Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Hai mặt của việc nhà trường "đếm like cộng điểm" cho học sinh

Báo chí và mạng xã hội mấy hôm nay có nhiều bàn tán về một trường trung học tại TPHCM cho học sinh đi xem vở kịch nói và yêu cầu các em phải viết bài thu hoạch, cháu nào muốn có điểm cao thì phải thêm vào mục like, hay share trong bài thu hoạch theo số lượng mà trường quy định.

Tổng điểm là 10 thì nội dung cảm nhận vở kịch chỉ vẻn vẹn 3 điểm, phần thiết kế bài thu hoạch sao cho đẹp được 3 điểm, phần đăng trên Facebook và Zalo cá nhân của các cháu nếu có trên 100 like sẽ nhận thêm 2 điểm và lượt share trên 50 thì thêm 2 điểm nữa. Nghĩa là những phần việc nằm ngoài nội dung thu hoạch chiếm tới 70% số điểm.

Xung quanh sự việc này có hai nhóm ý kiến khác. Nhóm thứ nhất cho rằng trong thời đại công nghệ, việc thầy cô giúp học sinh cách chia sẻ thông tin tích cực và kỹ năng tương tác trên mạng xã hội là điều nên làm, đây cũng là một cách dạy học mới. Thông qua việc này, học sinh sẽ có những cách riêng để đưa sản phẩm của mình thu hút người khác; cách truyền tải nội dung, thông điệp... để lan tỏa sản phẩm.

Đếm like cho điểm_Huyên Nguyễn.jpeg

Phần chấm điểm cho bài thu hoạch ngoại khóa của học sinh tính cả lượt tương tác trên Facebook, Zalo (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Nhóm thứ hai phản đối với lý do không nên khuyến khích học sinh sống "ảo". Hơn nữa, với yêu cầu trên thì khả năng cao là rất nhiều học sinh chỉ làm được 2 phần là viết thu hoạch để có 3 điểm và 3 điểm trang trí. Còn 2 phần sau thì rất khó đạt. Nếu ai dùng mạng xã hội quen đều biết rằng để có 100 like trên một bài thu hoạch mà chủ đề không phải "hot trend" thì rất khó, nhất là với hầu hết học sinh không phải là những người nổi danh trên mạng. Còn để có 50 lượt share là một con số cực khó; nếu muốn đạt được có lẽ phải dùng cách khá tệ là làm "giả" (mua like, mua lượt share). Có nghĩa là thang điểm này khá xa rời thực tế của mạng xã hội.

Trước hai nhóm ý kiến trên, để khách quan, chúng ta cần thấy rằng đây là hoạt động ngoại khóa của nhà trường và có tính kết nối với chương trình học chính thức (môn ngữ văn). Tuy không bắt buộc song khi tham gia xem kịch thì mỗi nhóm học sinh sẽ làm một clip, sau đó đăng trên Facebook, Zalo. Tùy vào sản phẩm, các em sẽ được cộng từ 1-2 điểm vào bài kiểm tra thường xuyên của môn ngữ văn.

Trong thực tế theo một số thầy cô thì ngành Giáo dục (cấp Bộ và cấp Sở) chưa có quy định cụ thể về việc nên hay không nên khuyến khích học sinh chia sẻ bài tập, dự án thu hoạch trên mạng xã hội, do vậy cách làm do nhà trường chủ động đưa ra.

Vấn đề cần đặt ra là nếu mục tiêu thầy cô muốn học trò thực sự hiểu biết về một vở kịch, thì nên làm như thế nào, việc chia sẻ trên mạng xã hội có cần thiết không?

Ở đây tôi xin chia sẻ chuyện một đứa cháu của tôi học cấp 2 tại tỉnh bang Ontario, Canada. Cháu học môn văn, tới phần Kịch thì được thầy cô dạy vở Romeo và Juliet của Shakespeare. Khi học xong trên lớp, thầy cô gửi cho các cháu 86 câu hỏi trước khi đi xem diễn kịch ở sân khấu. Các câu được chia rất chi tiết theo từng Màn của vở kịch và chi tiết hơn là chia theo từng cảnh. Ví dụ như Màn mở đầu thì chỉ có 2 câu, do phần này ngắn. Nhưng đến màn một với 5 cảnh thì có 19 câu hỏi. Cảnh ít nhất có 2 câu và cảnh nhiều nhất có 7 câu hỏi.

Các cháu không cần làm tất cả 86 câu từ đầu tới cuối vở kịch mà chọn ra một vài phần, nếu cháu nào thích thì có thể làm tất cả các câu. Các câu hỏi không khó với nhận thức của học sinh cấp 2, lại đưa ra góc nhìn tự do, thoải mái trên quan điểm của người hiện đại nhìn về một vở bi kịch diễn ra vào thế kỷ 16. Tuy nhiên học sinh khi viết thu hoạch thì phải coi rất kỹ vở kịch và đọc kịch bản cẩn thận.

Nội dung một số câu hỏi như sau: Thành phố nào là nơi vở kịch diễn ra; dựa trên phần mở đầu này, bạn tin rằng điều gì là nguyên nhân chính dẫn tới xung đột trong vở kịch này; Juliet bao nhiêu tuổi; liệu ai đó ở độ tuổi của cô ấy có được phép kết hôn không, tại sao có hoặc tại sao không; khi Romeo gặp Juliet lần đầu tiên, anh đã yêu, đây có phải là tình yêu đích thực, tại sao có hoặc tại sao không…

Các câu hỏi trên rất thực tế, vì đưa ra về góc nhìn cho tuổi teen thời hiện đại. Ví dụ ở đây là độ tuổi kết hôn của Juliet, bởi ở thế kỷ 16, tuổi 13-14 là độ tuổi được kết hôn, nhưng hiện nay thì 18, do đó khi ra câu hỏi cho các học sinh cùng tuổi nàng Juliet thời đó, thầy cô phải thiết kế nội dung sao cho các cháu hiểu rõ.

Các câu hỏi không chỉ giúp học sinh hiểu rất kỹ về vở kịch, mà còn đặt ra vấn đề hết sức thiết thực với các con như tình yêu thế nào là đúng đắn, hôn nhân thì ra sao, tình cha mẹ với con cái thế nào, suy nghĩ sao về mối thù hận giữa 2 dòng tộc... từ góc nhìn của những thiếu niên thời hiện đại.

Thầy cô không chấm điểm những bài thu hoạch này, cũng không bảo các con phải trang trí sao cho đẹp, và cũng không bảo các con viết xong thì phải đưa lên mạng xã hội, nếu được nhiều like và share thì cộng thêm điểm. Nhưng tất cả học sinh đều làm rất hăng hái và nhiệt tình.

Vì sao vậy? Thứ nhất vì vở kịch đã được dạy trong bài học rất kỹ. Thứ hai, các con được xem kịch chuyên nghiệp, biểu diễn rất hay. Thứ ba, các con chuẩn bị để có thể cùng nhóm kịch trong trường sẽ biểu diễn trích đoạn của Romeo và Juliet trong liên hoan văn nghệ của trường nhân Giáng sinh.

Thầy cô, các nghệ sĩ chuyên nghiệp đã thuyết phục các con một cách tự nhiên, và tất nhiên người chinh phục trái tim các con đầu tiên chính là Shakespeare. Có ai trên đời này xem Romeo và Juliet mà không xúc động hay rơi lệ cơ chứ.

Bài thu hoạch sẽ được đem vào một tiết học môn văn, sau đó thầy cô chỉ chọn ra một vài điểm chính và cả lớp cùng thảo luận.

Tôi nghĩ rằng học như vậy thì sẽ rất thoải mái nhưng rất kỹ và sâu. Và vì vậy phần kịch trong chương trình, thầy cô có thể không cần dạy nhiều, chỉ chọn ra 1-2 vở kịch để dạy thật sâu, kết hợp xem thực tế và làm bài thu hoạch là học sinh sẽ tiếp thu tốt bài học. Phương pháp đúng là ngọn đèn dẫn đường cho học trò.

Mong rằng qua sự việc "đếm like cộng điểm" gây tranh cãi ở một trường phổ thông trên địa bàn TPHCM lần này, các thầy cô, học sinh rút ra được kinh nghiệm để suy nghĩ thấu đáo hơn về phương pháp. Viết thu hoạch là cần thiết, nhưng làm sao để học sinh hiểu được vở kịch đó, yêu thích tác phẩm và yêu thích môn văn mới là điều đáng quan tâm.

Về việc để học sinh chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cũng là vấn đề cần cân nhắc kỹ, nếu đó là một bài học về kỹ năng trong thời đại công nghệ thì có thể hữu ích với các em, song đưa ra dưới dạng bài tập và có chấm điểm tính vào điểm thưởng, vô hình trung trở thành áp lực với các em, và sẽ có những em phải "chạy theo" lượt like, lượt share là điều không nên.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!