Tâm điểm
Đoàn Công Lê Huy

Hai phía của bức tượng "Người đàn ông cúi chào" ở Huế

Người quê tôi - Thừa Thiên Huế - đang nhảy dựng lên vì bức tượng Người đàn ông cúi chào (Greetingman). Đủ loại cung bậc từ ngữ đã phát ra trong mấy ngày qua và có vẻ chưa hạ nhiệt, cảm xúc chung của khá nhiều người là "Ui chao hiện ngụy chưa tề, cả đời tui chưa chộ cái tượng mô mà ở lổ giữa chốn đông người ra ri". (Ôi chao khác thường quá, cả đời tôi chưa thấy tượng nào mà trần truồng giữa chốn đông người như vậy).

Tiếp cận một dự án điêu khắc

Hôm 28/4, có vẻ như rất ít cơ quan báo chí đăng tin bức tượng Người đàn ông cúi chào đã được hạ đặt xong tại Huế. Người phát ngôn ở một vị trí khiêm nhường là Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Huế cho biết, tượng Greetingman do Thị trưởng thành phố Namyangju (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) tặng TP Huế đã được lắp dựng tại rìa của Công viên 3-2, bên cạnh lối đi xuống bến đò Tòa Khâm (đường Đội Cung kéo dài). Theo đó, bức tượng đã được chuyển về và dựng xong từ 3 ngày trước.

Dễ thấy, truyền thông cho một sự kiện văn hóa hữu nghị như vậy là khá thầm lặng. Về vị trí đặt tượng là khá khiêm nhường so với đề xuất ban đầu. Về kích cỡ bức tượng thì đã rút xuống chỉ còn một phần ba so với dự kiến. Bức tượng cao 2m, đặt trên đế bằng đá cao 0,5m, so với dự án ban đầu là tượng cao đến 6m. Tôi nghĩ, đó là cách xử lý thận trọng của chính quyền địa phương có tính đến tâm lý cộng đồng.

Hai phía của bức tượng Người đàn ông cúi chào ở Huế - 1

Bức tượng "Người đàn ông cúi chào" (Greetingman) được đặt tại Công viên 3-2, TP Huế (Ảnh: NAG Ngô Lễ).

Lễ khánh thành tác phẩm điêu khắc cũng như thế này nhưng tại Uruguay được tổ chức thành Lễ hội Văn hóa Hàn Quốc, bao gồm các bộ phim được chiếu, các chương trình văn hóa và biểu diễn taekwondo… Ở Huế của ta, mặc dù đặt tượng thận trọng như vậy, nhưng mấy ngày qua, cộng đồng mạng đã kịp có nhiều phản ứng, từ nhẹ nhàng đến nghiệt ngã. Cả những phát ngôn thù ghét. Có người làm thơ và nhấn mạnh bằng chữ in hoa: NGAY CẢ LOÀI ĐỘNG VẬT/TẠO HÓA BAN CÁI ĐUÔI/ĐỂ CHE CHỖ CẦN ĐẬY/HUỐNG HỒ LÀ CON NGƯỜI! Kèm thêm dòng "lạc khoản": Vẫn ngứa con mắt khi nhìn cái tượng xấu xí này!

Trang Huế Online nhiều ý kiến cho biết họ "ốt dột ghê" (tức là ngượng lắm ấy). Có người ao ước: Phải chi có mặc bộ đồ lịch sự thì nhìn hay hơn.

Có người xét về mặt đạo đức: Ở truồng mà chào là vô lễ! Không có tý đức nào cả.

Có người xem xét về mặt văn hóa: "Huế là cố đô của nước Việt Nam, không phải là một thành phố như Sài gòn, nơi đón nhận các trào lưu phương Tây như Pháp, Mỹ... Có những điều mới mẻ nên học hỏi, lâu ngày sẽ quen. Nhưng có những thứ "quen" đi lại là tai họa cho sự tồn tại của dân tộc, đất nước".

Có người lại cho rằng đặt tượng khỏa thân sẽ có tác hại dân số và y tế: Đã coi thống kê tổng số nạo thai, phá thai, đẻ con xong rồi vứt, so sánh với thế giới chưa?

Có người đề nghị quẳng xuống dòng sông Thơm (sông Hương) hoặc đề nghị chính quyền thành phố Huế tặng tượng này lại cho bệnh viện tâm thần ở Kim Long.

Có người thận trọng khuyến nghị:

Xem xét bức tượng trong mối tương quan với một không gian văn hóa cộng đồng thì không thể vội vã được, cần phải được trải nghiệm thêm dưới nhiều bình diện và góc độ khác nhau. Không phải lúc nào cái khác, cái mới, cái hay, cái đẹp cũng dễ dàng được chào đón ở cộng đồng, ở không gian công cộng, nhất là ở những nơi có khuynh hướng chọn thẩm mỹ đồng phục. Do đó, phải kiên nhẫn chờ một độ trễ nhất định. Làm sáng tạo cho cộng đồng, hoặc làm nghệ thuật vì cộng đồng, thì nguy cơ, rủi ro là khó tránh. Có bị phản ứng, lên án, thậm chí bị quy chụp cũng là bình thường.

Không có gì là không thể, thời gian sẽ làm bạn quen thôi! Hãy chào đón nhiều luồng tư tưởng trái chiều để cảm nhận... Tự do luôn sáng tạo..!

Còn nhớ mới chỉ vài năm trước, rất nhiều người Huế cũng lên tiếng phản đối việc xây cầu gỗ lim dưới bờ sông Hương do Hàn Quốc xây dựng và thề là sẽ không bao giờ đặt chân xuống đó.

Nhưng ngay sau đó, nhiều người đã tự nhận ra mình sai: Đấy thực sự đã là địa điểm để các bạn trẻ đến vui chơi chụp ảnh, điểm ca nhạc mỗi khi có lễ hội, nơi đi bộ thể dục hay đứng hóng mát. "Tạo điểm nhấn cho du khách đến Huế chơ ai cũng chê Huế buồn nghe mà xót xa tội a rứa!".

Bên cạnh đó, tuy không nhiều nhưng cũng có ý kiến không tiếc lời khen ngợi: "Bức tượng đẹp nhất ở tính nhân văn", "Tượng đẹp một cách khiêm nhường và sâu sắc".

Tôn trọng và thấu hiểu

Dự án tượng điêu khắc mang tên "Người đàn ông cúi chào" của tác giả Young-Ho Yoo được đúc bằng chất liệu nhôm và đá Machan. Bức tượng truyền tải thông điệp tôn trọng và thấu hiểu, thể hiện phong cách chào hỏi khiêm nhường, tôn trọng đối tác của người Hàn Quốc.

Nhà điêu khắc Young-Ho Yoo học tại Đại học Seoul, sau đó học chuyên ngành điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật ở Düsseldorf, Đức, nơi mà theo ông đã "mở rộng tầm nhìn của mình về thế giới". Một bài báo viết bằng tiếng Tây Ban Nha đã dẫn lời tác giả nói về ý nghĩa của tác phẩm điêu khắc đương đại này như sau: "Điều đầu tiên một người phải làm khi gặp người khác là chào hỏi, nghĩa là lời chào là bước đầu tiên trong bất kỳ mối quan hệ nào. Đó là khởi đầu của mọi giao tiếp". Một người đàn ông khỏa thân, đại diện cho tất cả đàn ông, chữ "man" cũng là con người, đại diện cho con người nói chung chứ không phải thuộc một giai tầng xã hội nào.

Nó được sơn màu xanh vì nó không đại diện cho một chủng tộc cụ thể nào, không phải da trắng, da vàng, da đen, da đỏ… Tác phẩm điêu khắc này là một trong nhiều tác phẩm giống hệt nhau trên khắp thế giới, không có đường nét được cụ thể hóa mà chỉ có những đường nét chung nhất như một biểu trưng cho lời chào của cư dân Đại Hàn Dân Quốc và là một cử chỉ của tình hữu nghị giữa Hàn Quốc với các quốc gia khác.

Tác giả tượng cho biết: "Đây là bước đầu tiên trong một dự án đầy khát khao hơn, sẽ có một tác phẩm điêu khắc giống hệt như vậy được dựng lên giữa hai miền Triều Tiên, sau đó tiếp tục với các quốc gia khác".

Tượng đặt ở Việt Nam ngoài cúi chào tôn trọng và thấu hiểu, còn là một sự cầu xin tha thứ bởi vì Hàn Quốc đã dự phần vào lịch sử Việt Nam và đó không phải là một sự dự phần (lịch sử) đáng kính. Ông không loại trừ tác phẩm điêu khắc hệt như thế này sẽ được dựng lên ở biên giới giữa Israel và Palestine, và tại đó nó còn hàm chứa thông điệp hòa bình.

Đến nay, theo trang Wikipedia (tiếng Anh), bức tượng cao 6m này đã được dựng ở Uruguay, Hàn Quốc, Panama, Mexico. Chi phí mỗi bức tượng (phiên bản 6m) là 200.000 USD. Nghệ sĩ tác giả Young-Ho Yoo phải quyên tiền để thực hiện bằng cách bán những phiên bản nhỏ để gây quỹ.

Khoan dung văn hóa

Thực ra, anh chưa chộ - chưa thấy, thì không có nghĩa chỉ có những gì anh "chộ" mới là chuẩn mực đời sống, hơn thế nữa, là chuẩn mực của nghệ thuật sắp đặt đương đại, thứ phải cần có tri thức và trình độ mới thấu hiểu được.

Nhưng, vấn đề đáng suy nghĩ hơn ở đây lại là lòng khoan dung, đặc biệt là khoan dung văn hóa. Không có khoan dung văn hóa thì lấy gì để xây dựng được Huế thành thành phố festival, nơi chào đón và hoan nghênh mọi bản sắc, mọi khác biệt văn hóa vùng miền, đông, tây, kim, cổ đây? Văn hóa đã trở thành khuôn mẫu trong vô thức cộng đồng. Khi khép kín quá lâu thì càng dính chặt.

Điều đó có lẽ phía Hàn Quốc chưa nghĩ tới trong ý nghĩa của công trình văn hóa cộng đồng này ở Việt Nam. Phản ứng của tập thể công chúng vừa nêu trên càng cho thấy ông Cho Kwang Han (thị trưởng thành phố Namyangju, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) và tác giả điêu khắc thật là sâu sắc khi tặng cho chúng ta bức tượng này.

Bởi, muốn khoan dung, anh phải hạ về độ không của bản thể, trở về ban đầu - back to basic, nghĩa là anh phải cởi bỏ cho hết sạch những lớp y phục của những cái biết, những cái định kiến, thành kiến, tựu trung là "sở tri chướng" anh đã có thì mới có thể cúi đầu khiêm cung chào đón được những khác lạ, những dị biệt, những bản sắc, đa chân lý, những lĩnh vực có thể có nhiều đáp số.

Bắt đầu từ khoan dung văn hóa là dễ nhất. Nếu không làm được thì rất ít hy vọng về lòng khoan dung ở những hình thái ý thức thượng tầng khác, như khoan dung chính trị, khoan dung triết học, khoan dung lịch sử, khoan dung tâm lý cộng đồng, khoan dung tâm hồn chủng tộc, tâm hồn dân tộc…

Khoan dung là cách hành xử văn minh, kiến tạo hòa bình và chung sống tự do; thay cho cách làm cũ là cố chấp, phân biệt và kỳ thị, tạo ra xung đột và bạo lực mãi mãi không có lối ra.

Tác giả: Đoàn Công Lê Huy, quê Thừa Thiên Huế, là bút danh của ông Đoàn Công Huynh, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và truyền thông); nguyên Tổng Biên tập báo Tiền phong, nguyên Tổng Biên tập báo Sinh viên - Hoa Học Trò. Ông Đoàn Công Huynh còn được biết đến là anh Chánh Văn (từ năm 1991 đến 2005) trên báo Hoa Học Trò.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!