luyện sức khỏe, trại hè để học tiếng Anh, để "cai" thiết bị điện tử… thiết nghĩ đều là quyền lựa chọn của mỗi gia đình và các em nhỏ.

Vì là quyền lựa chọn của mỗi gia đình nên chúng ta tôn trọng điều đó, và chúng ta cũng không "vơ đũa cả nắm" khi từ sự việc khóa tu ở chùa Cự Đà để nói rằng mọi khóa tu, trại hè đều cần xem lại. Nhưng, qua một sự việc cụ thể thì điều chúng ta có thể rút ra là gì, đâu là bài học cho các bậc làm bố làm mẹ?

Khóa tu, trại hè và bài học cho phụ huynh - 1

Hình ảnh chị G.N.N. đăng tải về con mình sau khóa tu 5 ngày tại chùa Cự Đà (Ảnh: G.N.N.)

Chúng ta thấy rằng các ngôi chùa đều được thiết kế để trở thành không gian tâm linh, thực hành tôn giáo, nhiều nơi cơ sở vật chất ở mức cơ bản, đơn sơ. Để phục vụ hàng chục hay hàng trăm trẻ em ăn ở, sinh hoạt, học tập thì chúng ta hình dung là cần một bộ máy dịch vụ được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và các yếu tố cần thiết khác với con trẻ. Ví dụ, trẻ em thích vui chơi, chạy nhảy, thích sự sôi động, liệu tâm lý thông thường đó có phù hợp với không gian vốn cần sự tôn nghiêm?

Trong sự việc khóa tu ở chùa Cự Đà, khi báo chí phản ánh các bất cập thì người đứng ra tổ chức đã kêu gọi phụ huynh, phật tử đưa con sang học ở… resort? Vậy thì ý nghĩa "khóa tu mùa hè" ở đây còn lại gì?

Đó là chưa kể chương trình của các khóa tu, trại hè được thiết kế như thế nào để phù hợp với các em nhỏ, nhìn từ khía cạnh khoa học giáo dục, là vấn đề mà phụ huynh cũng cần tìm hiểu kỹ. Tôi còn nhớ hồi con trai tôi học lớp hai, cháu được nhà trường tổ chức đi tham quan một ngôi chùa và có mua cuốn sách về "luật nhân quả" bán ở cửa hàng trước cổng chùa. Tôi đọc cuốn sách này và thấy sửng sốt vì nội dung đi ngược với tinh thần Phật giáo đã đành mà ngay cả với tư duy thông thường cũng vô cùng lệch lạc. Rất may là tôi đã xem cuốn sách này để kịp thời trò chuyện với con về những điều không đúng trong đó.

Có nhiều phụ huynh kỳ vọng, con em mình sẽ thay đổi sau khóa tu, trại hè, nhất là trải nghiệm sự thiếu thốn vật chất, vất vả so với ở nhà để các con nhận ra những giá trị của gia đình, để yêu thương bố mẹ hơn. Tuy nhiên, câu chuyện trải nghiệm từ chính cậu con trai của tôi thì lại cho kết quả ngược lại. Sau một lần được bố mẹ cho đi cắm trại với bạn - một hình thức trại hè ngắn ngày, chịu đựng cảnh nhà tắm xếp hàng, toilet bẩn…, cậu con trai của tôi sợ hãi gọi điện về nhà 30 phút chỉ để phàn nàn. Từ đó mỗi lần nhắc đến từ khóa "cắm trại" hay "trại hè" là cậu cứ như đỉa phải vôi.

Dĩ nhiên, việc tham gia một khóa tu hay trại hè nói chung cũng có thể mang lại những điểm tích cực, chẳng hạn như rèn tính kỷ luật trong sinh hoạt tập thể, biết tuân thủ giờ giấc, biết tôn trọng người khác, trải nghiệm hoạt động theo đội nhóm…

Như trên tôi đã khẳng định đây là quyền lựa chọn của mỗi gia đình, nhưng từ kinh nghiệm của chính gia đình mình, tôi nghĩ rằng các bố mẹ trước khi quyết định nên dẫn trẻ đến ngôi chùa đó để tham quan, xem trẻ có thích không, điều kiện ăn ở có đáp ứng không và cũng cần xem chương trình giảng dạy có phù hợp không nữa. Cơ sở vật chất có thể không tiện nghi nhưng cần sạch sẽ, có thể không thoải mái nhưng phải an toàn.

Một bài học mà các bậc phụ huynh cần học, có lẽ chính là hãy hỏi ý kiến của con trước khi quyết định. Đừng bắt trẻ theo khóa tu hay trại hè nào đó chỉ vì bố mẹ nghĩ như vậy sẽ giúp con "sửa mình". Điều cần sửa ở đây lại chính là bố mẹ, là những người lớn khi tổ chức một dịch vụ nào đó cho các em nhỏ trong mùa hè.

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Quyết là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Điện tử Gia Đình Mới. Anh quan tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin và thường có những bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân về đời sống và công nghệ.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!